Cuộc đời ngắn lắm, đừng bỏ qua người thương mình thật lòng

21/08/2017 - 14:00

PNO - Đã lâu rồi, từ ngày chồng mất, tôi mới có dịp ngước nhìn má chồng. Cơn đau mất con khiến bà già khọm. Chuyện của má, là nỗi day dứt ân hận khôn nguôi của chồng tôi.

Hai giờ sáng, trời mưa, vòng nôi kêu kẽo kẹt, tiếng con nít khóc ngằn ngặt. Má chồng tôi lần dò lên từng bậc thang, gõ nhẹ cửa phòng: “Hai à, đưa con Lem đây nội dỗ, tranh thủ ngủ chút cho có sức”. 

Thấy tôi ngồi xếp quần áo, má chồng nói nhỏ nhỏ:  “Bây coi, chỗ cậu Hưng cũng là gia đình gia giáo, lại thương con thật lòng, được thì gật đầu đi Hai. Con Lem để đây nội nuôi, bây đừng bận tâm chi cả”. Tôi phản đối: “Má, chồng con mới mất giáp năm...".

Cuoc doi ngan lam, dung bo qua nguoi thuong minh that long
 

Ngồi sát tôi, má thủng thẳng: “Đời người ngắn ngủi lắm con ơi. Một nách hai con dại, tuổi trẻ trôi qua rất nhanh. Có được người thương thật dạ, không nề hà bây đã một lần đò, thì phải níu lấy cơ hội. Cũng may, thằng Lọ còn quá nhỏ, nên cũng ít để ý chuyện nọ kia. Con Lem thì chưa biết gì. Nhân lúc này, mạnh dạn mà bước tiếp đi con. Đừng lần khân mà như má, sống thui thủi…”.

Đã lâu rồi, từ ngày chồng mất, tôi mới có dịp ngước nhìn má chồng. Cơn đau mất con khiến bà già khọm. Chuyện của má, lúc còn sống, cũng là nỗi day dứt ân hận khôn nguôi của chồng tôi.

Hồi mới quen nhau, anh đã kể đi kể lại chuyện buồn này. Mất cha, nên lòng anh lúc nào cũng phập phồng lo má bị người ta “cướp” mất. Anh nghĩ ra đủ trò để làm khó những người đàn ông đến nhà. Dù người ta chỉ phụ má ra đồng gánh dăm gánh lúa, sửa lại cái mái hiên nắng mưa lâu ngày bị dột, bắc ghế mắc cái bóng đèn, anh đều hỗn hào, đá thúng đụng nia.

Thấy má không la rầy, trách phạt, anh lại càng được nước lấn tới. Đêm nằm bên má, anh chặn cái gối, cái mền ở giữa, dấm dẳng: “Má mà bỏ con đi lấy chồng, con sẽ… sẽ… chết cho má coi”. Hoảng hồn, má chồm dậy, bụm miệng thằng con trai dại dột. “Rồi, rồi má hứa. Má chỉ ở vậy với con…”. 

Rồi anh lớn, lên thành phố học, chỉ về thăm má dịp hè và tết. Thấy má ngày một già yếu, lụm cụm trong căn nhà trống, anh ra sức học để mong sau này có việc làm tốt, mục tiêu đầu tiên của anh là có căn nhà, rước má lên phụng dưỡng. Ngày anh lấy tôi, năm lần bảy lượt hai vợ chồng năn nỉ má lên sống chung. Nhưng má từ chối: “Con người như cái cây. Sống đâu quen đó. Bứng đi chỗ khác, không sống nổi đâu con. Bây yên tâm đi, ngày xưa cực gấp mấy lần bây giờ, má còn chịu nổi mà…”. 

Sau này, chồng tôi thường tâm sự với tôi nỗi ân hận về sự ích kỷ của mình, nhiều lần muốn tìm cho má người bầu bạn sớm hôm. Thậm chí anh còn đưa má đến những câu lạc bộ có nhiều người già, may ra… Được mấy lần thì má kêu anh lại, nói thẳng: “Má già rồi, không còn muốn gặp nhiều người, đi nhiều nơi. Bây tưởng má còn trẻ lắm sao mà tìm bạn tìm bè”.

Tưởng má còn trẻ lắm sao, nhiều lần gục đầu lên vai tôi, anh không thôi dằn vặt, xót xa. Lúc hấp hối vì bạo bệnh, nắm tay tôi đặt lên tay má, anh thều thào: “Em có đi bước nữa thì cũng nhớ ngó chừng má giùm anh. Anh bất hiếu quá, không lo được cho má nữa…”.

Nghe tiếng ru cháu của má chồng, tôi khẽ so vai, nước mắt rơi mặn đắng. 

Thụy Khanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI