Cuộc đua giành quyền kiểm soát không gian

10/12/2020 - 08:32

PNO - Hai ngày sau khi tàu thăm dò Hằng Nga 5 của Trung Quốc cắm cờ trên mặt trăng, ngày 6/12 một viên nang chứa mẫu đất từ tiểu hành tinh ngoài không gian do tàu vũ trụ Hayabusa2 của Nhật Bản gửi về đã hạ cánh tại Úc.

Nhân viên Cơ quan Thám hiểm hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) thu hồi viên nang do tàu Hayabusa2 gửi về và đã hạ cánh tại Woomera, miền Nam nước Úc - Ảnh: AP
Nhân viên Cơ quan Thám hiểm hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) thu hồi viên nang do tàu Hayabusa2 gửi về và đã hạ cánh tại Woomera, miền Nam nước Úc - Ảnh: AP

Những bước tiến cho nhân loại
Được phóng lên vào ngày 3/12/2014, tàu vũ trụ Hayabusa2 đáp xuống tiểu hành tinh Ryugu, cách trái đất hơn 300 triệu km vào tháng 6/2018. Ryugu là một trong những vật thể lâu đời nhất trong hệ mặt trời và do đó có thể chứa manh mối về cách trái đất tiến hóa. Nhật Bản hy vọng tiếp tục sử dụng công nghệ của Hayabusa2 trong tương lai, có thể cho sứ mệnh tiếp cận mặt trăng của sao hỏa vào năm 2024.

Tương tự, Trung Quốc cũng đạt nhiều tiến bộ đặc biệt trong sứ mệnh mặt trăng và hiện có bảy tàu vũ trụ hoạt động gồm: tàu đổ bộ Hằng Nga 3, tàu đổ bộ Hằng Nga 4 và xe tự hành Ngọc Thố 2, vệ tinh chuyển tiếp Ô Thước, tàu quỹ đạo CE-5 T1, tàu quỹ đạo CE5 và tàu đổ bộ CE-5. Hiện tại, không có quốc gia nào khác có thiết bị định vị hoạt động trên mặt trăng. Sứ mệnh mới nhất của Trung Quốc, Hằng Nga 5 dự kiến đưa đất từ mặt trăng về trái đất. Ngoài ra, Bắc Kinh đã phóng tàu vũ trụ Tianwen-1 lên sao hỏa vào tháng 7/2020.

Nhìn chung, những thành công trên là bước tiến quan trọng của khoa học và nhân loại. Tuy nhiên cũng đặt ra câu hỏi khó, liệu các cường quốc vũ trụ có giữ đúng lời hứa khai thác và nghiên cứu không gian một cách hòa bình, hay đó sẽ là cuộc đua giành quyền kiểm soát “vùng đất” mới giàu tiềm năng?

Vì hòa bình hay giành quyền làm chủ?

Vào ngày 17/7/1975, hai nhà du hành vũ trụ Liên Xô và Mỹ cùng bắt tay bên trên bầu khí quyển trái đất, khi tàu vũ trụ Liên Xô Soyuz-19 và tàu vũ trụ Apollo của Mỹ gặp nhau. Trong thông điệp chào mừng, lãnh đạo Liên Xô mô tả “chuyến bay chung của hai tàu vũ trụ Liên Xô và Mỹ” là “bước quan trọng trong sự phát triển hợp tác khoa học và công nghệ, mở ra triển vọng mới cho các nước hợp tác vì cuộc khám phá hòa bình ngoài không gian”.

Thế nhưng 45 năm sau, ba trong số năm cường quốc hạt nhân chính thức của thế giới là Mỹ, Nga và Trung Quốc đều đang sở hữu Bộ Tư lệnh không gian cùng vũ khí không gian nguy hiểm; bất chấp Hiệp ước Không gian năm 1967 cấm đồn trú vũ khí hủy diệt hàng loạt trong không gian vũ trụ (WMD), cấm các hoạt động quân sự trên các thiên thể và đưa ra các quy tắc ràng buộc pháp lý nhằm quản lý việc thăm dò, sử dụng không gian một cách hòa bình.

Thiếu tướng Lục quân Vệ binh quốc gia Mỹ Tim Lawson khẳng định Lầu Năm Góc coi không gian là một khu vực giao tranh ngang bằng với đất liền, trên không và trên biển. Trong bài phát biểu gần đây, ông cáo buộc “Trung Quốc đã thử nghiệm tên lửa chống vệ tinh, trong khi Nga đã triển khai các hệ thống trên quỹ đạo có thể đe dọa vệ tinh Mỹ”. 
Ông Lawson cũng cho biết Spacecom - đơn vị chỉ huy tác chiến của Bộ Quốc phòng Mỹ, chịu trách nhiệm về các hoạt động quân sự ngoài không gian - luôn “sẵn sàng chiến đấu”. Cơ quan này được cho là đã phát triển các khả năng mới để chống lại Trung Quốc và Nga. Đồng thời, chính quyền Tổng thống Trump cũng ra lệnh mở rộng phạm vi của đạo luật Thương mại không gian năm 2015, cho phép công ty Mỹ có thể kiếm lợi nhuận từ các hoạt động ngoài không gian.

Ở bên kia “chiến tuyến”, Bộ Tư lệnh vũ trụ Nga được thành lập ngày 1/12/2011 với các trách nhiệm bao gồm cảnh báo tấn công tên lửa, giám sát không gian và kiểm soát các vệ tinh quân sự. Riêng chương trình không gian của Trung Quốc được tổ chức trực tiếp bởi Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) được xem như một phần của ngành công nghiệp quốc phòng tương xứng với hoạt động của phương Tây. Giờ đây, mục tiêu mới nhất của Bắc Kinh là đưa người lên mặt trăng và đưa robot lên sao hỏa.

Tính đến 1/4/2020, có tổng cộng 2.666 vệ tinh đang hoạt động trong không gian, khoảng một nửa trong số này thuộc sở hữu của Mỹ, tiếp theo là Nga, Trung Quốc và Ấn Độ. 

Tấn Vĩ (theo AP, Eurasia Review, Geospatial World)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI