Cuộc đời của mẹ - Gia tài các con

22/04/2013 - 19:34

PNO - PN - Năm 2003, khi đi tìm tư liệu cho một chuyên đề lịch sử phụ nữ, tôi đến Bệnh viện Thống Nhất, gặp bà Nguyễn Thị Một - nguyên Trưởng ban Phụ vận, Chánh văn phòng Xứ ủy Nam bộ. Lúc ấy, bà đã lấy bệnh viện làm nhà, nhưng...

Những trang hồi ký của bà là một gia tài lớn, bởi đó không chỉ nói về cuộc đời bà, mà bà là chứng nhân vừa là người trong cuộc. Bà đã nhập cuộc và chứng kiến với vai trò một quần chúng đứng ngoài Đảng, rồi là đảng viên khi mới 15 tuổi, sớm hòa nhập vào dòng thác cách mạng; là người mẹ, người vợ, vượt qua muôn vàn cực hình khốc liệt, những thử thách nghiệt ngã.

Bà Nguyễn Thị Nho (bí danh: Nguyễn Thị Một), sinh năm 1918 tại xã Long Đức Đông, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, trong một gia đình nông dân nghèo. Mồ côi cha từ nhỏ. Mẹ cô mong muốn con gái được đi học, trở thành cô giáo. Bà tâm sự: “Nhưng thực tế không cho phép, hoàn cảnh thiếu thốn mỗi năm càng gia tăng, nhất là vào thời kỳ kinh tế khủng hoảng những năm 1930-1931. Tôi học đến lớp nhì, Đốc học trường Cần Giuộc thấy tôi học giỏi lại mồ côi nên cho tôi được một học bổng tại trường Phú Lâm và ở nội trú. Nhưng vì gia đình quá nghèo, mẹ tôi không đủ khả năng sắm sửa quần áo, mùng mền theo quy định của trường, nên sau cùng tôi phải nghỉ học”.

Cuoc doi cua me - Gia tai cac con

Giây phút hiếm hoi của bà Nguyễn Thị Một bên các con

Năm 1934, dưới sự dìu dắt của chị Nguyễn Thị Bảy, bà vào Đảng, là Bí thư chi bộ xã Long Đức Đông. Năm 1936, bà hoạt động trong phong trào Đông Dương Đại hội tỉnh Tân An. Năm 1938, bà là Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Trà Vinh. Năm 1939-1940, bà là cán bộ Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, Đảng ủy viên Đảng ủy Khu Chợ Lớn. Sau Nam kỳ khởi nghĩa, chồng bà là ông Trương Văn Bang bị địch bắt vào tù, bà lánh lên Sài Gòn, vừa nuôi con vừa tìm cách nối lại liên lạc. Năm 1945, bà tham gia cướp chính quyền tại Cần Giuộc. Năm 1946-1949, bà là Đoàn trưởng Ban chấp hành Phụ nữ Cứu quốc xã, Đoàn trưởng Phụ nữ Cứu quốc huyện, thường vụ Huyện ủy Cần Giuộc; Ủy viên Ban chấp hành Phụ nữ Cứu quốc Nam bộ.

80 năm tuổi Đảng, cuộc đời hoạt động cách mạng của bà đúc kết thành bài học vô giá. Phụ nữ làm cách mạng so với nam giới có biết bao khó khăn, như những dòng hồi ký bà đã viết: “Trong kháng chiến, nam giới ít bận tâm đến con cái bằng phụ nữ. Họ chỉ lo công tác, việc gia đình gần như hoàn toàn người vợ phải gánh vác. Nếu bản thân chị em nào không đấu tranh được giữa việc gia đình và việc xã hội thì sẽ bị tụt trở lại, công tác không liên tục, không hoàn thành trách nhiệm được cách mạng giao. Vừa việc nước, vừa việc nhà, nên khi thoát ly tôi phải lo gửi mấy con sao cho ổn. Mỗi lần giặc đi ruồng, mẹ tôi phải cõng con tôi đi trốn”.

Năm 1951-1954, bà là Phó Hội trưởng Hội LHPN Nam bộ, Trưởng ban Phụ vận kiêm Hội trưởng Ban chấp hành Phụ nữ Phân liên khu miền Đông Nam bộ. Những năm tháng công tác ở rừng miền Đông gian khổ được ghi lại đầy cảm động qua những trang hồi ký. Chiến trường miền Đông Nam bộ bị địch phong tỏa, việc tiếp tế lương thực vô cùng khó khăn. Bà Nguyễn Thị Một nhận nhiệm vụ thoát ly công tác về chiến khu Đ trong lúc đang mang thai. Sinh con ba tháng, những tài liệu quan trọng, bà phải luôn mang theo bên mình cùng với đứa con. Trong hoàn cảnh đầy khắc nghiệt, lòng người mẹ trải qua những giằng xé dữ dội: “Có đồng chí đề nghị: “Nếu trường hợp bị bao vây chị bỏ cháu bên đường, đừng bồng theo rủi cháu khóc, địch phát hiện, chúng tiêu diệt cả trung đội chúng ta”. Tôi hứa với các đồng chí. Chuẩn bị tinh thần hy sinh như vậy nhưng lòng dạ tôi rối bời, nhìn mặt con thơ mà nước mắt cứ trào ra, mong sao tình huống xấu không đến!”.

Cuoc doi cua me - Gia tai cac con

Bà Nguyễn Thị Một - nguyên Trưởng ban Phụ vận, Chánh văn phòng Xứ ủy Nam bộ

Sau hiệp định Genève, bà là Trưởng ban Phụ vận, phụ trách văn phòng Xứ ủy. Do có kẻ khai báo, tháng 8/1959, bà sa vào tay giặc, bị kết án 20 năm tù khổ sai. Đến ngày 5/3/1974, bà được trả tự do. Suốt 15 năm bà liên tục bị kẻ thù đày từ nhà tù này đến trại giam khác. Ở hầu hết các nhà giam, quân thù dùng mọi thủ đoạn từ cám dỗ, mua chuộc đến tra khảo cực hình, nhưng người phụ nữ ấy vẫn kiên cường chịu đựng và vượt qua. Nữ biệt động Lê Thị Thu Nguyệt, từng ở tù Côn Đảo với bà, xúc động báo tin bà mất. Chị kể: “Ở Côn Đảo, dì Một đã dạy chính trị cho tôi. Dì dạy bằng chính xương máu, bằng cả cuộc đời trung kiên của mình nên rất thuyết phục. Tình thương của dì đã giúp tôi đứng vững trong các cuộc đấu tranh khốc liệt ở chốn địa ngục trần gian Côn Đảo”.

Ngày 17/4/2013, bà Nguyễn Thị Một từ trần. Với lẽ sống cao đẹp, lòng vị tha, chân thành, lòng kiên định không thế lực nào lay chuyển, bà đã để lại dấu ấn sâu sắc trong mắt người đương thời. Thật may mắn, trước lúc đi xa, bà đã kịp để lại cho cuộc đời hồi ký Cuộc đời của mẹ - Gia tài các con. Gia tài quý báu ấy không chỉ riêng cho con cháu bà mà còn là di sản vô giá cho thế hệ mai sau.

 Trầm Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI