Mở thêm nhiều siêu thị, cửa hàng
Ông Yol Phokasub - Giám đốc điều hành của Central Retail Corporation (CRC), đơn vị sở hữu chuỗi siêu thị GO!, BigC, Nguyễn Kim - cho biết, tập đoàn này xác định Việt Nam là thị trường trọng điểm.
Do đó, trong vòng 5 năm tới, CRC sẽ tiếp tục đầu tư thêm 50 tỉ baht (1,45 tỉ USD) để tăng số cửa hàng từ 340 lên 600, trong đó sẽ đầu tư khoảng 6 tỉ baht ngay trong năm 2023 nhằm “phủ sóng” cửa hàng ở 57 tỉnh, thành của Việt Nam. CRC có tham vọng đưa Central Retail Việt Nam (CRV) trở thành nhà bán lẻ số 1 về thực phẩm và số 2 về bất động sản (chủ yếu là trung tâm thương mại) ở Việt Nam vào năm 2027.
Lãnh đạo CRV cũng đánh giá, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng và dân số tiếp tục tăng, lượng du khách quốc tế cũng ngày càng tăng. Đây là những dấu hiệu tích cực để nhà đầu tư đến từ Thái Lan tiếp tục rót vốn đầu tư.
|
Tập đoàn THACO đặt mục tiêu mở thêm 20 siêu thị Emart trong 5 năm tới, doanh thu đến năm 2026 dự kiến đạt 1 tỉ USD (ảnh chụp tại Emart Phan Văn Trị, quận Gò Vấp, TPHCM) - Ảnh: Nguyễn Cẩm |
Ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Masan - cho biết, đơn vị điều hành chuỗi bán lẻ WinMart, WinMart+ là WinCommerce (WCM) đặt mục tiêu mở 800-1.200 cửa hàng trong năm 2023, tập trung vào mô hình minimart, mini mall ở khu vực thành thị, nông thôn. WCM dự kiến sẽ đạt doanh thu thuần khoảng 36.000-40.500 tỉ đồng trong năm 2023, tăng 23% đến 38% so với năm 2022.
Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn THACO - cũng cho biết, sau khi mở thêm siêu thị Emart Sala (TP Thủ Đức), Thiso Retail (thuộc THACO) đặt mục tiêu mở tiếp 20 siêu thị Emart trong 5 năm tới, doanh thu đến năm 2026 dự kiến là 1 tỉ USD. Ngoài kênh bán hàng trực tiếp, Emart Việt Nam cũng sẽ chú trọng và đầu tư vào ứng dụng mua sắm trực tuyến, vận hành hệ thống lấy hàng tự động, giao hàng đến người mua trong vòng 1 giờ trong bán kính 5km.
Cạnh tranh sẽ quyết liệt hơn
Dẫn đánh giá của Bộ Công Thương, chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú cho rằng, tiềm năng của thị trường bán lẻ Việt Nam còn rất lớn. Với cơ cấu dân số hơn 96 triệu người, 50% dân số trẻ nhưng kênh bán lẻ hiện đại chỉ chiếm 25% thị phần; GDP bình quân đầu người năm 2030 dự kiến khoảng 8.000-10.000 USD; thị trường nông thôn rất rộng lớn. Đây là những yếu tố tạo sức hấp dẫn cho thị trường bán lẻ. Do vậy, các nhà bán lẻ lớn trong, ngoài nước đều tăng vốn, mở rộng chuỗi phân phối, nâng cấp chất lượng dịch vụ.
Bên cạnh đó, nền chính trị ổn định, có nhiều chính sách thu hút đầu tư, nhiều hiệp định thương mại được ký với các nước đã thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp (DN) nước ngoài tăng đầu tư vào Việt Nam. Các “ông lớn” nước ngoài đầu tư vào Việt Nam không chỉ để bán lẻ hàng ở Việt Nam mà còn thu mua hàng hóa của Việt Nam - nhất là nông sản - để cung ứng cho các chuỗi bán lẻ ở các nước. Khi thắng ở thị trường bán lẻ, DN sẽ mở rộng sang các lĩnh vực khác, như chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất.
Ông Quách Thế Phong - Giám đốc bộ phận tư vấn, Công ty Nghiên cứu thị trường Ipsos Stratery3 Việt Nam - cũng đánh giá, thị trường bán lẻ của Việt Nam rất giàu tiềm năng. Phân khúc bán lẻ ở Việt Nam hiện phần lớn do DN Việt Nam làm chủ nhưng đại siêu thị chưa sôi động, còn nhiều tiềm năng để DN nước ngoài đầu tư. Ngành điện tử, điện máy cũng còn nhiều tiềm năng để khai thác.
Ngoài nỗ lực của DN, Nhà nước cần phát huy vai trò hỗ trợ DN, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, công khai; cần khuyến khích mở thêm sàn giao dịch để tránh tình trạng ép giá nhau; xây dựng hạ tầng giao thông, logistics tốt để giảm chi phí lưu thông nội địa; kiểm soát hàng lậu, hàng giả; hỗ trợ liên kết, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu bán lẻ; làm trọng tài phân xử những tình trạng o ép giá. Chuyên gia Vũ Vinh Phúc |
Ông nhận định, xu hướng tiêu dùng đang thay đổi, người tiêu dùng ưu tiên mua sản phẩm thiết yếu, giảm mua hàng xa xỉ giá cao, tần suất mua hàng giảm. Đây là cơ hội cho phân khúc đại siêu thị với sự đa dạng về hàng hóa, giá cả cạnh tranh. DN Việt Nam đang có nhiều lợi thế về bán lẻ, sở hữu nhiều chuỗi trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi nên không quá lo bị áp đảo khi DN nước ngoài đẩy mạnh đầu tư. Năm nay là năm bản lề và năm 2024 sẽ mở đầu chu kỳ tăng trưởng mới. Theo ông, DN cần đưa ra những sản phẩm thiết yếu phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng, giá cả cạnh tranh, hướng tới việc kết hợp bán lẻ với giải trí, tạo cộng đồng khách hàng để đón đầu năm 2024.
Còn theo chuyên gia Vũ Vinh Phú, khi các DN nước ngoài đầu tư vào Việt Nam ngày càng nhiều, sự cạnh tranh càng quyết liệt hơn. DN nào ít vốn, làm ăn không có chiến lược bài bản thì sẽ bị đào thải. Hạ tầng thương mại Việt Nam còn yếu, giao thông, kho hàng, bến bãi còn nhiều bất cập khiến chi phí hậu cần (logistics) cao, đội giá thành sản phẩm. Việc mua bán ở Việt Nam vẫn còn phức tạp, qua nhiều khâu trung gian; kỷ luật sản xuất, kỷ luật kinh doanh còn lỏng lẻo; sự liên kết giữa sản xuất và phân phối còn yếu… là những thách thức đối với DN Việt Nam.
Cũng theo ông Vũ Vinh Phú, ở các nước, giá hàng hóa ở siêu thị rẻ hơn ở chợ, còn ở Việt Nam thì ngược lại; tình trạng hàng lậu, hàng giả ở Việt Nam còn nhiều. Đây là những thách thức đối với các DN nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.
Trước sự mở rộng đầu tư của các DN ngoại, chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng, các DN Việt phải tăng vốn, mở rộng kênh phân phối mới có thể cạnh tranh được. Đồng thời, DN Việt cần nâng cao công nghệ quản lý, bán hàng, hướng tới quản trị DN bằng công nghệ số, mua hàng không chạm, giám sát bằng camera để khách vào siêu thị không cần gửi túi xách. Bên cạnh đó, các DN và nhà sản xuất, phân phối cần liên kết chặt chẽ hơn, khuyến khích nhà sản xuất tăng sản xuất sạch, xanh, tuần hoàn để phục vụ người tiêu dùng tốt hơn.
Nguyễn Cẩm