Cuộc chuyển giao

30/07/2017 - 14:00

PNO - Nhìn nhà cửa tôi muốn phát bệnh, gọi con dâu nói chuyện một lúc lâu. Sao con dâu tôi ra đường thì ăn diện đẹp đẽ vậy, mà về nhà lại quá sức bầy hầy?

Chị Hạnh Dung kính mến,

Con trai út của tôi mới cưới vợ. Trước đó, tôi đã nói chuyện với hai đứa, cưới xong là mẹ hết nghĩa vụ, giao lại việc nhà cho các con. Tôi định theo con trai lớn sang Mỹ chơi ít tháng. Vợ chồng con trai lớn của tôi định cư bên đó, về đám cưới em, tiện thể đưa tôi đi. Như vậy, ở nhà chỉ còn chồng tôi và vợ chồng con út. Lâu nay mình tôi lo trong ngoài cho hai cha con, nay đã có con dâu, tôi muốn nghỉ ngơi, thoát khỏi các nghĩa vụ thường ngày. 

Cuoc chuyen giao
Ảnh minh họa

Đi gần hai tháng, khi trở về, tôi như không nhận ra nhà của mình nữa! Cây kiểng chết rũ; nhà cửa dơ dáy, phòng tắm đóng từng lớp bợn như đã lâu không ai lau chùi. Trong bếp thì chuột chạy thành đàn, cứt gián tứ tung; thức ăn, nước mắm vương vãi…

Nhìn nhà cửa tôi muốn phát bệnh, gọi con dâu nói chuyện một lúc lâu. Chiều hôm đó, vợ chồng nó chở nhau đi ăn tiệm, bỏ mặc hai ông bà già lau dọn. Sao con dâu tôi ra đường thì ăn diện đẹp đẽ vậy, mà về nhà lại quá sức bầy hầy? Tôi phải làm thế nào với cô con dâu này? Giao nhà cửa cho nó thì ra như vậy, chẳng lẽ tôi lại tiếp tục làm ôsin cho chúng?

Mỹ Tùng (Q.Tân Phú, TP.HCM)

Chị Mỹ Tùng thân mến,

Cuộc chuyển giao nào cũng cần có thời gian, để người nhận bàn giao làm quen với việc mới. Chị chuyển cái ào như vậy, con dâu chị lóng ngóng chưa quen, lại thêm vợ chồng mới cưới, còn ham bay nhảy, chưa hào hứng với việc nhà nên không gọn gàng được như chị muốn. Thôi thì đằng nào mình cũng đã được đi chơi thăm con cháu, giải phóng khỏi việc nhà gần hai tháng, nay có ra tay lập lại trật tự, huấn luyện con dâu dần dần, thì cũng đáng để cố gắng thêm một chút. 

Việc chị nên làm trước tiên không phải là kêu con dâu ra “giảng cho một bài”, rồi lụi hụi tự mình lau dọn, vừa làm vừa bức xúc, bực tức! Chị đã chuyển giao thì cứ để con dâu thu xếp theo cách của cô ấy.

Cuoc chuyen giao
Ảnh minh họa

Chị hẹn con cùng làm, cùng dọn, hướng dẫn cho con biết phải sắp thế nào cho gọn gàng, làm sao cho hết chuột, gián, đậy điệm đồ ăn kiểu gì… Chị cứ cùng con dâu túc tắc làm, một tuần mươi ngày cũng chẳng sao. Cứ bắt đầu từ cái bếp, là nơi quan trọng nhất, quyết định sức khỏe của cả nhà. Còn phòng tắm của con, chị kệ hai vợ chồng tự lo. Nhà cửa cũng vậy, chỉ cần xếp lịch lau nhà, còn chỗ nào chưa sạch mình đỡ con một chút, đừng chỉ ra chỗ này chưa sạch chỗ kia còn đất cát, chỉ là những chuyện vụn vặt thôi nhưng cách nói đó dễ làm con bị tổn thương.

Phải có thời gian để con dâu chị quen dần với việc xem đây là nhà của mình, cô ấy mới chủ động thu dọn. Chỉ khi nào sự sạch sẽ trật tự trong nhà do chính tay mình tạo ra, người đàn bà đó mới quý, mới có ý thức chăm chút. Nếu chị cứ đi dọn dẹp thay, vài hôm sau lại thấy bầy hầy, lại rầy la con, chỉ khiến gia đình căng thẳng chứ không giải quyết được gì. Hãy chấp nhận nhà cửa hơi lộn xộn một thời gian, động viên và giúp đỡ con dâu làm, đừng chỉ trích nặng nhẹ. 

Giới trẻ bây giờ phần lớn là không quen và không chịu khó làm việc nhà, chỉ thích bay nhảy bên ngoài. Hạnh Dung ủng hộ sự chuyển giao của chị, nhưng chị nên chấp nhận trong giai đoạn chuyển giao đó, mọi chuyện sẽ có phần chệch choạc. Chị đừng quá cầu toàn, chỉ tự làm khổ mình thôi. 

Hạnh Dung

Thư cho Hạnh Dung, quý vị gởi về:
hanhdung@baophunu.org.vn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI