Cuộc đời nữ du kích huyền thoại Củ Chi lên kịch

25/11/2024 - 13:16

PNO - Tham gia Liên hoan Sân khấu TPHCM lần I, Nhà hát Kịch TPHCM thi diễn vở “Khát vọng hòa bình” (kịch bản: Ngọc Trúc, đạo diễn: nghệ sĩ nhân dân Trần Ngọc Giàu). Dưới hàng ghế khán giả, thấp thoáng những chiếc nón tai bèo. Cô Võ Thị Mô – một nữ du kích Củ Chi huyền thoại – cùng các đồng đội dõi theo câu chuyện về cuộc đời mình.

Vô Võ Thị Mô (giữa)
Cô Võ Thị Mô (giữa) đến xem vở kịch Khát vọng hòa bình lấy cảm hứng từ tuổi trẻ của mình.

Cô Võ Thị Mô (hay Bảy Mô), sinh năm 1947 trong gia đình giàu truyền thống cách mạng ở “đất thép” Củ Chi, tham gia kháng chiến từ thuở thiếu niên. Năm 1966, cô Bảy Mô được giao nhiệm vụ chỉ huy đơn vị mới thành lập là Trung đội nữ du kích Củ Chi – đơn vị được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 2018.

Riêng cô Bảy Mô luôn là ngọn cờ đầu của du kích Củ Chi với nhiều chiến công được ghi nhận qua các danh hiệu: “Dũng sĩ diệt Mỹ”, “Dũng sĩ diệt xe tăng”. Năm 1967, sau khi giữ vững trận địa xã Nhuận Đức trước chiến dịch Cedar Falls quyết “bóc vỏ quả đất” của 3 vạn quân Mỹ và chư hầu, danh tiếng cô Bảy Mô và Trung đội nữ du kích Củ Chi vang khắp chiến khu, trở thành cảm hứng cho Đoàn phim Giải phóng quay phim Nữ du kích Củ Chi.

Vở kịch Khát vọng hòa bình lấy cảm hứng về cuộc đời nữ du kích Võ Thị Mô.
Vở diễn bám khá sát cuộc đời đội trưởng Trung đội nữ du kích Củ Chi Võ Thị Mô.

Hình ảnh nữ du kích Võ Thị Mô ôm súng chiến đấu từ phim tiếp tục trở thành cảm hứng để 2 họa sĩ Huỳnh Phương Đông và Lê Văn Chương vẽ ký họa. Qua các tác phẩm này, Võ Thị Mô trở thành một trong những biểu tượng chiến đấu của nhân dân miền Nam, lan tỏa đến cả bạn bè quốc tế.

Một số chi tiết hư cấu
Một số chi tiết hư cấu lãng mạn cấu giúp "làm mềm" vở diễn.

Ấy thế mà trong 1 trận chiến ác liệt, “dũng sĩ diệt Mỹ” Võ Thị Mô đã… tha chết cho 4 lính Mỹ. Cô Bảy Mô đã không kích hoạt kíp nổ gài quả mìn ngay dưới chỗ họ nghỉ chân, cũng như gạt nòng súng của đồng đội, không cho bắn khi chứng kiến họ lấy thư từ, hình ảnh người thân ra xem và… khóc.

Cảm xúc đầy tính người của những người lính Mỹ đánh động đến trái tim nhân hậu người nữ du kích Củ Chi,
Cảm xúc đầy "tính người" của những người lính Mỹ đánh động đến trái tim nhân hậu của người nữ du kích Củ Chi.
Nhân vật Mơ ngăn cản đồng đội
Nhân vật Mơ (nguyên mẫu là cô Bảy Mô) ngăn cản đồng đội giết những người lính Mỹ đang... khóc.

Vì một lý do tình cờ, trung úy John Penycate, 1 trong 4 người lính được cô Bảy Mô tha chết, biết được sự việc và rất hàm ơn người nữ du kích Củ Chi. Trở về Mỹ, ông trở thành nhà văn và tích cực tham gia phong trào phản chiến. Năm 1989, John Penycate cùng cộng sự xuất bản quyển sách The tunnels of Cu Chi, trong đó có riêng 1 chương về cô Võ Thị Mô.

Cô Võ Thị Mô cùng quyển sách
Cô Võ Thị Mô cùng quyển sách The tunnels of Cu Chi do Jonh Penycate gửi tặng.

John Penycate đã vài lần trở lại Việt Nam để tìm gặp ân nhân nhưng đến giữa năm 1989 mới gặp được. Dù cuộc sống sau khi rời quân ngũ vô cùng khốn khó, nhưng khi được John Penycate ngỏ ý muốn giúp đỡ tặng tiền, cất nhà, cô Bảy Mô chỉ nói: “Tôi chỉ cần đất nước hòa bình, không ai tới xâm lược. Ai xâm lược nữa thì tôi đánh tiếp, tôi đánh không nổi thì hô hào con cháu đánh”…

Vở diễn đã đưa chi tiết có thật vào
Gặp lại John Penycate ở một nơi sang trọng, cô Bảy Mô đã bỏ dép đi chân không vì sợ làm bẩn tấm thảm đỏ. Ông John Penycate đã quỳ sụp xuống mang dép lại cho cô và bày tỏ sự tri ân. Chi tiết có thật này được giữ nguyên trong vở.

Câu chuyện về tấm lòng nhân hậu của người nữ du kích quả cảm không chỉ truyền cảm hứng tích cực cho những người ở bên kia chiến tuyến, mà còn là bài học muôn đời về vẻ đẹp của con người Việt Nam. Giám đốc nhà hát Kịch TPHCM Hà Quốc Cường cho biết, đó cũng chính là nguồn cảm hứng để nhà hát dàn dựng Khát vọng hòa bình.

Khát vọng hòa bình
Vầng trăng xanh cũng là 1 chi tiết ẩn dụ về khát vọng hòa bình trong vở.

Vở diễn tái hiện một thời tuổi trẻ chiến đấu quên mình vì khát vọng hòa bình của nữ du kích Bảy Mô với điểm nhấn là việc tha mạng cho những người lính Mỹ khi nhận thấy họ “trở về với bản chất con người”. Trong vở, nhân vật Mơ được lấy cảm hứng từ nguyên mẫu nữ du kích Võ Thị Mô, thậm chí nữ diễn viên Đỗ Thúy cũng có ngoại hình hao hao cô Bảy Mô thời trẻ.

Diễn viên trẻ Đỗ Thúy (áo dài) có ngoại hình khá tương đồng với cô Bảy Mô thời trẻ.
Diễn viên trẻ Đỗ Thúy (áo dài) trong vai Mơ có ngoại hình khá tương đồng cô Bảy Mô lúc trẻ.

Nhằm tăng thêm tính chân thật, vở có sử dụng màn hình trình chiếu phóng sự về cô Võ Thị Mô và phim tư liệu về các trận càn của quân Mỹ vào Củ Chi.

Tuy nhiên, phần trình chiếu này nên tiết chế lại và chọn lọc hơn vì nhiều cảnh lặp dễ gây nhàm chán. Một số chi tiết hư cấu cũng cần điều chỉnh hợp lý hơn để thực sự thuyết phục và đẩy cảm xúc người xem.

Khát vọng hòa bình có sự tham gia của các diễn viên: nghệ sĩ ưu tú Việt Hà, Thanh Tuấn, Hòa Hiệp, Đỗ Thúy, Thái Điền, Thanh Phượng, Hoàng Tấn… và nhiều diễn viên trẻ.

Cô Võ Thị Mô và ê-kíp nghệ sĩ tham gia vở Khát vọng hòa bình.
Cô Võ Thị Mô và ê kíp sáng tạo của vở Khát vọng hòa bình.

Đông A

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI