Câu chuyện tình yêu

Cuộc đời này cần tiếng hát biết bao…

06/08/2022 - 05:25

PNO - Tháng Tám về, một mùa thu nữa xôn xao trên khắp phố phường Hà Nội. Có người lính năm xưa đang tha thiết chờ ngày đoàn tụ cùng bạn đời để cùng đón một đám cưới vàng kỷ niệm 50 năm ngày về chung tổ ấm.

Đời lính, tiếng hát át tiếng bom 

Người lính già Nguyễn Xuân Nhân vốn là sinh viên Đại học Xây dựng Hà Nội nhập ngũ tháng 12/1971 và tham gia chiến dịch Quảng Trị năm 1972. Một năm sau, do có khả năng ca hát và sáng tác, anh được Sư đoàn 308 điều động lên Tuyên văn Quân đoàn 1 (Binh đoàn Quyết Thắng) để vừa sáng tác, vừa biểu diễn phục vụ bộ đội.

Những ngày đó, anh may mắn được các nhạc sĩ Huy Du, Lương Ngọc Trác bồi dưỡng kỹ năng chơi nhạc, sáng tác, hòa âm khá bài bản. Sau này một số đồng đội cùng Tuyên văn Quân đoàn 1 đã chuyển sang nhạc viện và sáng tác chuyên nghiệp như nhạc sĩ Văn Thành Nho, nhạc sĩ Hoàng Ngọc Đại…

Đội Tuyên văn lúc đó vừa luyện tập tiết mục vừa đi biểu diễn cho các đơn vị bộ đội trong quân đoàn với những trang bị hết sức khiêm tốn: Hai cây đàn phong cầm, hai guitar gỗ, một bộ trống và mấy cây sáo, nhị. Cả đội toàn nam, không hề có nữ văn công. 

Ông ngoại và các cháu
Ông ngoại và các cháu

Ông nhắc lại kỷ niệm khó quên: “Hôm ấy, đoàn chúng tôi diễn cho một binh trạm khoảng gần 30 thương binh vừa chuyển trong Nam ra. Chúng tôi “hát vo”, không hề dùng trang âm, thiết bị. Các thương binh đã lâu không được xem biểu diễn văn nghệ nên thích thú lắm, vỗ tay không ngớt… Đến tiết mục song ca bài Trước ngày hội bắn, đang lúc cao trào thì có một thương binh chống nạng lên sân khấu tặng một bó hoa sen. Người thương binh ấy xin phép được ôm cô gái dân tộc đáng yêu và ghé thơm vào má. Bất ngờ, cái mấn đội đầu và bộ tóc giả rơi xuống đất, để lộ ra cái đầu húi cua của chú lính trẻ hóa thân. Tất cả diễn viên và khán giả bỗng sững sờ trong giây lát, sau đó cùng vỗ tay thích thú”.

Người cựu binh già không quên bộc bạch thêm: “Chính niềm say mê ca hát cháy bỏng cùng tinh thần cống hiến đầy sục sôi đã mang đến những nụ cười giúp xua tan đau đớn, mệt mỏi trong lửa trận chiến tranh. Với riêng tôi, âm nhạc còn giúp tôi cưới vợ đẹp, sau này là dạy con ngoan”.

Đám cưới thời chiến ấm áp tình người 

Giáp tết năm Giáp Dần (1974), chàng lính Nguyễn Xuân Nhân được đơn vị cho về phép thăm nhà vài ngày. Đó cũng là dịp anh gặp gỡ quen biết cô Vũ Mai Loan, sau này là người bạn đời gắn bó chung thủy cùng nhau suốt gần năm thập niên. 

Người lính già kể lại: “Tại căn nhà nằm trên phố Thụy Khuê, gia đình mừng rơn khi thấy tôi xuất hiện. Tối hôm ấy, chị gái tôi mời cô bạn tên Loan đến nhà chơi. Cô nàng trắng trẻo, xinh gái. Ngay phút đầu tiên, bốn mắt nhìn nhau đã thiện cảm. Sau khi “liên hoan” một nồi chè đỗ đen, tôi vác đàn guitar ra phập phừng khoe mẽ. Tôi và bà chị say sưa song ca bài Nhạc rừng của nhạc sĩ Hoàng Việt, du dương mùi mẫn lắm. Hát hết nhạc ta, lại chuyển sang nhạc Nga, đủ cả. Loan rất hào hứng lắng nghe và vỗ tay hùa theo bằng ánh mắt hâm mộ. Tôi linh cảm thấy Loan thích và mê giọng hát của tôi nên thử hẹn tối hôm sau đi chơi, nàng ngần ngừ một chút rồi gật đầu nhận lời”.

Cô dâu Mai Loan và chú rể Xuân Nhân trong ngày cưới (ảnh chụp ngày 5/4/1975)
Cô dâu Mai Loan và chú rể Xuân Nhân trong ngày cưới (ảnh chụp ngày 5/4/1975)

 

Nơi hẹn hò là công viên Bách Thảo rợp bóng cây và ngập tràn tiếng ve. Những ngày dạo chơi quanh hồ Tây xôn xao sóng vỗ, chấp chới cánh sâm cầm, bằng tình yêu và sự chân thành của tuổi trẻ, hai con người đã trao nhau hẹn ước, sau này là muôn cánh thư đi. 

Cuối tháng 3/1975, khi đang tham gia bồi dưỡng tại lớp sáng tác nhạc cho Tuyên văn Quân đoàn 1 tổ chức tại Xuân Mai, H.Chương Mỹ, chàng lính nhận công điện khẩn phải về nhà cưới vợ gấp vì bệnh cha anh trở nặng, sợ không qua khỏi. Được đơn vị cho nghỉ phép ba ngày, anh khoác áo lính, nhảy tàu về nhà ôm lấy cha rồi tất bật cùng mọi người cùng lo thủ tục ngày cưới. 

Lúc bấy giờ, Hà Nội đang là thời chiến, nhưng vẫn nhộn nhịp. Cô dâu chú rể có xe Hải Âu trắng đón và đưa đại diện hai họ về hội trường lớn gần Bờ Hồ trong tiết trời ấm áp cuối xuân. Cả đội Tuyên văn có hơn chục lính Hà Nội đều về dự đám cưới rất vui vẻ. Trời xanh trong và liễu cũng xanh ngắt ven hồ. Cô dâu xinh tươi trên tóc cài nhánh hoa bưởi thơm ngát được các chú lính quân phục xanh tháp tùng rộn ràng những khúc ca về đời lính.

Vị cựu binh nhớ lại: “Vì về tranh thủ nên mấy ông bạn thân được huy động bằng hết, lên giúp kê giường, dọn nhà, trang trí đơn giản và làm phù rể luôn.

Tôi từ chiến trường trở về chỉ kịp cắt tóc, khoác bộ comple mượn và lên xe đi đón dâu. Đám cưới thời chiến đơn giản chỉ họp mặt, ăn chút bánh kẹo rồi vỗ tay, văn nghệ chúc mừng hạnh phúc cho cô dâu chú rể. Quà cưới thì có mấy cái cặp lồng, bát đĩa, chậu nhôm thời bao cấp mà ấm tình người biết bao…”.

Chắp cánh ước mơ cho con 

Đất nước hòa bình, chàng lính trẻ Xuân Nhân được chuyển ngành về công tác trong cơ quan chỉ huy phòng chống lụt bão Hà Nội. Lúc đó chị Mai Loan làm việc tại Sở Giao thông Công chính của TP.Hà Nội. Hai vợ chồng được cấp căn hộ nhỏ trên gác tư khu tập thể Nguyễn Công Trứ (Q.Hai Bà Trưng). Xuyên suốt thời gian chung sống, Xuân Nhân là người đằm sâu, lãng mạn, còn vợ thì chu toàn, thực tế. 

Khác biệt về tính cách nhưng đôi vợ chồng vẫn luôn chung một chiến tuyến nuôi nấng, đồng hành và dạy dỗ các con. Cô con gái Nguyễn Hoàng Lan vẽ đẹp và múa giỏi, Nguyễn Hồng Nhung hát rất hay.

Bác Nhân kể: “Khoảng thời gian cơ cực nhất của vợ chồng tôi kéo dài trong vòng mười năm. Năm 1981, ngày Nhung ra đời tại Hà Nội là những ngày tôi đang tham gia thi công công trình thủy lợi Cam Ly Thượng trong khu kinh tế mới tại Lâm Đồng. Hai năm sau tôi mới trở về. Ở cùng vợ con chưa được bao lâu, đến năm 1987, tôi lại phải xa nhà, sang tận đất nước Iraq cùng kỹ sư nước bạn tham gia xây dựng các công trình thủy lợi. Vợ tôi ở nhà một mình nuôi nấng, dạy dỗ các con trong thời kỳ tem phiếu”.

Cuộc tình gần 50 năm nồng nàn bên nhau
Cuộc tình gần 50 năm nồng nàn bên nhau

 

Bối cảnh bao cấp, lương cán bộ viên chức nhà nước lúc đó chỉ mấy chục ngàn, để có thêm tiền nuôi con, nuôi dưỡng niềm đam mê của con, chị Mai Loan phải nhận làm thêm các công việc như đi giao hàng, dán vỏ hộp giấy. Còn Xuân Nhân, ngoài vai trò kỹ sư, anh còn phải tranh thủ viết báo, vẽ tranh lấy thêm thu nhập. Hai vợ chồng luôn bàn bạc, chọn lớp chọn trường để ươm mầm tài năng cho các con. 

Ngoài tham gia sinh hoạt tại Nhà văn hóa Thiếu nhi Q.Hoàn Kiếm và các câu lạc bộ năng khiếu, hai chị em Lan và Nhung luôn được bố mẹ tạo điều kiện để tham gia biểu diễn, ghi hình trong các chương trình truyền hình cấp thành phố và Trung ương. Sau này, Hồng Nhung được nhận vào Khoa Thanh nhạc, Trường cao đẳng Nghệ thuật, còn Hoàng Lan học múa ballet tại Trường cao đẳng Múa và học vẽ tại Đại học Mỹ thuật. Hiện tại, với lòng yêu thương con trẻ và đam mê nghệ thuật, cô mở Trung tâm Ngọc Trai Việt để ươm mầm năng khiếu nghệ thuật cho các em nhỏ.

Giữa tuổi xế chiều nhiều bâng khuâng và xa cách địa lý (hiện bà xã Vũ Mai Loan đang ở California, Mỹ để phụ con gái út chăm sóc các cháu ngoại), mỗi ngày người lính già vẫn không ngừng cất lên những lời ca tiếng hát để đắm say, tiếp thêm niềm tin và hương vị cho người, cho đời.

Ông nhắn nhủ các con: 
“Bố con mình cùng hát nhé con
Dù cuộc đời lắm gập ghềnh gian khó
Dù phía trước đầy chông gai trắc trở
Nhạc nổi lên rồi là quên hết khó khăn
Sẽ rất cần tiếng hát từ trái tim
Bởi sinh ra con đã thèm sữa mẹ
Hai bầu vú căng tròn thương yêu thế
Nuôi con lớn khôn trong suối nhạc thời gian
Như mặt trời tỏa nắng quanh năm
Con cất tiếng hát cho đời tươi trẻ
Bố cũng ca cho tuổi già đến trễ
Sức sống dâng trào từng nốt nhạc vang âm
Cuộc đời này cần tiếng hát vô ngần
Để bay lên trên nỗi đau thường nhật

Đem hạnh phúc, tiếng cười trong vắt
Bố con mình cùng cất tiếng hát thương yêu.
Dẫu mai đây bố có tắt nắng chiều
Hãy vững vàng vẫn hát cho đời con nhé!”. 

Diệu Thông

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI