'Cuộc chơi' trên các trang thương mại điện tử quốc tế

20/11/2017 - 15:00

PNO - Ngày nay, nhiều người Việt Nam cũng đã quen dần với việc mua - bán qua các trang thương mại điện tử quốc tế như Amazon, eBay, Alibaba... Đây là những sân chơi phổ biến, nhiều tiện ích nhưng cũng tiềm ẩn lắm rủi ro…

Sôi động mua và bán

Amazon, eBay… là hai trang web có khách hàng khắp thế giới. Vào các trang này, gõ từ khóa “Viet Nam”, kết quả hiện ra tuy chưa nhiều nhưng cũng đã có một số sản phẩm (SP) Việt Nam chào bán, đa phần có trị giá không cao nhưng là những SP thường dùng như cà phê bột, trái cây sấy, phin cà phê, dầu dược phẩm, chổi quét nhà…

Có mặt hàng mua đi bán lại nhưng cũng có mặt hàng do chính doanh nghiệp trực tiếp bán. Thú vị là có SP dù đã ghi rõ “made in Vietnam” nhưng vẫn thòng thêm “cái đuôi” (not China) để tạo lòng tin cho khách.  

'Cuoc choi' tren cac trang thuong mai dien tu quoc te
Doanh nghiệp Việt đầu tư chất lượng, bao bì sản phẩm và tìm đường xuất khẩu thông qua các trang thương mại điện tử quốc tế.

Chị Lê Thị Hiền - Giám đốc Công ty cổ phần khoa học công nghệ R2D, là người đã chủ động bán than không khói trên trang web Alibaba, cho biết: “Tôi đăng ký gian hàng trên Alibaba đã 1 năm nay; liên tục cập nhật thông tin và hình ảnh SP, trả lời nhanh mọi thắc mắc của khách hàng”.

Có khi cả trăm người hỏi chỉ có vài người mua. Có những đơn hàng phải mất đến 6 tháng mới giao dịch thành công. Không chỉ giao dịch trên web, chị Hiền còn liên lạc với khách hàng qua email, WhatsApp… để xác định rõ hơn yêu cầu của khách, rồi từ những dữ liệu có sẵn, chị tra cứu thêm thông tin của đối tác qua internet.

Thông qua gian hàng, chị không chỉ bán SP mà còn làm cầu nối giao dịch với khách quốc tế, tìm hiểu nhu cầu của thị trường các nước; học kinh nghiệm sản xuất, cách kiểm tra chất lượng sản phẩm từ khách hàng… Nhờ vậy, chị cải tiến dần chất lượng và có mức định giá phù hợp để bán được SP cho nhiều quốc gia khác.

Thay vì lệ thuộc vào các trang thương mại điện tử quốc tế, doanh nghiệp Việt Nam nên đầu tư xây dựng website riêng, có tích hợp chức năng mua - bán, chứ không chỉ đơn thuần là giới thiệu SP.

Nếu bị lệ thuộc, khi các trang web “siết chặt” bằng quy định riêng, doanh nghiệp chắc chắn sẽ thua thiệt.  
Chuyên gia thương hiệu Đoàn Đình Hoàng

Anh Hùng là người chuyên mua mỹ phẩm, quần áo, giày dép từ các nguồn Anh, Mỹ, Pháp, Nhật, Thái Lan... nên mỗi ngày đều canh giảm giá trên các trang Amazon, eBay để mua hàng. 

Anh cho biết, mức thu của mình còn rất khiêm tốn, chỉ khoảng 30 triệu đồng/tháng tiền bán hàng, trong đó lãi khoảng 6-7 triệu đồng. Anh canh hàng giảm giá trên Amazon, eBay... rồi đăng lại trên facebook, có người đặt hàng anh mới đặt mua, tính thêm phí vận chuyển vào giá bán.

eBay còn có tổ chức đấu giá, nên anh Trọng, một  người chuyên “săn” đồ gốm sứ cổ ngoại nhập về bán, cho biết thêm: “Vì trái múi giờ, tôi phải thức đêm để canh đấu giá sản phẩm. Mình chậm 1-2 giây là có người khác mua mất ngay. Nhưng nóng vội thì cũng dễ bị hớ. Một bộ ly, bình cổ giá 100 triệu đồng có khi rớt giá chỉ còn 20 triệu đồng... Vì vậy, kinh nghiệm đánh giá và định giá sản phẩm là rất quan trọng". 

Alibaba tiềm ẩn nhiều… nguy cơ?

Muốn tham gia mua bán trên các trang thương mại điện tử quốc tế, người tham gia cần biết tiếng Anh và có kỹ năng truy xuất nguồn gốc hàng hóa, đánh giá uy tín của người bán. Theo đánh giá của những doanh nghiệp tham gia, giao dịch trên Alibaba, Taobao tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn so với giao dịch trên Amazon, eBay. 

Chị Lê Minh Hồng Phúc - Giám đốc tác nghiệp Công ty TNHH sản xuất thương mại IamV (chuyên sản xuất, kinh doanh tỏi đen), chia sẻ: “Trên các trang này, khách hàng chủ yếu là người Trung Quốc, khả năng hủy đơn hàng sau khi đặt rất dễ xảy ra. Có lần đã đàm phán thành công, đối tác đồng ý với các thỏa thuận mua bán, tôi mới huy động sản xuất 15 tấn tỏi đen chuẩn bị giao thì họ hoạnh họe đòi ngưng hợp đồng, khiến tôi ôm hàng lãnh đủ".

Đó là chưa kể, tham gia trên Alibaba, vấn đề cạnh tranh giá là rất gay gắt. Sau một thời gian kinh doanh trên Alibaba, bài học “xương máu” chị Hiền thấm thía nhất là rủi ro xảy ra trong giai đoạn giao dịch hàng mẫu.

Đối tác Trung Quốc thường yêu cầu một lượng lớn hàng mẫu nhưng sau đó thì viện đủ lý do để hủy đơn hàng. Muốn giảm thiểu thiệt hại, mình phải yêu cầu họ trả tiền trước hoặc yêu cầu cung cấp mã chuyển phát nhanh để mình gửi mẫu, đảm bảo họ trả tiền.

Ở góc độ người mua, chị Xuân - chuyên mua sỉ quần áo trẻ em trên Alibaba cho biết: các mối buôn trên trang này rất bát nháo. Nhiều người Việt Nam ham rẻ, mua hàng từ các gian hàng mua đi bán lại; không do chính công ty bán, rất dễ gặp rủi ro mua phải hàng fake (nhái).

Mặt khác, người bán trên các trang này chỉ giao hàng đến cửa khẩu;  người mua phải tự gánh chịu mọi phát sinh sau đó như thuế, phí khi đưa hàng vào Việt Nam. 

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI