|
Sau khi được dâng cúng trong các ngôi đền, hoa thường bị vứt xuống sông gây ra tình trạng ô nhiễm - Ảnh: Vikas Choudhary |
Hoa là lễ vật phổ biến trong các ngày kỷ niệm và lễ hội của Ấn Độ. Hoa mang ý nghĩa thiêng liêng, đặc biệt là đối với những người sùng đạo. Đối với họ, hoa tượng trưng cho sự tinh khiết, hòa bình, điềm lành và niềm vui, vì thế không được vứt bỏ cùng những thứ rác thải khác. Hoa phải được trả lại cho tự nhiên, điển hình là ở các dòng sông. Vì vậy, hoa trở thành mối đe dọa đến môi trường và góp phần gây ra cuộc khủng hoảng rác thải ngày càng lớn ở Ấn Độ.
Theo một nghiên cứu năm 2016, khoảng 8 triệu tấn hoa bị vứt bỏ xuống sông và các vùng nước khác ở Ấn Độ mỗi năm. Lượng rác thải khổng lồ đó không chỉ làm tắc nghẽn dòng chảy mà còn gây ô nhiễm nguồn nước do thuốc trừ sâu và phân bón hóa học được sử dụng để trồng hoa, ảnh hưởng đến các sinh vật trong môi trường nước.
Qasim Raza - một nhân viên xã hội và cố vấn chiến lược tại diễn đàn Cộng đồng Okhla ở Delhi - cho biết: “Theo một số ước tính, Ấn Độ là một trong những quốc gia sản xuất hoa lớn nhất trên thế giới. Ngành công nghiệp hoa đóng góp đáng kể cho nền kinh tế của đất nước”. Ông cũng cảnh báo rằng rác thải từ hoa có thể đe dọa nghiêm trọng đối với môi trường và xã hội.
|
Những người sáng lập Nirmalaya. Từ trái qua: Bharat, Surbhi và Rajiv - Ảnh: The better India |
Từ rác thải đến các sản phẩm thân thiện môi trường
Năm 2020, Bharat Bansal - một luật sư đã từ bỏ nghề luật - cùng vợ là Surbhi và người bạn Rajiv thành lập Nirmalaya - một doanh nghiệp bền vững chuyên tái chế rác thải từ hoa. Doanh nghiệp có trụ sở tại Delhi, liên kết với hơn 300 ngôi đền trong thành phố để thu gom rác thải hoa rồi tái chế thành nhang, nón và nhiều sản phẩm khác.
Lớn lên ở Delhi, Bharat đã chứng kiến sông Yamuna ngày càng trở nên ô nhiễm do thói quen vứt hoa xuống sông. Anh cũng nhận ra thuốc trừ sâu và phân bón hóa học được sử dụng để trồng hoa là một trong những nguyên nhân góp phần gây ô nhiễm nguồn nước ở các con sông.
Bộ ba bắt đầu công việc kinh doanh với số tiền 153.000 USD. Năm 2022, họ đạt doanh thu 319.000 USD. Đến nay, công ty Nirmalaya đã kiếm được 918.000 USD và dự kiến doanh thu vào tháng 3/2024 sẽ là 2,5 triệu USD. Hằng năm, Nirmalaya tái chế khoảng 500 tấn rác thải từ hoa.
|
Sản phẩm nhang hương hoa lài của Nirmalaya - Ảnh: Nirmalaya |
Năm 2019, Rajiv - một chuyên viên bất động sản - đến thăm ngôi đền Sai Baba nổi tiếng ở Shirdi (Ấn Độ). Tại đây, anh đã chứng kiến quy trình chuyển đổi hoa phế thải thành nhang. Sau khi trở lại Delhi, Rajiv đã thảo luận ý tưởng này với Bharat và Surbhi. Họ bắt đầu lên kế hoạch và liên hệ với những người phụ trách các ngôi đền.
“Bằng cách thành lập doanh nghiệp, chúng tôi sẽ đảm bảo rác thải từ hoa không bị đổ ra sông. Đó cũng là cơ hội tuyệt vời để góp phần bảo vệ môi trường” - Bharat nói.
|
Tinh dầu sả của Nirmalaya - Ảnh: Nirmalaya |
Theo Bharat, khi bắt đầu kinh doanh, công ty chỉ nghĩ đến việc thu gom thật nhiều rác thải và tái chế càng nhiều càng tốt mà không tính đến chi phí phân loại và thu gom. Chúng tôi thu gom từ mọi nơi có thể và cuối cùng không biết làm gì với số lượng rác thải nhiều như vậy.
“Mặc dù nguyên liệu thô là miễn phí nhưng việc thu gom và phân loại lại tiêu tốn khá nhiều chi phí. Giả sử để thu gom 600kg rác thải từ hoa phải sử dụng 4-5 nhân công và mất 1-2 ngày để phân loại. Chi phí trả cho 4-5 nhân công trong 1 ngày khoảng 49 USD. Vì vậy, chúng tôi đã tối ưu hóa cách thu gom rác thải để giảm chi phí…” - Bharat chia sẻ.
Theo đó, Bharat lên kế hoạch thu gom hoa với số lượng lớn từ một ngôi đền cụ thể vào một ngày cụ thể. Chẳng hạn, nhóm của anh chỉ thu gom từ đền Hanuman vào thứ Ba và thứ Bảy, từ đền Sai vào thứ Năm. “Chúng tôi có xe kéo điện đi thu gom hoa từ các khu vực được chỉ định. Khi đến nơi, nhân viên của chúng tôi sẽ phân loại hoa từ rác thải nhựa, trái cây và quần áo” - anh cho hay.
Sau khi thu gom và phân loại, hoa được sấy khô trước khi nghiền thành bột mịn. Nirmalaya sử dụng máy nghiền có thể nghiền tới 2-3 tấn hoa mỗi ngày. Bột này được trộn với hỗn hợp bột josh (chất kết dính), bột gỗ và hương liệu để tạo thành nhang.
Nirmalaya kinh doanh hơn 80 sản phẩm, trong đó có 18 loại nhang với các mùi hương như hoa nhài, húng quế, gỗ đàn hương, trầm hương… Bharat cho biết nhang của họ không sử dụng than củi và có thể phân hủy sinh học, đồng thời có lượng khí thải carbon ít hơn 3% so với nhang thông thường.
Giải pháp thay thế da động vật trong thời trang
|
Ankit Agarwal - người sáng lập và Giám đốc điều hành Phool - Ảnh: Earthshot Prize |
Phool (theo tiếng Hindi có nghĩa là hoa) là một doanh nghiệp được thành lập vào năm 2017 chuyên thu gom rác thải từ hoa và biến chúng thành nhang. Sáng kiến trên đã mang lại kết quả: hơn 11.000 tấn hoa phế thải được tái sử dụng và tạo việc làm cho hàng trăm phụ nữ. Hơn 200 nhân viên của Phool đều là phụ nữ. Mục tiêu của công ty là tuyển dụng ít nhất 1.500 phụ nữ.
Trong lễ hội Makar Sankranti năm 2015, Ankit Agarwal và một người bạn đã chứng kiến những người hành hương uống nước từ sông Hằng. Đồng thời, họ cũng nhìn thấy hoa sau khi dâng cúng từ những ngôi đền địa phương bị vứt xuống sông. Dư lượng thuốc trừ sâu từ hoa đã vô tình đầu độc dòng sông. Vào thời điểm đó, Ankit nảy ra ý tưởng thành lập Phool.
|
Mẫu giày da thuần chay do Phool tạo ra từ rác thải hoa - Ảnh: Phool |
Những bông hoa cũ được thu gom vào mỗi buổi sáng và được phân loại, sau đó tách cánh. Chúng được phơi nắng trước khi nghiền thành bột, sau đó xe thành nhang cùng một ít hương thơm. Nachiket Kuntla - người đứng đầu bộ phận nghiên cứu và phát triển tại Phool - nói: “Dây chuyền sản xuất của công ty luôn được theo dõi và kiểm soát để đảm bảo không xảy ra sai sót. Chúng tôi chỉ sử dụng tinh dầu nguyên chất và không có hương liệu nhân tạo”.
Bên cạnh đó, Phool đã phát triển một loại da thuần chay làm từ rác thải hoa. Kuntla đã phát hiện một lớp xơ mỏng mọc trên những bông hoa cũ. Khi được xử lý, lớp xơ trông giống như da thuộc. Từ đó, công ty tạo ra Fleather - một giải pháp thay thế bền vững cho da động vật và nhựa, được làm từ rác thải hoa. Fleather đã lọt vào vòng chung kết của giải thưởng Earthshot năm 2022 - một cam kết nhằm hỗ trợ các giải pháp “phi thường” cho các vấn đề môi trường.
|
Tinh dầu trầm hương của Phool - Ảnh: Phool |
Theo Ankit, để thay thế da động vật trong toàn bộ ngành công nghiệp thời trang, có thể phải mất nhiều năm. Phool mong muốn được công nhận là những người tiên phong trong quá trình này. Họ đã đăng ký thử nghiệm với các hãng thời trang lớn.
Bên cạnh nhang, tinh dầu… Phool đã sản xuất được giày, ví và túi thân thiện với môi trường. “Chúng tôi mong muốn tiếp tục mở rộng thị trường ở Ấn Độ và trên toàn cầu” - Ankit bày tỏ.
Thụy Ngọc