Cuộc đua sản xuất vắc-xin SARS-CoV-2 đến giai đoạn nước rút

17/05/2020 - 13:24

PNO - Tổ chức y tế Thế giới (WHO) hôm 16/5 cho biết tám ứng viên hàng đầu sản xuất vắc-xin SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng, song song với họ là 110 công ty khác đang trong những giai đoạn phát triển khác nhau, khi các chính phủ trên thế giới chạy đua với thời gian để khống chế đại dịch.

Virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp - Ảnh vi điện tử do Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ (NIH) cung cấp
Virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp - Ảnh vi điện tử do Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ (NIH) cung cấp

Hãng tin Nhật Bản Kyodo News cho biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 15/5 đã công bố một dự án quốc gia nhằm tăng tốc phát triển vắc-xin COVID-19 mà ông hy vọng “sẽ có kết quả vào cuối năm hoặc có thể trước đó".

Công ty công nghệ sinh học Moderna Inc. của Mỹ đã phối hợp với Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia thực hiện thử nghiệm lâm sàng kể từ tháng Ba năm nay. Hai cơ quan này đang nghiên cứu một loại vắc-xin có chứa thông tin RNA, một vật liệu di truyền được tổng hợp để khiến các tế bào sản xuất protein tương tự như SARS-CoV-2 nhằm kích hoạt phản ứng miễn dịch của cơ thể tạo ra các kháng thể hiệu quả.

Trong khi đó, một công ty dược khác của Mỹ là Inovio Enterprises Inc. đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng sử dụng các phân tử DNA từ tháng Tư.

Tại Trung Quốc, bốn hãng dược nằm trong danh sách của WHO, trong đó có CanSino Biological Inc., đang cố gắng biến đổi gien các loại virus khác để tạo ra protein SARS-CoV-2 có thể kích hoạt phản ứng miễn dịch.

Sự hợp tác giữa công ty dược phẩm Pfizer Inc. của Mỹ và BioNTech SE, một công ty liệu pháp miễn dịch của Đức, cũng thu được những kết quả đáng khích lệ.

Trong khi đó, sáu ứng viên sản xuất vắc-xin tại Nhật Bản – trong đó có Đại học Osaka, Đại học Tokyo và Viện truyền nhiễm quốc gia - vẫn được đánh giá là “trong giai đoạn tiền lâm sàng”. Vắc-xin tương tự, theo các chuyên gia y tế Nhật Bản, chưa thể có được ở Nhật trước cuối năm nay.

Yoshihiro Kawaoka, chuyên gia virus học tại Viện Y khoa thuộc Đại học Tokyo cho biết, ngay cả khi vắc-xin ở nước ngoài thành công và được phê chuẩn sử dụng, thì “nguồn cung ở Nhật vẫn hạn chế và vắc-xin này khó được phổ biến rộng rãi trong năm nay”.

Để phát triển hiệu quả một loại vắc-xin cần phải qua một số bước. Đầu tiên là các nghiên cứu tiền lâm sàng, được tiến hành với động vật trong phòng thí nghiệm để xác định độ mạnh, tính an toàn và hiệu quả của vắc-xin, sau đó tiến hành thử nghiệm lâm sàng trên người, và cuối cùng, vắc-xin cần được chính phủ phê chuẩn để phân phối rộng rãi.

Hoàng Diệu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI