Cuộc đời mẹ bù đắp khiếm khuyết thân thể của con

19/10/2024 - 07:15

PNO - Để con thực hiện ước mơ khi chẳng may bị khiếm khuyết cơ thể, nhiều bà mẹ đã từ bỏ tất cả, dành trọn đời mình làm đôi tay, đôi chân, đôi mắt… giúp con. Với họ, chỉ khi con được tự lập, người mẹ mới có thể yên tâm “nhắm mắt”.

“Bỏ nhà” đưa con đi thực hiện ước mơ

Siết lại chiếc đai lưng cột sống, bà Lê Thị Đương - 58 tuổi, trú thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An - khó nhọc bê tấm kê bằng sắt đặt trước cửa phòng trọ để xe lăn của con trai leo lên. Nền nhà thấp hơn bên ngoài khiến việc đi lại của mẹ con bà Đương khá vất vả.

Bà nói, chút vất vả này chẳng đáng kể, chỉ cần đôi chân của mình còn đứng vững, bà sẽ luôn đồng hành cùng con. “Tôi đã 2 lần phẫu thuật cột sống nên giờ đi lại cũng rất khó khăn. Giờ chỉ mong đừng đổ bệnh, ít nhất là trong 4 năm tới để lo cho con ăn học” - bà Đương nói.

Bà Lê Thị Đương luôn túc trực bên con trai bị liệt nửa người
Bà Lê Thị Đương luôn túc trực bên con trai bị liệt nửa người

Thanh xuân của bà Đương là những chuỗi ngày dài bệnh tật sau một lần trượt ngã dẫn đến chấn thương cột sống. Mãi đến năm 39 tuổi, bà mới tìm được niềm vui, nhen nhóm xây dựng một mái ấm mẹ con nương tựa nhau khi cậu con trai kháu khỉnh chào đời. Nhưng niềm vui đó chỉ kéo dài được 5 năm thì tai họa ập đến khiến Trần Anh Đức - 19 tuổi, con trai bà Đương - bị đứt dây thần kinh đốt sống lưng, nửa người từ ngực xuống dưới bị liệt.

Kể từ đó, người mẹ đơn thân chẳng còn một giây phút thảnh thơi, ngày ngày bà đẩy xe lăn đưa con tới trường, vừa quần quật làm việc mưu sinh để đủ tiền sinh hoạt, thuốc men cho cả 2 mẹ con.

Không phụ lòng mẹ, Đức say sưa học tập và luôn đạt kết quả cao trong suốt 12 năm phổ thông. Cậu chú tâm học đến mức 4 lần va quệt dẫn đến gãy chân lúc nào chẳng hay. Chỉ đến khi bà Đương tắm rửa, phát hiện chân con trai sưng phù mới đưa vào bệnh viện. Với Đức, mẹ là nguồn sống, là chỗ dựa tinh thần để vượt qua những lúc chênh vênh nhất trong cuộc đời.

Thương mẹ đi lại tập tễnh nhưng chưa một lần để mình đứng chờ sau giờ học, nhiều lần Đức tính bỏ học ở nhà để mẹ đỡ cực. “Nhưng vậy thì sẽ uổng phí công sức bao lâu nay của mẹ. Nên tôi nghĩ chỉ còn cách cố gắng học thật tốt, sau này tự lập lo cho bản thân, lo cho mẹ thì mới thực sự là thương mẹ đúng cách” - Đức nghẹn ngào.

Nguồn sống của 2 mẹ con bà Đương chủ yếu dựa vào tiền trợ cấp người khuyết tật 1 triệu đồng/tháng và từ quán hàng tạp hóa, nên tằn tiện lắm mới đủ vá víu qua ngày. Khi con trai trúng tuyển vào ngành công nghệ thông tin Trường đại học Vinh, bà Đương chực trào nước mắt vì hạnh phúc, nhưng nó cũng khiến bà mất ngủ cả tuần vì những câu hỏi chẳng có lời đáp. Chỉ đến khi thấy con đăm chiêu cầm giấy báo nhập học trong tay, bà Đương mới quyết định gạt bỏ tất cả, đưa con rời núi xuống phố thực hiện giấc mơ trở thành kỹ sư.

Nhìn phố phường tấp nập, bà Đương bảo rằng, có lẽ đoạn đường chông gai của 2 mẹ con giờ mới bắt đầu. Nhưng chẳng sao, thấy con trai say sưa với ước mơ học hành, bà lại thấy mình mạnh mẽ hơn. Để có tiền trang trải cuộc sống, bà Đương lân la tìm việc làm thêm khắp nơi.

Song vì lưng thắt đai, chân đi tập tễnh, lại không thể rời xa con quá 1 ngày nên bà vẫn chưa tìm được công việc phù hợp. “Xuống đây bao nhiêu khoản mà cứ ngồi ở nhà như thế này nóng ruột lắm. Tôi tính để việc học của Đức ổn định hơn, rồi nhờ bạn nào đó cùng lớp hỗ trợ, thay tôi đưa đón con đi học thì mình tìm việc làm sẽ dễ hơn” - bà Đương nói.

Hy sinh đời mẹ, thắp sáng đời con

Cũng như bà Đương, chị Nguyễn Thị Thanh Tình - 39 tuổi, TP Hà Tĩnh - rời quê ra Hà Nội để chăm sóc con trai Đỗ Nam Khánh thực hiện ước mơ trở thành MC. 2 mẹ con chị Tình đều bị khiếm thị do di chứng của chất độc da cam. Mẹ có thể nhìn ở khoảng cách gần, còn con mất hoàn toàn thị lực từ năm 10 tuổi. Những ngày đầu sống trong bóng tối, Khánh luôn trốn trong “vỏ bọc”, chẳng còn muốn đến trường, tiếp xúc với ai. Thương con, chị Tình ngày đêm bên cạnh động viên, mua sách chữ nổi về dạy con học.

Khi Khánh đồng ý đi học trở lại, chị Tình ngày đưa con đến trường, đêm về đọc sách cho con nghe. Rồi quả ngọt cũng đến với mẹ con họ khi Khánh trúng tuyển 6 trường đại học. Khánh quyết định theo học ngành công tác xã hội ở Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) với giấc mơ trở thành MC đứng trên sân khấu truyền cảm hứng, nghị lực sống cho những người cùng cảnh ngộ. “Thấy con tìm lại được mục tiêu và tự tin với bản thân là tôi mãn nguyện. Giờ tôi chỉ mong có đủ sức khỏe để đi làm thêm, để có tiền chăm lo cho con học xong đại học” - chị Tình nói.

Nuôi dạy con là một hành trình vất vả của mẹ. Với những người mẹ có con khuyết tật, sự vất vả đó còn nhân lên gấp bội, thậm chí có người chấp nhận hy sinh đời mình để bù đắp lại những khiếm khuyết của con. Bà Nguyễn Thị Vinh - 60 tuổi, trú xã Nghi Kim, TP Vinh, tỉnh Nghệ An - nói rằng, ngày sinh Nguyễn Đình Nhẫn, bà chỉ kịp nói với chồng “có lẽ trời không cho ta nuôi đứa con này” rồi ngất lịm khi nhìn đứa con bé xíu, khiếm khuyết cả 2 tay.

Tỉnh dậy, bà đặt tên cho con là Nhẫn, với hy vọng con có đủ kiên nhẫn để vượt qua nghịch cảnh cuộc đời, cũng là để nhắc nhở bản thân nhẫn nại đồng hành cùng con.

Nhẫn từng có thời gian sống khép kín vì bạn bè trêu chọc. Để khích lệ cậu, bà Vinh tìm những mẩu chuyện về nghị lực phi thường của những người khuyết tật, đặc biệt là câu chuyện của “hiệp sĩ” công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng - người chỉ cử động được 1 ngón tay, ở gần nhà - cho con nghe. Đó cũng là động lực giúp cậu bé “chim cánh cụt” mạnh dạn đến trường tìm con chữ.

Bà Nguyễn Thị Vinh luôn bên cạnh để động viên con
Bà Nguyễn Thị Vinh luôn bên cạnh để động viên con

“Lúc đó tôi mừng lắm, cũng chỉ nghĩ cho con đi học cho vui, đỡ phải lủi thủi cả ngày ở nhà” - bà Vinh kể. Hình ảnh người phụ nữ gầy gò, ngày ngày chở cậu con trai không tay trên chiếc xe đạp cũ kỹ đến trường ngày ấy vẫn còn in sâu trong tâm trí bao thầy cô, bạn bè nơi Nhẫn theo học.

Năm Nhẫn lên 8 tuổi, cha cậu đột ngột qua đời, để lại 6 đứa con thơ cho mẹ. Áp lực đè nặng trên vai, nhiều hôm đi làm về, mệt đến lả người, song bà Vinh vẫn tươi cười ngồi bên cạnh động viên Nhẫn tập viết chữ bằng chân. Không có điều kiện, cậu dùng than củi kẹp vào chân rồi tập viết chữ trên sân. Được mẹ cổ vũ, cậu nhanh chóng thuần thục từ việc viết chữ đến tự chăm sóc bản thân như đánh răng, rửa mặt, ăn cơm… bằng chân.

Bù lại khiếm khuyết về cơ thể, Nhẫn tiếp thu bài rất nhanh và say sưa học tập. “4 năm tôi học đại học, mẹ phải vừa đi làm vừa đưa đón nên ngày phải chạy xe 8 lần. Nhiều hôm mưa gió, nhìn mẹ chạy vội cho kịp đi làm, tôi bật khóc” - Nhẫn kể.

Nhìn cậu con trai cần mẫn làm việc trên chiếc máy tính bảng bằng 2 chân, bà Vinh ứa nước mắt, nói: “Giờ con đã có việc làm ổn định, có thể tự lo cho bản thân, tôi đã có thể phần nào yên tâm nhắm mắt được rồi”. Sau khi tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin, Nhẫn về làm đồ họa, thiết kế mỹ thuật cho một công ty chuyên sản xuất, sáng tạo nội dung số trên các nền tảng mạng xã hội.

Đôi chân của anh rất thuần thục khi sử dụng máy tính. Do cúi quá nhiều, sử dụng toàn bộ sức lực để điều khiển đôi chân nên lưng của Nhẫn dần bị cong vẹo. Thấy mẹ lo lắng, cậu chỉ cười và nói: “Con đâu còn quan tâm vẻ bề ngoài nữa. Giờ chỉ cần có sức khỏe, làm việc kiếm tiền chăm sóc tuổi già cho mẹ là đủ rồi”.

Con chết thì đời mẹ hết ý nghĩa

Bị liệt toàn thân sau tai nạn, anh Phạm Sỹ Long - 36 tuổi, trú xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh - từng nhiều lần muốn tìm đến cái chết. Nhưng mỗi lần như thế, bà Trần Thị Hà - 65 tuổi, mẹ anh Long - lại tìm cách động viên.

Bà nói: “Mẹ sống là vì con, nếu con chết thì cuộc đời của mẹ cũng hết ý nghĩa”. Được mẹ đồng hành, anh Long bắt đầu tập viết sách bằng miệng. Đến nay, anh đã viết được gần 400 bài thơ, xuất bản hàng loạt đầu sách. Ngoài viết sách, anh Long còn mở khóa luyện giọng nói, đào tạo MC và thuyết trình qua mạng truyền cảm hứng, nghị lực sống cho nhiều người cùng cảnh ngộ.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI