Cuộc đua mua vắc xin: Mạnh nhờ đi trước, bạo nhờ nhiều tiền

10/06/2021 - 05:12

PNO - Hơn một năm sau khi đại dịch COVID-19 bắt đầu, Tổ chức People’s Vaccine Alliance cảnh báo rằng, đa số các nước đang phát triển không đủ liều vắc xin COVID-19 để tiêm ít nhất một mũi cho người dân của mình. Ngược lại, các quốc gia giàu có tiêm chủng cho công dân của họ với tốc độ trung bình một người một giây trong tháng 5/2021.

Những hợp đồng độc quyền

Ngay từ khi các hãng dược phẩm nghiên cứu chế tạo vắc xin ngừa COVID-19 vào nửa đầu năm 2020, Mỹ, Anh, Canada và những nước phát triển khác đã sử dụng nguồn lực tài chính để “đặt cược” vào kết quả, đảm bảo sở hữu số liều vắc xin cho dân của mình. Andrea Taylor, nhà nghiên cứu từ Đại học Duke (bang Bắc Carolina, Mỹ), chuyên nghiên cứu các hợp đồng tài trợ và đặt mua vắc-xin, nhận xét: “Các quốc gia có thu nhập cao đã đi trước, chấp nhận rủi ro và hốt sạch những mặt hàng có trên kệ”. 

 

 

Theo Thời báo New York, hơn 2,15 tỷ liều vắc-xin COVID-19 đã được sử dụng trên toàn thế giới tính đến ngày 7/6, nhưng một số quốc gia thậm chí còn chưa nhận được liều đầu tiên
Theo Thời báo New York, hơn 2,15 tỷ liều vắc xin COVID-19 đã được sử dụng trên toàn thế giới tính đến ngày 7/6, nhưng một số quốc gia thậm chí còn chưa nhận được liều đầu tiên

Mỹ đã cung cấp hàng tỷ USD để hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và sản xuất năm loại vắc xin hứa hẹn nhất chống lại COVID-19, bao gồm sản phẩm của Pfizer và Moderna, thúc đẩy chúng phát triển với tốc độ và quy mô chưa từng có. Sự hỗ trợ này đi kèm với một điều kiện rằng, người Mỹ sẽ được ưu tiên tiếp cận với liều lượng sản xuất tại quốc gia của họ.

Các quốc gia giàu có khác cũng có động thái tương tự Mỹ trong việc đặt trước số lượng lớn vắc xin, và thường đi kèm các quyền tùy chọn để mở rộng giao dịch, thu mua nhiều liều hơn nữa, làm giảm cơ hội mua vắc xin của nhiều quốc gia nghèo hơn.

Nhìn chung, Mỹ bảo đảm nhận 100 triệu liều vắc xin từ Pfizer, với tùy chọn mua thêm 500 triệu liều; bên cạnh đó là 200 triệu liều từ Moderna, với thêm 300 triệu liều dự phòng. Mỹ cũng đã đặt 810 triệu liều từ các hãng AstraZeneca, Johnson & Johnson, Novavax và Sanofi; các thương vụ mở rộng có thể đẩy con số đó lên 1,5 tỷ liều dù dân số nước Mỹ chỉ gần 330 triệu người. Tương tự, Liên minh châu Âu (EU) đã bảo đảm 1,3 tỷ liều từ hầu hết các công ty nêu trên, và có thể mua thêm 660 triệu liều nữa theo hợp đồng quyền chọn.

Chi tiết của những hợp đồng thường không được tiết lộ cho công chúng, nhưng những ràng buộc trong đó dường như là không thể thay đổi, điển hình như vụ kiện của EU lên tòa án Bỉ đối với hãng dược phẩm AstraZeneca.

Theo EU, công ty dược phẩm Anh - Thụy Điển không tôn trọng hợp đồng cung cấp vắc xin COVID-19 và không có kế hoạch “đáng tin cậy” để đảm bảo cung cấp kịp thời. AstraZeneca đáp trả rằng, hành động pháp lý của EU là không có cơ sở vì theo hợp đồng, công ty chỉ cam kết thực hiện “những nỗ lực hợp lý nhất” để cung cấp 180 triệu liều vắc xin cho EU trong quý II/2021.

AstraZeneca cho biết, trong một tuyên bố vào ngày 12/3 rằng, họ sẽ chỉ cung cấp 60 triệu liều tính đến cuối tháng sáu vì những trở ngại về nguyên liệu và dây chuyền. Vụ kiện dự kiến sẽ có kết quả trong vòng một tháng tới, qua đó cho thấy sự khó khăn trong sản xuất và thu mua vắc xin mà ngay cả một khối thịnh vượng chung cũng phải đối mặt giữa nhu cầu vắc xin gia tăng trên toàn cầu.

Vắc xin nhỏ giọt cho các nước nghèo

Mỹ, EU, Canada và các nước phát triển khác đã ký kết thỏa thuận để có thêm hàng trăm triệu liều vắc xin COVID-19 trong hai năm tới. Theo các thỏa thuận gần đây, Pfizer đã đồng ý cung cấp cho EU tới 1,8 tỷ liều cho đến năm 2023, trong khi đồng ý cung cấp cho Canada tới 125 triệu liều. Trong khi đó, Úc, Thụy Sĩ và Israel dự kiến sẽ sử dụng vắc xin Moderna vào năm 2022, và Thụy Sĩ đã đặt hàng trước đến năm 2023. Các thỏa thuận đảm bảo các quốc gia này có đủ nguồn cung cấp để tiêm chủng cho cư dân và bảo vệ họ khỏi các biến thể trong tương lai. Tuy nhiên, các thỏa thuận một lần nữa lại bỏ rơi các nước đang phát triển.

Nhiều quốc gia đang phát triển hiện phụ thuộc vào nguồn vắc xin viện trợ song phương từ nước khác như Nga và Trung Quốc. Theo Công ty Bridge Consulting, có trụ sở tại Bắc Kinh, Trung Quốc đã tài trợ 18,5 triệu liều vắc xin trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại rằng, Trung Quốc đang sử dụng vắc xin để thúc đẩy chương trình nghị sự chính trị và thương mại của mình trên khắp châu Phi, châu Mỹ Latinh và vùng Caribe, thay vì ý nghĩa nhân đạo thuần túy. Vào tháng Tư, Nga đã gửi vắc xin Sputnik V đến 22 quốc gia trên thế giới, đồng thời đã ký thỏa thuận sản xuất 700 triệu liều vắc xin này ở nước ngoài. Tuy nhiên, tình trạng thiếu thiết bị và nguyên liệu sản xuất vắc xin trên toàn cầu khiến kế hoạch này chậm lại đáng kể.

Hy vọng lớn nhất của các quốc gia đang phát triển và chậm phát triển là sáng kiến chia sẻ vắc xin công bằng COVAX, do Tổ chức Y tế Thế giới lãnh đạo. Mặc dù nhiều nước nghèo vẫn đang nhận vắc xin từ COVAX nhưng số lượng sẵn có chỉ đáp ứng cho khoảng 3% người dân của nhóm này vào giữa năm 2021.

Lý do chính vì COVAX phụ thuộc lượng vắc xin AstraZeneca do Viện Huyết thanh của Ấn Độ cung cấp, nhưng chính phủ nước này đã quyết định ngừng xuất khẩu vắc xin để tập trung đáp ứng nhu cầu trong nước. Đáng khích lệ, Tổng thống Mỹ Joe Biden hứa sẽ tài trợ 75% số vắc xin COVID-19 chưa sử dụng cho COVAX và khuyến khích các đồng minh thực hiện điều tương tự. Riêng EU dự kiến tài trợ ít nhất 100 triệu liều vắc xin COVID-19 cho các nước đang phát triển trong năm nay. 

Tấn Vĩ (tổng hợp)
 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI