Cuộc đua thú vị của phim chiếu mạng mùa tết

02/02/2024 - 17:58

PNO - Nhiều năm nay, phim chiếu mạng mùa tết trở thành “món ăn tinh thần” được khán giả chờ đón. Một số phim được kéo dài nhiều năm, dần tạo dựng được thương hiệu riêng.

Lại chuyện nhãn hàng tài trợ

Đến nay, sau nhiều năm, một số thương hiệu phim chiếu mạng mùa tết đã có được chỗ đứng nhất định trong lòng khán giả như chuỗi phim 3 mùa Cậu Út cậu con Cúc của diễn viên Huỳnh Lập; Tết đến rồi, về nhà thôi của diễn viên Thu Trang đã bước sang mùa thứ bảy; Gia đình Cục Súc đón tết cũng đi được 2 mùa; Minh Dự đã giới thiệu 3 phần Chuyện nhà Tí; Quách Ngọc Tuyên trong 6 năm qua đều ra phim trước thềm năm mới…

Huỳnh Lập, Puka và Lê Dương Bảo Lâm trong phim Cậu Út cậu con Cúc 3
Huỳnh Lập, Puka và Lê Dương Bảo Lâm trong phim Cậu Út cậu con Cúc 3

Sự đều đặn trong việc phát hành phim chiếu mạng dịp tết đang hình thành ở khán giả thói quen thưởng thức. Cứ đến tháng Chạp, nhiều người xem đã bắt đầu “thăm dò” một số nghệ sĩ để biết năm nay họ có làm phim dài, phim ngắn, webdrama tết hay không. Khi nhiều sản phẩm tung ra cùng thời điểm, người được lợi nhất là khán giả vì họ có đa dạng lựa chọn để xem và dễ đánh giá tổng quan về chất lượng.

Khoan đi sâu vào nội dung, điều dễ thấy đầu tiên ở mùa phim chiếu mạng năm nay là việc lồng ghép các nhãn hàng tài trợ đã giảm hơn trước. Một phần do tình hình kinh tế khó khăn đã ảnh hưởng lớn đến việc nhãn hàng bắt tay với nghệ sĩ. Dù vậy, ở những dự án có nhà tài trợ xuất hiện, việc đầu tư ý tưởng để sản phẩm vào phim đã được quan tâm hơn.

So với các năm, hình ảnh nhà tài trợ không lù lù “đi ngang” màn hình mà nghệ sĩ đã tạo ra câu chuyện để chúng bước vào phim. Trong Cậu Út cậu con Cúc mùa 3 (thời lượng hơn 2 tiếng) và phim ngắn Tết ơi ổn ko? (dài 15 phút) đều của Huỳnh Lập, anh có cách lồng quảng cáo khá mượt. Nhân vật tương tác với sản phẩm như một đồ vật sinh hoạt thường ngày. Khán giả xem đều biết Huỳnh Lập đang quảng bá cho thương hiệu nào nhưng không cảm thấy quá khó chịu vì tình huống không bị khiên cưỡng. 

Tuy nhiên, sự đầu tư ý tưởng trong lồng ghép quảng cáo giữa các ê kíp không giống nhau. Minh chứng là dù đầu tư chất xám, ở webdrama Tết miền quê của Quách Ngọc Tuyên, cách anh chèn sản phẩm vào phim không mượt. Cụ thể, Quách Ngọc Tuyên thủ vai chàng Bắp hiền lành, hay lo chuyện bao đồng. Một ngày nọ, hành động giúp người của anh bất ngờ được quay hình lại và tung lên mạng xã hội. Bắp phút chốc trở thành người nổi tiếng và bắt đầu được nhãn hàng chú ý, lựa chọn làm người quay quảng cáo. Ở tập 2 của phim, có đoạn Bắp thoải mái nói về sản phẩm vì đây là công việc mà anh đã nhận. Khi xem phân đoạn này, từ cách quay cận sản phẩm đến việc đọc tên thương hiệu của nhân vật tạo cảm giác khá thô, nặng tính PR. Trong Tết đến rồi, về nhà thôi của diễn viên Thu Trang cũng xảy ra tình trạng tương tự. Nhãn hàng xuất hiện to tướng trên khung hình và “đi” vào câu chuyện hơi gượng gạo.

Từ nhiều năm, việc nhãn hàng đồng hành cùng nghệ sĩ trong các dự án đã không còn mới. Đặc biệt giữa lúc kinh tế khó khăn, nhờ có sự tham gia của nhãn hàng, nghệ sĩ mới mạnh tay sản xuất sản phẩm. Đây là mối quan hệ đôi bên cùng có lợi, nhưng nếu ê kíp sản xuất sáng tạo hơn trong lồng ghép nhãn hàng, tin rằng chất lượng của phim sẽ không bị ảnh hưởng mà ngược lại, có thể tạo bất ngờ cho người xem.

Áp lực tạo tiếng cười, lan tỏa thông điệp

Phim chiếu mạng mùa tết đa phần là sản phẩm của các diễn viên hài. Mỗi phim đều quy tụ số lượng diễn viên hài khá đông nên trong các sản phẩm đều không thiếu mảng miếng tạo tiếng cười. Như Gia đình Cục Súc đón tết 2, với màn kết hợp của diễn viên Võ Tấn Phát, Minh Dự, Ngọc Phước, Hữu Đằng, Ngọc Hoa, Kim Đào…, tình huống hài được “giăng” tứ phía từ tạo hình, cử chỉ đến lời thoại mong mang lại tiếng cười cho người xem.

Hình ảnh trong phim Tết rồi, về nhà thôi của diễn viên Thu Trang.
Hình ảnh trong phim Tết rồi, về nhà thôi của diễn viên Thu Trang.

Nhưng Gia đình Cục Súc đón tết 2 và một số phim chiếu mạng khác gồm Tình thắm duyên xuân của Hồ Bích Trâm, Tết miền quê của Quách Ngọc Tuyên, Tết đến rồi, về nhà thôi của Thu Trang, một số tập hài tết của nhóm FapTV… gặp tình trạng cố tạo tiếng cười. Tùy từng phim, có thể do “miếng hài” không mới, không đủ “đô” gây cười hoặc do các nhân vật đều tranh nhau nói tạo sự hỗn loạn cho tình huống nên người xem chưa kịp cười thì cảnh đã chuyển.

Bên cạnh yếu tố hài hước, các phim cũng đưa vào phần nội dung sâu sắc để tạo độ lắng cho câu chuyện. Những phân cảnh này khá quý vì không nhiều phim có và nếu có, chúng không chiếm quá nhiều thời lượng. Phim ngắn Tết ơi ổn ko? như một ngoại lệ khi tạo tình huống khá xúc động. Khi người con trai (vai do Huỳnh Lập đảm nhận) bật khóc nói rằng năm qua kinh tế khó khăn, công việc không ổn định nhưng vì sợ cha mẹ lo, cậu không dám thổ lộ, cứ cố tỏ ra mình đang ổn. Đến khi không thể chịu đựng, người con trai òa khóc trong vòng tay yêu thương của cha mẹ mới hiểu rằng còn sức khỏe, còn có nhau thì không sao, chúng ta sẽ làm lại từ đầu. Với Tết miền quê, Quách Ngọc Tuyên muốn truyền tải thông điệp trong cuộc sống này, không ai là người vô dụng, chúng ta chỉ chưa phát hiện ra điểm mạnh của bản thân; nhưng quan trọng là hãy sống lương thiện và cần cù, sẽ đến lúc nhận về “quả ngọt”.

Các phim chiếu mạng dịp tết đang tạo ra cuộc đua thú vị. Nhìn vào lượt xem của các phim, có thể thấy sự ủng hộ của khán giả đang dành cho loạt phim chiếu mạng khá lớn. Nếu phân tích cặn kẽ, có thể dễ dàng chỉ ra điểm ưu và khuyết của các phim. Nhưng xét ở khía cạnh nghệ sĩ và ê kíp nỗ lực mang đến sản phẩm giải trí cho người xem, đặc biệt giữa thời điểm khó khăn về tài chính, khó kêu gọi tài trợ, cũng cần ghi nhận sự cố gắng này. 

An Trịnh

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI