VĂN KHOA - ẢNH: INTERNET
Trong viễn cảnh không xa, không phải thời trang, thế giới đồ nội thất mới được xem là dấu ấn của sự xa xỉ tột bậc.
Cuộc đối thoại không biên giới
Bất cứ ai ghé qua Salone del Mobile - triển lãm thiết kế và nội thất lớn nhất thế giới tại Milan - vào mùa hè năm nay đều có cảm giác như lạc bước vào tuần lễ thời trang chứ không phải ở một triển lãm dành cho đồ nội thất.
|
Những sản phẩm trong bộ sưu tập Objets Nomades của Louis Vuitton lấy cảm hứng từ du lịch được thực hiện với sự hợp tác của các nhà thiết kế nổi tiếng thế giới |
Bên cạnh những chiếc túi hàng hiệu giá vài triệu USD lấp lánh trên cánh tay những khách hàng thân thiết, triển lãm năm nay có hàng loạt sự kiện và tác phẩm nội thất được bài trí như những tác phẩm nghệ thuật sắp đặt đến từ những thương hiệu xa xỉ đình đám trong làng thời trang, từ Prada, Christian Louboutin đến Louis Vuitton, Kiko Kostadinov và Etro.
Cùng nhau, họ bắt đầu dấn bước vào hàng ngũ những tên tuổi lẫy lừng trong ngành thiết kế nội thất như Kartell và Longhi, báo trước một làn sóng mới về nội thất thời trang.
Ranh giới giữa nội thất và thời trang đang dần được xóa mờ khi cả 2 đều trở thành phương tiện để người dùng định danh phong cách cá nhân cũng như ngầm thể hiện gu thẩm mỹ. Cả 2 còn giao nhau ở việc chọn lựa màu sắc, chất liệu cho đến việc lên ý tưởng, thiết kế và cả việc nghiên cứu những xu hướng mới.
Thực tế cho thấy ngành thời trang cũng cổ vũ, truyền cảm hứng và mang đến nhiều ý tưởng mới mẻ cho ngành nội thất. Đó là đêm diễn xuân - hè 2023 của Bottega Veneta với đường băng như rải 7 sắc cầu vồng cùng hơn 400 chiếc ghế xem show bằng vải cotton và nhựa đến từ nhà thiết kế lừng danh Gaetano Pesce hay những chiếc ghế Monsieur Dior - một sự kết hợp giữa Dior Maison và nhà thiết kế lẫy lừng Philippe Starck nhằm tạo ra phiên bản mới hơn của chiếc ghế huyền thoại Medallion hoặc 21 khối hoa giấy được nén từ 10 tấn hoa giấy trong show thu - đông 2023 của Loewe do nghệ sĩ Lara Favaretto thực hiện…
|
Bottega Veneta đã bước chân vào địa hạt nội thất thời trang |
Tất nhiên cuộc đối thoại giữa thời trang và nội thất không hoàn toàn mới mẻ. Điển hình như khi đặt chân đến Loewe, Jonathan Anderson đã mang nghề thủ công, mỹ thuật và thế giới nội thất tiếp cận giới thời trang. Còn đối với Hermès, các món đồ nội thất đã trở thành một phần của thương hiệu từ những năm 1920, khi Jean-Michel Frank theo đuổi trường phái tối giản và Art Deco, đặc biệt là sau khi Paul Dupré-Lafon gia nhập.
Năm 2016, Fendi hợp tác với kiến trúc sư Cristina Celestino, giới thiệu 3 chiếc bàn tại triển lãm Thiết kế Miami. Những thiết kế này tối giản và thoải mái, mô phỏng đinh tán bông tai và 1 chiếc nhẫn kép tinh xảo. Các nghệ sĩ đã sử dụng đường viền lông cáo xung quanh phần đế, tập trung vào các loại vải và kết cấu sang trọng. Gucci cũng không đứng ngoài cuộc chơi khi lần lượt tung ra các sản phẩm nội thất và đồ gia dụng trang trí do Alessandro Michele sáng tạo.
Trước tác động ngày càng lớn của ngành thời trang đối với thiết kế nội thất, các hãng thời trang nổi tiếng đã bắt đầu hợp tác với các kiến trúc sư và nhà thiết kế nội thất để tạo ra các dòng nội thất phù hợp gu thẩm mỹ của họ. Theo nhà thiết kế nội thất Mariana Kero, nhiều chi tiết cụ thể về màu sắc, họa tiết, chất liệu và bố cục thể hiện trong các thiết kế nội thất xa xỉ bắt nguồn từ các phong trào thời trang.
|
Sàn diễn Loewe - nơi ranh giới giữa thời trang và nội thất đã được xóa nhòa |
Louis Wise - trợ lý biên tập của tờ How To Spend It - khẳng định rằng cuộc đối thoại giữa thời trang và đồ nội thất vẫn luôn diễn ra. Nghĩa là từ lâu, việc cả 2 lĩnh vực này ảnh hưởng và tạo cảm hứng cho nhau là điều không thể tránh khỏi. Ngày nay, những di sản đó vẫn được tiếp nối. Chẳng hạn như bộ sưu tập thời trang Fendi thu - đông 2022 của Kim Jones được nhấn nhá bằng các hình khối màu hồng nhạt và xanh bạc hà gợi nhớ đến bộ sưu tập xuân - hè 1986 của Karl Lagerfeld.
Lời khẳng định về phong cách sống
Vào thời điểm thời trang trở nên chuẩn mực hơn bao giờ hết, hiển nhiên những khách hàng thuộc tầng lớp thượng lưu sẽ tìm ra những cách tinh tế hơn để giới thiệu và khẳng định địa vị cũng như giai tầng xã hội. Sự giàu sang ở thời điểm này không còn được thể hiện qua những món đồ xa xỉ phổ biến đại trà như quần áo, trang sức, túi xách hay nước hoa dù chúng có thuộc về những thương hiệu xa xỉ thầm lặng.
Thay vào đó, lời khẳng định về lối sống xa xỉ, trang nhã được thể hiện qua những món đồ trong vòng kết nối với không gian sống - tức những món nội thất thời trang, thậm chí được nâng tầm thành tác phẩm nghệ thuật.
Do đó, không có gì ngạc nhiên khi các hãng thời trang cao cấp nhất cũng đang tập trung vào những thiết kế nội thất nhằm đáp ứng nhu cầu về một không gian sống chất lượng cao. Dẫu khó tin nhưng sự thật là những chiếc sô pha thậm chí còn có sức hút lớn hơn cả những chiếc đầm dạ tiệc cao cấp tại buổi trình diễn Alta Moda của Dolce & Gabbana ở Venice vào năm 2021 - nơi Domenico và Stefano ra mắt dòng sản phẩm nội thất đầu tiên của họ.
Loro Piana - một thương hiệu thời trang xa xỉ cao cấp trong số vài thương hiệu xa xỉ thầm lặng - càng trở nên nổi tiếng khi hợp tác với nhà thiết kế Cristián Mohaded để tạo ra các tác phẩm nội thất trang trí điêu khắc xếp chồng lên nhau. “Nội thất là một lĩnh vực phi thường mới để phát triển thương hiệu. Chúng tôi có khả năng cung cấp những mẫu nội thất chất lượng, sang trọng và mang đến niềm vui, sự mới mẻ cho những ngôi nhà, du thuyền hay máy bay tư nhân” - Giám đốc nội thất của thương hiệu Francesco Pergamo cho biết.
|
Sản phẩm nội thất Loro Piana được ví như những tác phẩm nghệ thuật |
Năm nay, loạt sản phẩm nội thất trong dự án Objets Nomades của Louis Vuitton chứng kiến sự hợp tác với một số nhà thiết kế danh tiếng, bao gồm cả Atelier Biagetti và Marcel Wanders. Không giống như ngành hàng phụ kiện mang lại lợi nhuận khá thấp, những món đồ nội thất này lấy cảm hứng từ những chuyến đi và được sản xuất với số lượng cực kỳ hạn chế. Bản giới hạn ư? Gần như là vậy. Đỉnh cao của nội thất xa xỉ đòi hỏi mất nhiều thời gian hơn thời gian tạo ra thiết kế cho một mùa thời trang mới.
Ai đó đã nói thời trang không chỉ là trang phục mà còn là phong cách sống. Quần áo, túi xách, nước hoa vẫn sẽ là “con bò sữa” của ngành hàng xa xỉ nhưng ở thì tương lai, đồ nội thất mới là lời khẳng định phong cách sống mạnh mẽ nhất của giới siêu giàu.
Văn Khoa
Ảnh: Internet