Cuộc đua chống lại các biến thể virus SARS-CoV-2 của những nhà sản xuất vắc xin

13/12/2021 - 06:51

PNO - Công nghệ tế bào T đang là vũ khí tốt nhất của các nhà khoa học chống lại khả năng đột biến của virus SARS-CoV-2.

 

sự xuất hiện của biến thể Omicron vào tháng trước đã đẩy cuộc chiến theo một hướng khác: tìm kiếm các vắc xin mới.
Sự xuất hiện của biến thể Omicron đã khiến các nhà khoa học chạy đua tìm kiếm các vắc xin mới

Các nhà khoa học đã làm việc với tốc độ nhanh chưa từng có để phát triển những mũi vắc xin COVID-19 đầu tiên. Chỉ 9 tháng sau khi Anh ban bố lệnh phong tỏa, bà Margaret Keenan (90 tuổi) đã trở thành người đầu tiên trên thế giới (ngoài phòng thí nghiệm) được tiêm vắc xin của hãng Pfizer/BioNTech. Tuy nhiên, virus đang đột biến và sự xuất hiện của biến thể Omicron vào tháng trước đã đẩy cuộc chiến theo một hướng khác: tìm kiếm các vắc xin mới.

Vậy chúng ta đã có những gì? Vắc xin dạng viên uống của hãng Vaxart và dụng cụ tiêm vắc xin chạy bằng lò xo của hãng Scancell có thể đâm xuyên qua da mà không cần kim. Mặc dù vậy, cốt lõi vẫn xoay quanh sự phát triển trong công nghệ tế bào T.

Được sản xuất bởi tủy xương, tế bào T (hay tế bào lympho) là một phần quan trọng của hệ thống miễn dịch. Trong khi các loại vắc xin hiện tại chủ yếu tạo ra các kháng thể bám vào virus và ngăn chặn virus lây nhiễm vào cơ thể, vắc xin mới này tạo ra các tế bào T để tìm và tiêu diệt các tế bào bị nhiễm, do đó ngăn chặn sự nhân lên của virus và triệu chứng bệnh. Các vắc xin đang lưu hành cũng tạo ra phản ứng tương tự, nhưng ở mức độ thấp hơn.

Trong một nghiên cứu gần đây được công bố trên tạp chí Nature, các nhà khoa học cho biết vắc xin nhắm vào phản ứng của tế bào T có thể tạo ra khả năng miễn dịch lâu hơn nhiều và chống lại các đột biến virus tốt hơn. Danny Altmann - giáo sư miễn dịch học tại Đại học Hoàng gia London - cho biết: “Vắc xin COVID-19 thế hệ đầu tiên là một chiến thắng nhanh chóng và to lớn - lớn hơn nhiều so với những gì chúng tôi dám dự đoán. Thế nhưng, đó chỉ là thế hệ đầu tiên. Chúng ta còn có rất nhiều thử thách phía trước cần giải quyết”.

Dưới đây là một vài dự án đang đạt được những tiến bộ vượt bậc:

Medicago-GSK

Tuần trước, hãng Medicago (Canada) và GlaxoSmithKline (Anh) đã công bố kết quả “an toàn và có hiệu quả tích cực” từ một cuộc thử nghiệm toàn cầu cho thứ họ gọi là vắc xin gốc thực vật đầu tiên trên thế giới. Dựa trên một họ hàng của cây thuốc lá, nó được sử dụng để tạo ra một hạt bắt chước virus và được kết hợp với chất bổ trợ do GSK sản xuất, giúp tăng cường phản ứng miễn dịch nói chung. Thử nghiệm giai đoạn cuối với sự tham gia của 24.000 người trưởng thành trên 6 quốc gia cho thấy loại thuốc này có tỷ lệ hiệu quả tổng thể 71%, tăng 75% nếu so với biến thể Delta. Nghiên cứu này không bao gồm biến thể Omicron mới.

Medicago đang nộp đơn xin phê duyệt theo quy định ở Canada và đàm phán với các cơ quan quản lý của Mỹ và Anh. WHO đã mô tả vắc xin có nguồn gốc từ thực vật là “một khả năng mới và thú vị” với chi phí sản xuất rẻ và dễ bảo quản.

Vaxart

Vaxart đang phát triển một loại vắc xin COVID-19 dạng uống đầu tiên trên thế giới, tạo ra phản ứng tế bào T và một số kháng thể trong mũi. Hãng đã tiêm cho các bệnh nhân đầu tiên trong một thử nghiệm lâm sàng diễn ra vào tháng 10 tại Mỹ và dự kiến công bố kết quả vào tháng 3/2022. Bên cạnh đó, viên nén này cũng đang được thử nghiệm liệu có khả năng chống lại biến chủng Omicron hay không.

Một thử nghiệm lớn hơn với 800 người tham gia sẽ diễn ra vào năm tới tại nhiều quốc gia.

Viên nén có thể được bảo quản mà không cần làm lạnh. Điều này chắc chắn sẽ trở thành lợi thế lớn trong khâu vận chuyển cũng như khắc phục được chứng sợ kim tiêm ở nhiều người.

“Nếu chỉ có một viên thuốc và một cốc nước, chúng ta có thể đi nhanh hơn rất nhiều”, tiến sĩ Sean Tucker - người đã thành lập Vaxart cách đây 17 năm - cho biết. “Niêm mạc là nơi virus xâm nhập và nếu có thể ngăn chặn nó ở đó, chúng ta sẽ giữ cho mọi người khỏe mạnh hơn và chống lại mọi biến thể của virus”.

Scancell

 

Một nhóm nghiên cứu từ Đại học Nottingham đang thử nghiệm hai ứng cử viên vắc xin tạo ra phản ứng kháng thể và tế bào T chống lại virus SARS-CoV-2 gốc và các biến thể ở 40 tình nguyện viên khỏe mạnh tại Nam Phi. Dự án này được quỹ Innovate UK tài trợ 2 triệu bảng Anh và dựa trên một sửa đổi trong công nghệ vắc xin DNA của hãng Scancell.

Đặc biệt, vắc xin được đưa vào người thông qua một công cụ chạy bằng lò xo, không có kim. Nó giúp tạo ra một dòng chất lỏng hẹp để thâm nhập vào da. Bệnh nhân đầu tiên đã được tiêm vào tháng 10. Scancell sẽ có cuộc thử nghiệm tiếp theo ở Anh. Dữ liệu đầy đủ từ các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn đầu dự kiến ​​được công bố vào tháng 6/2022.

Emergex

Emergex đang phát triển một loại vắc xin tế bào T có dạng miếng dán da. Đã có 26 tình nguyện viên tham gia cuộc thử nghiệm đầu tiên vào tháng Giêng năm nay. Sản phẩm này có thể để được đến 3 tháng ở nhiệt độ phòng.

Được thành lập vào năm 2016 bởi Thomas Rademacher - giáo sư danh dự về y học phân tử tại Đại học London - Emergex chuyên nghiên cứu và sản xuất vắc xin tế bào T. Nó thuộc sở hữu của công ty đầu tư mạo hiểm Vickers Venture Partners (Singapore) cùng nhiều cổ đông tư nhân từ khắp nơi trên thế giới.

The Vaccine Group

The Vaccine Group trực thuộc Đại học Plymouth (Anh) đang phát triển một loại vắc xin dựa trên virus herpes đã được chứng minh trong các nghiên cứu trên động vật để chống lại cả COVID-19 và SARS-CoV-2. Theo CEO Jeremy Salt của The Vaccine Group - một bác sĩ từng làm việc với Pfizer - vắc xin này kích thích phản ứng tế bào T mạnh mẽ, có hiệu quả chống lại các biến thể và thậm chí thúc đẩy hiệu quả của các loại vắc xin khác.

Nhóm nghiên cứu đang tìm kiếm một đối tác thương mại có thể sản xuất vắc xin trên quy mô lớn để thử nghiệm trên người vào năm tới. Đây là vắc xin dạng tiêm hoặc xịt mũi.

Chí Thiện (theo Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI