Cuộc đời gian truân của người đàn ông mang án tử hình vì ma túy

17/03/2018 - 08:54

PNO - Nghèo đói và túng quấn khiến vợ chồng ông Bình lần lượt rơi vào vòng lao lý với những bản án tử hình và chung thân vì “nàng tiên nâu”. Nhưng rồi cả hai đã quyết tâm để được ra khỏi ngục tù, làm lại cuộc đời.

Vợ chồng “kéo” nhau vào tù, để lại 3 con nhỏ 

Nhanh chân xua đàn gà vào chuồng để tránh cơn mưa rào bất chợt ùa về, ông Võ Văn Bình (55 tuổi, trú xã Xuân Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An) lại vội vã chạy ra buộc lại hàng rào ao cá bằng lưới thép B40. Nói với giọng hổn hển sau cuộc “chạy đua” với thời tiết “cuộc sống quê nhà nó vất vả vậy đấy. Nhưng như thế này tôi lại tìm được niềm vui trong tâm hồn” rồi người đàn ông 55 tuổi này tạm ngắt quãng để đi đón đứa cháu nội tan trường về nhà.

Chứng kiến những niềm vui dản dị bên đứa cháu nội của mình, ít ai nghĩ rằng ông từng phải thấp thỏm chờ đợi ngày trả án trong bốn bức tường với bản án tử hình. “Cho đến cái ngày mình bị đeo xiêng với bản án tử mới hình dung được cái tác hại của ma túy là như thế nào”, ông Bình nói và cho biết cũng vì thiếu hiểu biết mà bản thân phải trả giá bởi những đồng tiền công xách thuê ma túy từ huyện biên giới Kỳ Sơn (Nghệ An) về xuôi.

Cuoc doi gian truan cua nguoi dan ong mang an tu hinh vi ma tuy
Ông Bình trầm tư khi nhớ lại những tháng ngày phải trả giá cho sai lầm của mình trong tù.

Ông Bình kể, ở cái thời chưa tiếp cận được nhiều với thông tin đại chúng nhiều, bản thân ông cũng không biết gì về thuốc phiện, ma túy. Trong những chuyến đi bán hàng ở huyện biên giới Kỳ Sơn, ông được người khác thuê mang thuốc phiên về xuôi với giá 100.000 đồng/kg.

“Ngày đó 100.000 đồng to lắm chứ. Trong lúc khó khăn lại gặp được như vậy nên tôi cũng làm luôn bởi tiện đường mình đi. Rồi dần quen, đến khi tiền công lên 1 triệu đồng/kg thuốc phiện”, ông Bình kể và cho biết đến năm 1995, ông bị bắt giữ khi đang vận chuyển một khối lượng ma túy lớn và bị kết án tử hình.

Cuoc doi gian truan cua nguoi dan ong mang an tu hinh vi ma tuy
Trở về khi nhà không còn gì, ông Bình quyết tâm xây dựng lại cơ ngơi của mình từ hai bàn tay trắng.

Ít năm sau, người cha 3 con này nhận thêm hung tin khi người vợ của mình nối gót vào con đường ma túy vì túng quấn. Chồng nằm xà lim chờ ngày trả án, vợ lĩnh án chung thân khiến 3 đứa con thơ bỗng dưng “mồ côi” cha mẹ.

Quyết tâm làm lại cuộc đời vì các con

Ân hận và những nỗi day dứt khi nghĩ về những đứa con của mình phải sống thiếu thốn tình cảm người thân khi còn quá nhỏ, ông Bình quyết định viết đơn gửi Chủ tịch nước xin cơ hội sống dù biết cơ hội đó rất mong manh.

Gạt nước mắt khi nhớ lại khoảnh khắc cán bộ quản giáo dẫn ra nghe Ban giám thị đọc lệnh ân giảm từ tử hình xuống chung thân của Chủ tịch nước: “Lúc đó tôi cũng không dám tin nữa, rồi được cán bộ trại giam động viên, tôi bắt đầu quyết tâm cải tạo thật tốt để sớm trở về cùng các con của mình”, ông Bình nhớ lại.

Cuoc doi gian truan cua nguoi dan ong mang an tu hinh vi ma tuy
Sau nhiều năm cần cù lao động, mô hình chuồng trại của ông Bình đã bước đầu cho thu nhập ổn định.

Ít tháng lao động tại xưởng gạch, ông Bình được được phân công hỗ trợ bác sỹ của Trại chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân nặng. Sau 8 năm ròng rã tận tụy với công việc, người đàn ông này được giảm án từ chung thân xuống 20 năm tù. Giữa tháng 5/2013, ông Bình được đặc xá ra tù trước thời hạn.

Chỉ tay về ngôi nhà khang trang mới xây, ông Bình rơm rớm nước mắt “ngày về trong nhà không còn một cái gì. Từ cái bát cho đến cái chén, nhà cửa lụp sụp. Ma túy đã cướp đi tất cả của tôi”, ông Bình nói.

Sau những tính toán của mình, người đàn ông 55 tuổi này quyết định xin chuyển đổi thửa đất sát đường để đào ao nuôi cá, trồng cây ăn quả, nuôi gà để cung cấp thực phẩm sạch cho các nhà hàng trong địa phương. 

Cuoc doi gian truan cua nguoi dan ong mang an tu hinh vi ma tuy
Vợ đang thi hành án, các con đều đi làm ăn xa, ông Bình chỉ còn biết lao động để quên đi quá khứ và chờ đợi ngày gia đình đoàn tụ.

“Khi về thì đứa con đầu đã 20 tuổi, tôi bàn với con rồi quyết định cắm bìa đất, vay mướn cho con đi xuất khẩu lao động. Công việc ổn định, con nó gửi tiền về rồi lần lượt các em sau cũng đi theo. Nay cả 3 đứa đều đi cả rồi”, ông Bình vui mừng nói.

Hướng mắt nhìn về phía xa xăm, ông Bình cho biết do công việc bận rộn nên mỗi năm ông cũng chỉ tranh thủ thời gian để lên trại giam thăm người vợ của mình. “Mỗi lần như vậy bà ấy chỉ biết khóc. Tôi cũng chỉ còn cách động viên và bảo bà ấy cố gắng cải tạo thật tốt, vì đó là cách để sớm được trở về nhà, về với các con mà thôi”, ông Bình nói.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI