|
Bức tranh The Scream bản đầu tiên được vẽ trên bìa cứng vào năm 1893, và bị đánh cắp vào ngày 12/2/1994 - Ảnh: Commons Wikimedia |
Cuộc đột nhập chớp nhoáng lúc rạng sáng cách đây 30 năm
Rạng sáng ngày 12/2/1994, khi thành phố Oslo đang cựa mình thức giấc để chuẩn bị chào đón Thế vận hội Mùa đông XVII, thì xuất hiện hai người đàn ông dừng xe trước Phòng trưng bày Quốc gia thuộc Bảo tàng Quốc gia Na Uy ở Oslo (thủ đô của Na Uy).
Họ vẫn để động cơ nổ máy, chạy băng qua đường cùng một chiếc thang dài, rồi tiếp cận bức tường của bảo tàng.
Đoạn clip được trích xuất từ camera an ninh ghi lại cảnh một người đàn ông leo lên cửa sổ tầng 2, đập vỡ khung kính và trèo vào bên trong phòng trưng bày, nơi đang cất giữ bức tranh The Scream do danh họa người Na Uy Edvard Munch sáng tác năm 1893.
Tên trộm cắt dây giữ bức tranh đang treo trên tường, mang nó đến cửa sổ, và nhanh chóng leo xuống bằng chiếc thang dựng cạnh tường.
|
Đoạn clip do camera an ninh ghi lại được cảnh 2 người đàn ông đột nhập Bảo tàng Quốc gia Na Uy rạng sáng ngày 12/2/1994 - Video tư liệu của ITN Archieve |
Chưa đầy một phút, tác phẩm nghệ thuật quý giá này đã biến mất, để lại hiện trường một chiếc bưu thiếp với dòng chữ nguệch ngoạc đầy thách thức: "Cảm ơn vì an ninh lỏng lẻo của quý vị”.
Ông Knut Berg, Giám đốc Bảo tàng, nói với các phóng viên vào thời điểm đó rằng, tất cả hệ thống cửa sổ đều được đóng kín và khóa bằng những ổ khóa chuyên dụng. “Tuy nhiên, chúng tôi đã không hề nghĩ đến trường hợp kẻ trộm sẽ trèo qua khung kính vỡ một cách mạo hiểm như thế này”, ông Knut Berg thú nhận.
Tiếng thét (The Scream) là tên của một trong 4 bản sáng tác dưới dạng tranh vẽ và in trên đá theo trường phái biểu hiện của danh họa người Na Uy Edvard Munch (1863 - 1944), vào khoảng những năm từ 1893 đến 1910. Trong đó, bản gốc được vẽ bằng sơn dầu, keo và phấn màu trên bìa cứng, chính là phiên bản bị đánh cắp từ Phòng trưng bày thuộc Bảo tàng Quốc gia Na Uy.
Tất cả các bức họa đều vẽ một nhân vật đang đứng trên cầu với biểu cảm lo âu, tuyệt vọng, thể hiện những cảm xúc sâu sắc của con người trước sự biến đổi của cuộc sống.
Phiên bản năm 1895 được bán với giá kỷ lục 120 triệu USD trong cuộc đấu giá năm 2012, và với tỷ giá lạm phát đầu năm 2024, thì con số này tương đương với khoảng 247,15 triệu USD.
“Chính vì vậy, chúng tôi không thể ước tính được giá trị của bức tranh gốc được vẽ năm 1893 và bị đánh cắp năm 1994. Điều đó đồng nghĩa với việc kẻ trộm sẽ không thể nào bán được bức tranh này, kể cả khi có nó trong tay”, ông Knut Berg nói.
|
Bức tranh The Scream trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia Na Uy được cho là "vô giá" - Ảnh: Mike Segar/Reuters |
Giăng bẫy
Thời điểm đó, cảnh sát Na Uy cho rằng, rất có thể kẻ trộm sẽ yêu cầu đòi tiền chuộc để đổi lấy bức tranh. Thế nhưng, nhiều tuần trôi qua mà không hề có bất cứ yêu cầu nào được đưa ra, còn bức tranh thì vẫn “biệt vô âm tín”.
Qua quá trình điều tra, cảnh sát Na Uy dồn sự chú ý vào một nghi phạm mang tên Pål Enger. Anh ta từng là cựu vận động viên thể thao, và hồ sơ lưu của cảnh sát cũng ghi nhận nhân vật này là một tay trộm các tác phẩm nghệ thuật có tiếng.
Tất nhiên là Pål Enger phủ nhận bản thân có bất kỳ sự liên quan nào đến vụ trộm táo bạo kia, dù camera an ninh đã ghi lại hình ảnh anh ta trong số những người tham quan phòng trưng bày vài ngày trước khi xảy ra vụ trộm.
Theo The Guardian, các thám tử của Sở cảnh sát Scotland đã đóng vai trò quan trọng trong một chiến dịch bí mật, nhằm thu hồi bức tranh The Scream bị đánh cắp ở Na Uy.
Theo đó, 2 sĩ quan cảnh sát ở London đã đánh lừa bọn trộm bằng cách liên lạc với chúng, và giả vờ mua bức tranh với giá 250.000 bảng Anh.
“Chúng tôi giả làm đại diện của Bảo tàng J Paul Getty ở California (Mỹ) và nói họ sẽ nhận được rất nhiều tiền nếu chịu bán bức tranh cho chúng tôi”, sĩ quan cảnh sát Charles Hill kể lại với đài BBC.
Để thực hiện chuyên án đặc biệt này, Charles Hill đã hóa thân thành một tay buôn nghệ thuật mang tên Charley Roberts. Anh cùng một đồng nghiệp đến Na Uy và lần theo từng manh mối đan xen như mắc xích, để cuối cùng tiếp cận được những kẻ đang nắm giữ bức tranh trong tay.
“Bọn họ đưa chúng tôi đến một căn nhà nhỏ và nói rằng, bức tranh đang được cất giữ bên dưới một tấm thảm trong căn bếp ở tầng hầm”, Charles Hill kể. Chỉ ít phút sau, bọn trộm mang đến một gói bưu kiện được bọc trong một tấm vải màu xanh và đặt nó lên bàn, trước mặt Charles Hill.
Khi mở ra, thì đó chính là bức tranh The Scream đang được mong đợi, và như vậy, nó được tìm thấy vào tháng 5/1994, sau 3 tháng bị đánh cắp.
|
Pål Enger chính là nhân vật đã mất chưa tới 50 giây để đột nhập bảo tàng, và lấy đi bức tranh quý giá cách đây đúng 30 năm - Ảnh: Reuters |
Cuối cùng, 4 người đàn ông đã bị bắt, trong đó có Pål Enger. Nhà chức trách cho biết anh ta chính là 1 trong 2 người đàn ông đã leo thang, phá cửa kính đột nhập vào bảo tàng, và mang bức tranh The Scream đi vào rạng sáng ngày 12/2/1994.
Theo tờ New York Times, Enger bị kết án 6 năm 3 tháng tù giam, sau phiên tòa tổ chức vào năm 1996. 3 đồng phạm còn lại được thả tự do, “do có các lỗ hổng về pháp lý”.
Nguyễn Thuận (theo ABC News, The Guardian, New York Times)