Cuộc đời ngắn lắm

17/02/2025 - 07:30

PNO - Sáng nay, khi làm phép tính nhân đơn giản về kiếp người, cô giật mình hoảng hốt như đứa học trò trong phòng thi chưa giải xong bài toán nào mà giám thị báo sắp hết giờ làm bài.

Ảnh mang tính minh họa: Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa: Shutterstock

“Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa…”

Người ta thường bảo cuộc đời dài lắm. Có lẽ, khi viết những câu thơ tình bồi hồi, tha thiết ngày nào, nữ sĩ Xuân Quỳnh cũng cảm nhận hết cái mênh mông của kiếp người. Và thế gian vẫn không ít người canh cánh nỗi niềm làm sao đi trọn kiếp người mà không vương sầu não.

Trong một ngày giận chồng, hờn con, chán việc, người đàn bà rảnh rỗi chợt nảy ra ý nghĩ thử tính xem cuộc đời dài lắm thật ra là dài tới mức nào. Một phép tính nhân mà đứa trẻ tiểu học cũng làm được: giả sử cô sống thọ 80 tuổi, nghĩa là cô có thể có tối đa (thực tế hoàn toàn có thể ít hơn) 30.000 lần đón bình minh, ngắm hoàng hôn, có 30.000 cơ hội được tắm nắng sớm, đón mưa chiều. 30.000 ngày - một con số không quá lớn, thậm chí nó làm cô hụt hẫng. Hóa ra cuộc đời không dài như cô tưởng.

Mà thật ra, cô đã đi hết gần phân nửa quỹ thời gian cho một đời người ấy rồi. Gần 40 tuổi đời, cô có trong tay những gì? 1 ông chồng an phận mà cô thường hờn giận, 2 đứa con mà cô vẫn chẳng hài lòng bởi kết quả học tập chưa bao giờ xuất sắc, 1 công việc cho cô thu nhập tàm tạm và cô chưa từng yêu, 1 căn hộ trả góp gần xong nhưng cô thấy nó không được đẹp.

Cô vẫn nghĩ: trước mắt cứ tạm như thế, rồi ta sẽ thu xếp lại sau. Ấy mà thoáng chốc, những cái “trước mắt” đó đã tồn tại phân nửa kiếp người. Với cô, tất cả chưa kịp đàng hoàng như nguyện ước, mọi thứ chưa kịp “lên đỉnh” thì đã quay đầu đổ dốc ở phía bên kia dốc đời.

Cô nhận ra mình chưa từng hối hả với cuộc đời. Như căn hộ này, ngày mới đặt cọc mua, anh và cô đã từng vui đến không ngủ được khi sắp có tổ ấm cho riêng mình. Anh và chị bảo nhau: nhà hơi cũ, nhưng có hề gì, tranh thủ ngày nghỉ anh sẽ sơn lại tường, sẽ đóng lại kệ, cô sẽ may rèm cửa, trồng thêm cây ở ban công, sẽ trang trí lại góc bếp, căn phòng sao cho ấm cúng. Bao nhiêu dự định, nhưng rồi lại buông trôi. Công việc áp lực, bận rộn con cái… ngày cứ qua ngày và căn hộ ngày càng cũ kỹ.

Ngày mang bầu con, cô từng mua bao nhiêu sách thai giáo, từng vẽ ra viễn cảnh tối tối cùng con đọc sách, học bài, rằng ba mẹ sẽ đồng hành cùng con để dạy dỗ nên những đứa con phi thường, bởi ba mẹ chúng ngày xưa từng là học sinh xuất sắc. Ấy vậy mà tất cả cũng chỉ là dự tính. Ngồi học cùng con chốc lát, cô đã không đủ kiên nhẫn. Thôi thì trả tiền thuê gia sư, thôi thì chở con tới lớp học thêm, thôi thì cấp I, cấp II không quan trọng, chờ con lên cấp III đầu tư tăng tốc… Cô vẫn tự thỏa hiệp với lòng.

Những gì chưa làm được, cô lại nhủ thầm: thời gian còn dài, cứ từ từ, việc chi phải vội. Ấy vậy mà sáng nay, khi làm phép tính nhân đơn giản về kiếp người, cô giật mình hoảng hốt như đứa học trò trong phòng thi chưa giải xong bài toán nào mà giám thị báo sắp hết giờ làm bài. Bình tĩnh, nỗ lực tập trung giải quyết từng bài một hay chán nản buông xuôi nộp giấy trắng - đó là bản lĩnh của từng thí sinh trong bài thi mang tên đời người.

Một năm mới nhiều khó khăn, vất vả và cũng nhiều cơ hội đã thật sự vào guồng. Giờ này, đồng nghiệp cô đang lên kế hoạch cho dự án mới, chồng cô chắc đang hối hả trên công trường, các con đang trên lớp. Chỉ có cô còn ngồi đây với những hờn giận, chán nản, thất vọng vu vơ. “Mau với chứ, vội vàng lên với chứ” (thơ Xuân Diệu). Cuộc sống vẫn trôi và cuộc đời vẫn cần những nỗ lực không ngừng. Cô biết mình phải thật sự bắt đầu - dù có muộn màng - để thu vén lại tổ ấm, tổ chức lại cuộc sống, phấn đấu cho công việc và có trách nhiệm hơn với bản thân.

Cô hy vọng mình có cơ hội đi qua ngày thứ 30.000 của đời mình với tâm thế thanh thản và nụ cười trên môi. Muốn được như vậy, ngay từ bây giờ, cô phải sống khác.

Thu Hoài

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI