Cuộc đời đâu có dài

27/12/2024 - 06:20

PNO - Tôi đã từng khuyên chị, con cái lớn hết cả rồi, đã đến lúc sống cho bản thân, vì cuộc đời đâu có dài. Nhưng chị lắc đầu.

Nửa tháng nay, chị gái tôi thường xuyên đau đầu chóng mặt nhưng không chịu đi khám. Chị luôn trấn an bản thân bị tiền đình, thời tiết thay đổi nên đau là chuyện bình thường. Tình hình trở nên nghiêm trọng khi chị ngất xỉu ở chỗ làm, phải vào viện cấp cứu.

Bác sĩ tư vấn nên chụp cắt lớp để kiểm tra xem não có vấn đề gì không, sợ xuất hiện khối u nhưng chị không đồng ý. Tôi cứ nghĩ chị không dám đối mặt với bệnh tật nên ra sức động viên, nào ngờ chỉ vì sợ tốn tiền mà chị từ chối điều trị.

Chị gái tôi tính phải để lại cho 2 đứa con trai 2 căn nhà mới xong nhiệm vụ. (hình minh hoạ)
Chị gái tôi tính phải để lại cho 2 đứa con trai 2 căn nhà mới xong nhiệm vụ (ảnh minh họa)

Nhìn gia cảnh, chẳng ai nghĩ chị khó khăn về tiền bạc. Vợ chồng làm nhà nước, sắp đến tuổi nghỉ hưu, lương cũng được vài chục triệu đồng mỗi tháng. Vậy mà chị vẫn ăn uống chắt bóp để tiết kiệm, không dám hưởng thụ bất cứ cái gì. Bữa sáng của chị luôn là cơm nguội, áo quần vài năm mới mua một bộ.

Tôi đã từng khuyên chị, con cái lớn hết cả rồi, đã đến lúc sống cho bản thân, cuộc đời đâu có dài. Chị lắc đầu, hết đời mình nhưng phải lo cho con. Con cái có xuất phát điểm tốt sẽ đỡ vất vả về sau. Nếu như chị mua nhà sắm xe cho con thì chúng nó rút ngắn được mấy chục năm phấn đấu kiếm tiền. Chứ như thế hệ chị, 2 bàn tay trắng đi lên nên về già mới tích cóp được một ít tiền còn khi trẻ chỉ biết làm việc quần quật.

Chị tính mình có 2 đứa con trai, ít nhất phải cho một đứa một căn nhà. Ngôi nhà hiện tại anh chị sẽ ở cùng con trai út và tính mua đất xây nhà cho con trai đầu mới xong nhiệm vụ. Hiện tại chị đã mua được đất, đang trả nợ, tính vài năm nữa sẽ vay tiền xây nhà cho con. Nếu tính toán như thế, đến khi về hưu anh chị vẫn đang mang gánh nợ ngân hàng.

Tôi không nói chị sai hay đúng, vì muôn đời nước mắt chảy xuôi, nhưng sao thấy chị khổ quá. Bị bệnh cũng không dám đi khám cho đàng hoàng vì sợ chi phí nhiều, ảnh hưởng đến kế hoạch tích cóp cho con. Tôi không biết các con chị có vui không khi biết mẹ đang lo tương lai cho mình theo kiểu như thế.

Một người bạn của tôi có 3 cô con gái, cũng đang ngày đêm cật lực kiếm tiền để lo “của hồi môn” cho con. Bạn bảo, sinh ra là con gái đã thiệt thòi, về nhà chồng phải có chút vốn trong tay. Bạn tính, nếu tích cóp được ít thì cho mỗi đứa 200 triệu đồng, còn dư dả sẽ cho nhiều hơn. Với mức thu nhập của vợ chồng bạn, số tiền đó không phải là nhỏ. Hiện tại, bạn không dám sửa sang nhà cửa dù đã xuống cấp bởi suy nghĩ “con gái đi lấy chồng hết thì ai ở mà làm”, chỉ tập trung vào tiết kiệm để dành.

Anh đồng nghiệp của tôi lại suy nghĩ khác. Gia đình anh có nhiều nhà cửa cho thuê. Anh hay tếu táo, con anh sau này chỉ cần cho thuê nhà cũng đủ sống dư dả chứ không cần bươn chải nhiều. Nhưng anh lại lo, nếu thế thì cuộc sống của con không còn ý nghĩa nữa khi mọi thứ đã dọn sẵn. Sống mà không có động lực để phấn đấu sẽ rất dễ rơi vào chán nản, mất phương hướng.

Sau đợt ốm, chị mới nhận ra mình lo quá xa mà quên đi sức khoẻ của bản thân. Hình minh hoạ
Sau đợt bệnh chị mới nhận ra mình quên chăm sóc bản thân (ảnh minh họa)

Mỗi người mỗi quan niệm về việc để dành tài sản cho con khác nhau. Nhưng tôi nghĩ, trách nhiệm của cha mẹ sinh con ra là nuôi lớn cho học hành, còn con sẽ tự tạo dựng cuộc sống cho bản thân trong tương lai. 2 đứa cháu tôi cười vang khi biết dự định của mẹ. Chúng nói nhẹ tênh: “Tụi con ở lại thành phố lập nghiệp, chứ có về quê ở đâu mà mẹ xây cho nhiều nhà”.

Nghe con nói, chị tôi có phần hụt hẫng, nhưng rồi cũng thay đổi cách suy nghĩ. Chị gọi cho tôi: “Có lẽ chị đã lo xa quá, qua đợt bệnh này chị nhận ra thứ cần lo chính là sức khoẻ bản thân”.

Hương Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI