Theo Bộ Môi trường, Lâm nghiệp và Biến đổi khí hậu Ấn Độ, quốc gia này đã tạo ra khoảng 62 triệu tấn chất thải với tốc độ gia tăng trung bình hằng năm là 4%. Trong số đó, chỉ 20% được tái chế, phần còn lại kết thúc ở các bãi rác và đại dương, ảnh hưởng đến con người và sinh vật biển, đồng thời hủy hoại môi trường.
Theo ước tính, quản lý chất thải ở Ấn Độ có khả năng là một ngành công nghiệp trị giá 15 tỉ đô la. Trong số toàn bộ chất thải được tạo ra ở Ấn Độ, 25% là chất thải khô có thể được tái sử dụng làm nguyên liệu thô. Nếu lượng chất thải này được phân tách và xử lý đúng cách theo yêu cầu của các nhà tái chế thì có thể trở thành một nguồn tạo doanh thu sinh lợi cao.
Sáng tạo nghệ thuật từ rác thải thủy tinh
Renjini Thomas (35 tuổi) đã biến tình yêu nghệ thuật của mình thành dự án kinh doanh bền vững Vapasee, trong đó cô tái chế những chai thủy tinh bỏ đi thành những món đồ trang trí nhà tuyệt đẹp.
|
Những chiếc đèn của thương hiệu Vapasee được làm từ vỏ chai rượu góp phần bảo vệ môi trường - Ảnh: Vapasee |
Năm 2015, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành tài chính và kết hôn ở Dubai, Renjini trở về Ấn Độ và nhìn thấy tiềm năng sáng tạo nghệ thuật từ rác thải thủy tinh. Gia đình chồng cô có rất nhiều người đam mê các loại hình nghệ thuật khác nhau. Chồng cô cũng là một nghệ sĩ và có một studio sản xuất nhạc phim. “Chúng tôi thường đến những nơi buôn bán phế liệu để anh ấy tìm những nhạc cụ cũ hoặc những vật dụng cần thiết cho phòng thu. Đó là lúc tôi thấy quá nhiều rác thải ở đó. Chúng có vẻ vô dụng nhưng lại rất có tiềm năng” - cô nhớ lại.
Với rác thải được thu gom, Renjini làm đồ trang trí cho nhà cô và bạn bè. Sau đó, cô bắt đầu nhận đơn đặt hàng theo yêu cầu từ những người muốn trang hoàng lại nhà cửa.
Năm 2020, Renjini tình cờ biết được Climate Collective - một tổ chức thúc đẩy kinh doanh bền vững và ủng hộ hành động vì biến đổi khí hậu. “Climate Collective đã nhìn thấy tiềm năng trong công việc của tôi. Họ giúp tôi tạo ra nhiều tác động có lợi đến môi trường bằng cách mang lại “vòng đời mới” cho nhiều chai thủy tinh bị vứt bỏ ở nơi chôn lấp…” - cô nói.
Renjini đã nộp đơn và được chọn tham gia chương trình ươm tạo các công ty khởi nghiệp của Học viện Quản lý Ấn Độ Bangalore (IMM-Bangalore). Nhờ vậy, cô học được nhiều kiến thức và kỹ năng kinh doanh từ IMM-Bangalore.
|
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi mặc chiếc áo khoác của thương hiệu EcoLine phát biểu trong cuộc họp báo với Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng vào ngày 22/6/2023 - Ảnh: Jacquenlyn Martin (AP) |
Năm 2021, Renjini bắt đầu thành lập Vapasee - thương hiệu với các sản phẩm như chén, đồ trang trí ở bàn tiệc, bàn, đèn và các tác phẩm nghệ thuật khác. Cô thu thập thủy tinh từ những người buôn bán phế liệu và thông qua các đợt thu gom. Đến nay, nhờ Vapasee, đã có hơn 21.000 chai thủy tinh không bị đưa vào bãi rác.
Renjini cho biết: “Làm việc với thủy tinh đòi hỏi phải thực sự kiên nhẫn. Tôi đã đến gặp nhiều người trong lĩnh vực làm thủy tinh và cố gắng học hỏi. Đây là vật liệu dễ vỡ. Việc tìm ra được lượng nhiệt mà thủy tinh có thể hấp thụ trước khi tan chảy hoặc vỡ là rất khó. Với sự giúp đỡ của một số người trong lĩnh vực này, giờ đây, tôi có thể tạo ra hầu hết các sản phẩm mà không gặp trục trặc”.
Ngoài thủy tinh, Renjini còn tái chế hơn 5.000 vỏ dừa, hơn 800kg gỗ và hơn 500kg phế liệu kim loại để làm đồ trang trí nhà cửa và tác phẩm nghệ thuật.
Anasuya Sreedhar - một cư dân Mumbai đã mua đèn của Renjini - nói: “Tôi đã mua chiếc đèn từ trang Instagram của cô ấy và không ai có thể đoán nó được làm từ rác thải thủy tinh. Tác phẩm tuyệt đẹp với các chi tiết lộng lẫy. Điều tuyệt vời nhất là nó bền vững và được tái chế. Chiếc đèn luôn thu hút sự chú ý của bất kỳ ai tình cờ nhìn thấy nó”.
Hầu hết các sản phẩm của Renjini đều có sẵn trên tài khoản Instagram chính thức của cô và các trang thương mại điện tử như Amazon, Brown Living, Loopify, Refash, Onegreen, Magikelf...
Cha con chung tay... cứu môi trường
Chai nhựa với thành phần polyetylene terephthalate (PET) được sử dụng để đóng gói nước giải khát có gas, nước suối, nước súc miệng và dầu thực vật... Thường được đưa ra các bãi chôn lấp và mất một khoảng thời gian dài để phân hủy. Để giải quyết vấn đề trên và thúc đẩy việc tái sử dụng chai lọ đã bỏ đi, 2 cha con K Sankar và Senthil Sankar đang tích cực giới thiệu khái niệm sáng tạo từ chai lọ đến quần áo thông qua thương hiệu thời trang bền vững EcoLine.
|
Đến nay, Vapasee đã tái chế hơn 21.000 chai thủy tinh thành các vật dụng trang trí nhà cửa - Ảnh: Renjini Thampi |
Sau gần 3 thập niên làm việc ở nước ngoài, ông K Sankar trở về Ấn Độ với mục đích giải quyết vấn đề rác thải nhựa ngày càng gia tăng. “Tôi từng quan sát việc sử dụng đồ nhựa bừa bãi cùng cách nó bị ném ra bãi rác và đại dương góp phần gây ô nhiễm. Tôi muốn tìm ra một cách tốt hơn để sử dụng đồ nhựa bỏ đi và giúp làm sạch môi trường” - ông nói.
Năm 2008, ông thành lập Shree Renga Polymers - công ty sản xuất sợi và xơ từ rác thải nhựa cho ngành ô tô và dệt may. Công ty có doanh thu hằng năm khoảng 12 triệu USD.
Senthil Sankar (37 tuổi) - con trai của K Sankar - cũng muốn khám phá khả năng kinh doanh. Sau khi tốt nghiệp, hầu hết các bạn cùng trang lứa đều định cư ở nước ngoài, anh vẫn ở lại và cống hiến cho quê hương.
Sau 3 năm làm việc cho một công ty công nghệ thông tin, Senthil xin nghỉ việc. Năm 2021, anh thành lập EcoLine để sản xuất quần áo từ chai PET trực thuộc Shree Renga Polymers.
Tại EcoLine, chai PET được tái chế để sản xuất quần áo bền vững. “Chúng tôi sử dụng khoảng 8 chai PET để làm ra 1 chiếc áo thun, 20 chai cho áo khoác và 30 chai cho áo vest” - Senthil - Giám đốc điều hành EcoLine - cho biết. Anh nói rằng đây là thương hiệu thời trang đầu tiên của Ấn Độ tái chế chai PET để sản xuất các sản phẩm hoàn chỉnh. Với công việc này, anh muốn đưa khái niệm bền vững ra toàn thế giới và nâng cao nhận thức của mọi người về thời trang bền vững.
Tháng 2/2023, EcoLine nhận được sự hưởng ứng rộng rãi khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi mặc chiếc áo khoác màu xanh da trời của công ty tới tham dự một cuộc họp Quốc hội. “Chiếc áo khoác được làm từ 25 chai PET. Thủ tướng đã mặc chiếc áo này trong cuộc họp Quốc hội cũng như lúc công tác ở Nhật Bản và Úc. Chúng tôi rất phấn khởi khi được quốc gia và thế giới công nhận vì những nỗ lực trong thời gian qua của thương hiệu” - Senthil nói.
EcoLine nhận được ít nhất 20.000 đơn đặt hàng mỗi tháng và đạt doanh thu hằng năm khoảng 1,5 triệu USD.
Giải thích về quá trình biến rác thải thành những sản phẩm hữu ích, Senthil cho biết: “Các chai nhựa được thu gom và nén thành khối trước khi cung cấp cho chúng tôi. Chúng tôi tiến hành phân loại, tháo bỏ nắp và giấy gói, nghiền chai thành những mảnh có kích thước từ 3 - 8mm. Những mảnh này được sấy khô thêm để giảm độ ẩm.
Chúng tôi tiếp tục làm tan chảy các mảnh ở 300 độ C, sau đó sợi nóng chảy được làm lạnh. Sợi polyester được kéo dài ra khỏi vật liệu. Loại xơ này được chuyển đổi thành sợi, được dệt kim để tạo thành vải và may thành quần áo”.
Thông thường, việc nhuộm vải tiêu tốn hàng triệu m3 nước mỗi năm. Tuy nhiên, EcoLine sử dụng công nghệ nhuộm dope, không cần nước trong quy trình nhuộm.
“Ngày nay, việc mặc những sản phẩm đắt tiền trở thành một biểu tượng của sự sang trọng. Vì vậy, chúng tôi đã cố gắng thay đổi tư duy này để thuyết phục khách hàng mặc quần áo tái chế từ rác thải. Chúng tôi mong những sản phẩm thân thiện với môi trường sẽ ngày càng đến được với nhiều người tiêu dùng và góp phần vào việc cứu hành tinh của chúng ta” - Senthil bày tỏ.
Thụy Ngọc