Cuộc đời là chuỗi lựa chọn

12/04/2019 - 06:00

PNO - Cô tự hỏi, “lỡ tôi lại quyết định sai thì sao?”, “gần 30 tuổi rồi, tôi muốn sống và theo đuổi mục tiêu của mình thì có gì sai mà cha mẹ cứ cấm cản, phàn nàn?” và vô vàn câu hỏi khác khiến cô khó lựa chọn.

Đến trung tâm tư vấn tâm lý, cô gái 22 tuổi, vừa tốt nghiệp đại học, mang theo nỗi buồn vì phải theo học ngành mà cha mẹ muốn, đổi lại việc họ sẽ chu cấp tiền bạc hằng tháng cho cô. Giờ cô có hai lựa chọn: một là mang bằng về trình cha mẹ, rồi xin một khoản tiền, để bắt đầu kinh doanh. Hai là lấy chồng - người cô mới quen được vài tháng, trong những lần về quê. Anh này là nhân viên kỹ thuật và có cuộc sống “đàng hoàng”, nghĩa là không bon chen hay ăn chơi gì cả.

Việc lấy chồng sẽ giúp cô “thoát” khỏi sự kèm cặp khắc nghiệt của cha mẹ, đồng thời cũng có thể thực hiện ước mơ kinh doanh của mình. Ngoài hai giải pháp trên, cô còn khá nhiều lựa chọn khác, như tìm một việc làm để bắt đầu sống tự lập hay rời gia đình và vay tiền để sống với ước mơ…

Cuoc doi la chuoi lua chon
 

Điều kỳ lạ là dường như cô không nhận ra hoặc nhanh chóng gạt các “quyền trợ giúp” từ khả năng của bản thân, của bạn bè. Có thể do cô “không nghĩ đến”, bởi từ nhỏ, cha mẹ cô đã tiêm cho cô suy nghĩ: “Chỉ có cha mẹ mới thương và lo cho con thôi, còn ngoài đời, ai cũng sẵn sàng lợi dụng và làm hại con”.

Cô chọn lấy chồng và chấp nhận “không biết nhiều về anh ấy, do chỉ gặp nhau có mấy lần”, bởi trong một lần rất buồn, cô thấy cuộc đời mình chỉ có anh này quan tâm và chịu nghe cô nói về mơ ước kinh doanh. Hôm đó, họ đã quan hệ tình dục với nhau. Quyết định gần như “tự nhiên đến”, khi cô thấy “mình đã là của anh ấy”.

Sau đám cưới, cô gái bắt tay vào kinh doanh thời trang và rất thành công, nhờ có anh chồng sẵn lòng làm “nội trợ”. Rồi cô có con, bởi cha mẹ cô muốn “có cháu để bồng”. Việc chăm và nuôi con, chồng cô cũng đảm nhận hết. Cô bắt đầu nhận thấy có điều “sai sai”, khi chồng ít nói chuyện, hay than đau đầu và thờ ơ khi cô nói về công việc làm ăn và những dự định tiếp theo. Đặc biệt, anh gần như né tránh ái ân với cô.

Ban đầu cô nghĩ, chắc do chồng chăm con mệt mỏi; nhưng giờ con đã đi nhà trẻ, không còn vất vả như trước. Chuyện hé lộ trong một lần cả nhà ăn tối, cô nghe chính cha mẹ nhận xét mình: “Nó chỉ biết kinh doanh thôi, không lo cơm nước nhà cửa gì cả” và than tội nghiệp cho anh con rể.

Anh chồng từ nhỏ ngoan hiền và gần như lệ thuộc vào cha mẹ. Trước khi cưới vợ, anh từng đau khổ vì bị cha sỉ nhục, do yêu một cô gái “không thể lo được cho mày”. Cha anh ta đã đến nhà cô người yêu, chửi mắng và yêu cầu “mày chia tay với nó đi, tao không cho cưới đâu”. Anh ôm nỗi uất hận, nhưng chỉ biết nhốt mình trong phòng riêng mấy tháng trời, cho đến khi phải nhập viện với chẩn đoán “rối loạn hỗn hợp trầm cảm và lo âu”, phải điều trị gần nửa năm. Anh lấy cô, vì “được cha mẹ đồng ý”. Anh ta chưa một lần sống cho chính mình, chưa một lần “có chính kiến” và chỉ gắn bó, chăm bẵm đứa con như của riêng mình, chọn ở nhà làm “nội trợ”, vì chẳng muốn tiếp xúc với “cuộc đời quá nhức đầu”.

Người vợ đau khổ khi nhận ra, chồng mình rất dễ “lung lay” trước những lời nhận xét của người khác, rất dễ đau đầu và tổn thương… Giờ cô lại đối diện với lựa chọn: bỏ chồng, đưa con lên Sài Gòn, tiếp tục mở rộng kinh doanh thời trang hay bỏ việc, ở nhà chăm lo cho chồng con, như ý cha mẹ mình.

Giờ cô hiểu, quyết định lấy chồng để “trốn khỏi cha mẹ” là sai lầm, để bây giờ lại phải tiếp tục lựa chọn nghiệt ngã. Vấn đề là, cô tự hỏi, “lỡ tôi lại quyết định sai thì sao?”, “gần 30 tuổi rồi, tôi muốn sống và theo đuổi mục tiêu của mình thì có gì sai mà cha mẹ cứ cấm cản, phàn nàn?” và vô vàn câu hỏi khác khiến cô khó lựa chọn.

Cuoc doi la chuoi lua chon
Ảnh minh họa

Thực ra, lựa chọn để sống là chính mình nằm ở chỗ quyết định đúng và dám chịu trách nhiệm. Trong tâm lý học, điều này liên quan đến tính tự quyết (self determination). Để có tính tự quyết tốt, một cá nhân cần đạt được ba điều:

1. Khả năng tự chủ - xác định điều mình muốn làm và sẽ làm đến cùng, bất chấp áp lực bên ngoài.

2. Năng lực để biến mục tiêu của mình thành hiện thực. Ngoài năng lực chuyên môn trực tiếp liên quan đến việc muốn làm, hệ thống năng lực cảm xúc và xã hội cũng rất quan trọng. Tất cả năng lực đó đều cần phát triển thông qua việc học hành.

3. Liên quan, tức nhìn thấy ý nghĩa và cảm nhận về giá trị trong việc thực hiện mục tiêu của bản thân. Đôi khi còn là chỉ thấy thật sự hạnh phúc khi đạt được mục tiêu đó.
Có thể chúng ta thấy xa lạ, đặc biệt khi một phụ nữ trẻ quyết định sống cuộc đời của mình, bởi chúng ta có quá nhiều định kiến về một người độc lập, dám tách khỏi gia đình và nhất là định kiến về giới.

Sau khi gặp chuyên viên tâm lý, cô gái viết: “Tôi cần thời gian và muốn sống thật với cảm xúc. Tôi tự ấn định thời gian ba tháng, không quan hệ vợ chồng, nếu tôi không muốn và tôi sống cuộc đời mình. Nếu tôi vẫn yêu thì quay lại, còn không thì chia tay; không vì sự tác động của bất kỳ ai. Đối với một người gần như 30 năm chưa bao giờ tự quyết định được gì, tôi thấy đó mới thật sự là tự chủ, độc lập”. 

Ngô Minh Uy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI