Cuộc đua hoạt huyết dưỡng não

09/10/2017 - 07:55

PNO - Trong 9 tháng đầu năm, Cục An toàn thực phẩm đã xử phạt gần 1,3 tỷ đồng với 33 cơ sở vi phạm. Phổ biến trong số này là xử phạt quảng cáo thổi phồng nhiều loại TPCN như là thuốc đặc trị bệnh nan y.

Hiện nay, trên thị trường đầy rẫy các sản phẩm hoạt huyết dưỡng não (HHDN) và không ít người  tùy tiện sử dụng với suy nghĩ: trị được bệnh nhức đầu. 

Cuoc dua  hoat huyet duong nao

Mới đây, ngày 29/9, Cục Quản lý dược, Bộ Y tế ra quyết định đình chỉ lưu hành thuốc viên bao đường HHDN do Công ty cổ phần Thương mại dược vật tư y tế Khải Hà sản xuất trên toàn quốc.

Nguyên nhân do sản phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu tỷ lệ các thành phần của cao bạch quả và định lượng Ginkgo flavonoid toàn phần.

Nhức đầu là có HHDN điều trị

Khảo sát tại các nhà thuốc trên thị trường TP.HCM, dòng sản phẩm (SP) HHDN trong nước sản xuất có đến hàng chục thương hiệu khác nhau.

Thậm chí, nhiều nhà sản xuất cùng lấy cụm từ HHDN làm tên gọi SP; đến mẫu mã, bao bì cũng hao hao nhau, chỉ khác công ty sản xuất.

Cụ thể, cùng là HHDN nhưng có của Nhất Nhất, rồi Traphaco, Ginkgo gold, ACP, PQA, CRA, Abipha,  Vinaphar, HHDN Ginkgomin… Các SP này có giá khá rẻ (25.000-200.000 đồng/hộp, nên càng khiến người tiêu dùng mạnh tay bỏ tiền ra mua. 

Các phương tiện truyền thông và các trang web cũng quảng cáo đầy rẫy các loại HHDN. Mặc dù nhà phân phối, sản xuất HHDN quảng cáo đúng quy định đây là thực phẩm chức năng, nhưng dòng chữ “Sản phẩm không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh” được in rất nhỏ, ở vị trí ít được chú ý, nên nhiều người dễ bỏ qua, dễ lầm lẫn đây là thuốc.

Không ít người tiêu dùng, nhất là người lao động, mỗi khi nhức đầu là lập tức đến nhà thuốc hỏi mua HHDN. Thậm chí, hễ đến mùa thi các ông bố, bà mẹ đua nhau mua HHDN về “tẩm bổ” cho con.

Theo quy định, thuốc mới được sử dụng cụm từ “điều trị”, còn thực phẩm chức năng (TPCN)  thì dùng cụm từ “hỗ trợ điều trị”. Trong khi đó, nhiều người bán TPCN cố tình dùng cụm từ “điều trị” thay cho “hỗ trợ điều trị” khiến người tiêu dùng ngộ nhận sản phẩm có công dụng điều trị bệnh nhằm để bán SP.

Cụ thể, HHDN của Vinaphar là TPCN nhưng trang web: muabanduocpham.vn (có cửa hàng tại đường Phổ Quang, Q.Tân Bình) quảng cáo: điều trị chứng suy giảm trí nhớ. Hoặc tại nhà thuốc Thành Trung (Phan Văn Đối, H.Hóc Môn), nghe người mua than đau đầu, hoa mắt, chóng mặt… người bán khuyên ngay là nên uống HHDN.

Đưa ra hai hộp HHDN của Nhất Nhất và Traphaco, người bán còn khẳng định thuốc này còn trị được nhiều bệnh nguy hiểm như xơ vữa động mạch, nghẽn mạch, tai biến mạch máu não, bệnh nhân nào sử dụng cũng được…

Trong khi trên vỏ hộp thuốc chỉ ghi: thận trọng với người có rối loạn đông máu, đang xuất huyết. Người bán luôn khuyến khích người mua nên sử dụng hàng ngày.

Tương tự, tại nhiều nhà thuốc khác, người bán còn tư vấn một số TPCN là thuốc làm tan các cục máu đông, trị được bệnh Parkinson. Trước cả chục thương hiệu HHDN, người bán nói, thành phần đều giống nhau, thích thương hiệu nào thì cứ chọn mua.

Dùng tùy tiện rất nguy hiểm

PGS-TS-DS Nguyễn Hữu Đức - ĐH Y Dược TP.HCM - đã thực hiện một cuộc khảo sát từ các phòng khám sức khỏe. Kết quả cho thấy, nhiều bệnh nhân có triệu chứng nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, suy giảm trí nhớ… đều nghe theo quảng cáo trên ti vi rồi tự ra nhà thuốc tìm mua các loại HHDN, tin rằng sau khi uống các loại HHDN này có thể khỏi bệnh.

Thực tế, tình trạng đau đầu, hoa mắt, chóng mặt có rất nhiều nguyên nhân như bệnh đau nửa đầu, bướu não, viêm động mạch thái dương… nếu không đi khám mà chỉ sử dụng HHDN thì không thể nào hết bệnh mà chỉ khiến bệnh càng trầm trọng. 

Trong số đó, có khoảng 30% bệnh nhân nhồi máu não trước đó bị thiếu máu não cục bộ thoáng qua với triệu chứng đau đầu. Đáng cảnh báo là đã có trường hợp tự ý mua HHDN về uống để giảm cơn đau đầu khiến bệnh nhân rơi vào tình trạng nguy hiểm.

Theo PGS-TS-DS Nguyễn Hữu Đức, HHDN có hai loại: thuốc và TPCN. Dù là thuốc hay thực phẩm vẫn gây tác dụng phụ, ví dụ thành phần trong HHDN là cây bạch quả (ginkgo biloba) có thể dị ứng với những cơ địa đã từng dị ứng với hạt điều, vỏ xoài… triệu chứng thường gặp là đau đầu, chóng mặt, đánh trống ngực, buồn nôn, tiêu chảy.

Theo nghiên cứu, cây bạch quả gây tăng huyết áp hoặc hạ huyết áp, tăng nguy cơ chảy máu, gây buồn ngủ, ảnh hưởng lượng đường trong máu; ảnh hưởng lên một số bệnh dạ dày, rối loạn đường ruột, rối loạn cơ xương, rối loạn tâm thần, động kinh…

Đặc biệt, các chế phẩm HHDN gần như không có tác dụng phục hồi sự suy giảm trí nhớ do rối loạn tuần hoàn não giống như quảng cáo. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI