Tôi thích được nhìn thấy những người già thảnh thơi ngồi đọc sách, chăm cây, vui vầy cùng con cháu hoặc dắt tay nhau đi du lịch khắp nơi. Hưởng thụ cuộc sống theo cách mà họ muốn sau gần một đời vất vả với cả gánh trách nhiệm đè nặng trên vai. Tôi nghĩ rằng họ có quá nhiều việc muốn làm, nhiều dự định cần hoàn tất. Họ đã quá mệt mỏi sau từng ấy năm học tập, gây dựng sự nghiệp, sinh nở và nuôi dạy con cái thành người. Quyền của người già là phải được thảnh thơi tận hưởng cuộc sống, giữ gìn sức khỏe để sống lâu hơn với con cháu, chứ không phải hết khổ vì con lại dồn đến cháu.
Nhưng trong xã hội Việt Nam, người già ít được nghỉ ngơi. Do bản tính suốt đời làm lụng, giờ nhàn hạ tay chân thì không chịu được. Do sợ cảm giác mình không lao động sẽ là người thừa trong nhà. Do con cái quá bận bịu nên thường nhờ bố mẹ quán xuyến nhà cửa, trông nom chăm sóc cháu nhỏ. Cũng có nhiều bạn trẻ còn có tư tưởng ỷ lại bố mẹ, tuy đã lập gia đình nhưng vẫn không muốn ra ở riêng. Con cái không tự lập thì bố mẹ phải đèo bòng. Nên những người già thường ít ai được sống cho bản thân mình. Con cái liệu có hiểu được nỗi vất vả và cô đơn của cha mẹ, hay chỉ biết nhờ vả và trách móc?
Ảnh mang tính minh họa
Em gái tôi mới sinh được vài tháng đã vội tìm người trông con để đi làm. Hai vợ chồng mở một cửa hàng bán quần áo ở chợ trung tâm và một cửa hàng ăn uống cho học sinh sinh viên. Một mình em rể không thể nào quản lý nổi hai nơi, tiền bị hao hụt, khách hàng thưa dần do nhân viên phá đám. Nên dù con còn nhỏ, em gái tôi vẫn phải quay trở lại với công việc. Khổ nỗi tìm người trông con là cả vấn đề khi bà nội bận trông cháu ngoại còn bà ngoại thì bận trăm công nghìn việc. Thuê người ngoài không ai dám nhận vì cháu còn quá nhỏ. Khó khăn của bản thân không tự mình xoay xở nổi nên các em quay ra trách bố mẹ hai bên. Em gái bực tức nói về mẹ chồng rằng “Bà vì chăm cháu ngoại mà bỏ bê cháu nội. Sau này già cả ốm đau đi mà nhờ con gái và con rể”.
Tôi nhiều lần nói với các em rằng, ông bà thực ra không có trách nhiệm phải trông nom các cháu. Ông bà giúp được việc gì tốt việc đó, chăm sóc các cháu được ngày nào mừng ngày đó. Chúng ta sinh con ra không phải để giao phó cho ông bà. Ngày xưa cuộc sống còn khó khăn vất vả hơn bây giờ nhiều, vậy mà ông bà vẫn một nách ba, bốn đứa con nuôi ăn học tử tế. Khi đó ông bà đâu biết cậy nhờ ai. Vừa ra đồng vừa trông con, vừa nấu cơm vừa tay bồng tay bế. Đừng bao giờ mang con mình ra để mặc cả lòng hiếu thảo đối với ông bà. Cuộc đời ngắn lắm, mấy mà già. Chờ đến lúc chúng ta mắt mờ chân chậm rồi cũng sẽ hiểu ra cái lẽ ở đời.
Bố tôi đã định đóng cửa dắt mẹ đi chùa Tây Thiên ở Vĩnh Phúc mấy lần, nhưng lần nào mẹ cũng kiếm cớ từ chối. Lúc thì đứa cháu ốm, không nỡ bỏ mà đi. Dù thằng bé chỉ cảm cúm xoàng thôi, trở trời là hắt hơi xổ mũi. Lúc thì mẹ thấy chân tường rêu mốc nhiều, cần phải sơn lại nhà trước mùa mưa đến. Lúc thì bận đan lại hàng rào để trâu bò hàng xóm không vào phá vườn. Lúc thì lo lỡ mình đi vắng các con về thấy cửa nhà lạnh lẽo lại buồn. Có lần đã sắp xếp ba lô đâu vào đó, chỉ chờ sáng mai dậy là đi, nhưng tự nhiên bà nhớ ra đống hạt giống rau để từ vụ trước chưa gieo. Sợ đi về sẽ muộn vụ, hạt để lâu mối mọt. Trời mưa lâm thâm, đất ẩm ướt gieo hạt thì tốt phải biết. Bố đành lắc đầu vừa thương vừa giận. Đến mấy hạt rau cũng có thể níu chân mẹ ở nhà.
Mẹ tuổi ngoài sáu mươi vẫn tất bật như ba mươi năm về trước. Mẹ từng ước ao lúc về già sẽ đóng cửa nhà đi lễ chùa khắp nơi. Sẽ niệm Phật, ăn chay để tâm hồn thanh tịnh. Bố lỡ hứa lúc nghỉ hưu sẽ giúp mẹ thực hiện ước nguyện đó. Nhưng suốt bao nhiêu năm mẹ cứ bó buộc đời mình bằng đủ thứ trách nhiệm đối với cháu con. Mẹ lúc nào cũng sợ cháu buồn, con giận. Sợ không có mình thì nhà cửa bề bộn, bếp núc nguội câm. Con cháu thì không chịu lắng nghe, thấu hiểu. Vừa biết ý định của mẹ là lao nhao: mẹ đi rồi nhà cửa ai trông? Ai đón mấy đứa nhỏ mỗi chiều tan học? Ngày lễ tết lấy ai thắp hương cho tổ tiên trong khi tụi con không đứa nào biết khấn vái ra hồn? Vườn rau mới trồng, mẹ mà đi lấy ai chăm tưới? Thế mới thấy bao nhiêu năm ở nhà này cái gì cũng mẹ.
Mỗi khi nghĩ về người già, tôi thường thấy hình ảnh mình đâu đó trong những năm tháng về sau, trong những ước mơ thực tại. Một hôm nào đó quá mỏi mệt với cuộc mưu sinh, tôi ước sau này về già sẽ bỏ lại thành phố. Hai vợ chồng mua một mảnh đất trên Tam Đảo xây nhà vườn. Sống bằng rau sạch, không khí trong lành và những ngày tháng bình yên thong thả. Tối có thể ngủ sớm hơn mà không phải tất bật công việc, chăm bẵm cho con. Sáng dậy sớm không cần phải quay cuồng với đống việc nhà, gọi đứa này dậy, giục đứa kia ăn sáng.
Có đi cà phê với bạn bè cũng không cần phải nhấp nhổm lo giờ về nấu cơm cho chồng con. Thảnh thơi đọc sách, xem phim, chơi cờ hoặc thực hiện lời hứa về thăm quê bạn. Những người bạn già gặp nhau có bao điều để hàn huyên. Cả một đời cay đắng lắng đọng trong từng sợi tóc bạc. Tôi bỗng nhớ đến bài thơ Khi chúng ta già của Nguyễn Thị Việt Hà: “Khi chúng ta già/ Con cháu chúng ta đã lớn/ Chúng thuộc về đám đông/ Di chuyển rất nhanh về phía trước/ Chân chúng mình run... chúng mình không kịp bước/ Mình nương tựa vào nhau/ Nuôi gà/ Trồng rau/ Và gói cả thế gian vào lòng bàn tay…”. Ôi những người già, họ đáng thương và cũng đáng yêu biết mấy!
Tôi nghĩ những người già vốn chẳng mấy ai thích đòi quyền lợi cho mình. Cả đời nhẫn nại hy sinh, đến lúc về già vẫn lấn cấn vì con cháu. Nên con cái cần phải hiểu cha mẹ mình đáng được hưởng những ngày tháng thảnh thơi. Đừng đặt những khó khăn của mình lên vai người già. Cũng đừng bao giờ oán trách người già nếu một ngày nào họ muốn bỏ lại sau lưng mọi thứ để sống cho bản thân mình. Hãy tôn trọng quyền được thảnh thơi của họ…
Các nghiên cứu đã chứng minh trẻ em cần được neo giữ trong thế giới thật, quan hệ thật, trách nhiệm, tình yêu thật. Hoạt động ảo không thể thay thế được.