Bế tắc khi cả ngày ở nhà, con vẫn đòi chơi
Từ đợt thứ tư của dịch COVID-19, chị Nguyễn Hoàng Minh Dung (35 tuổi, nhân viên bán hàng, ở Q.6, TP.HCM) xin làm việc tại nhà. Chị chỉ cần tìm khách hàng và báo doanh thu lên công ty.
Những ngày đầu, chị Dung khá thoải mái vì con chị đã năm tuổi nên không phải chăm nhiều. Cách 3 - 4 ngày, chị lên thực đơn rồi rửa sạch nguyên liệu, phân nhỏ thịt cá, rau củ theo khẩu phần ăn của con. Mỗi sáng, chị chỉ cần cắm nồi cơm, nấu theo thực đơn lên sẵn rồi làm việc.
|
Tuy không mất thời gian đưa đón con, nhưng các bà mẹ đau đầu tính toán sắp xếp việc học cùng, chơi cùng bé và lo việc ăn ngủ (Ảnh minh họa) |
Chị nói: “Từ khi con tôi biết ăn, tôi đã tập cho bé ăn một mình nên bé ăn, ngủ rất dễ dàng. Bé khá hiểu chuyện và nghe lời. Dịch COVID-19, nhiều đồng nghiệp “ớn” chuyện ở nhà chăm con, còn tôi tự tin lắm. Tôi xung phong làm việc tại gia để có nhiều thời gian hơn bên con. Tuy nhiên, được một tuần, mọi chuyện lại dần khiến tôi… sợ hãi”.
Chị Dung kể con chị thích nói chuyện, bé có thể nói mọi lúc mọi nơi. Chán nói với búp bê, thú nhồi bông, bé vào phòng đòi nói chuyện với mẹ. Những ngày đầu, hai mẹ con cứ ríu rít nào là sáng nay con ăn cháo cá, con thích khủng long xanh ăn cỏ, hôm nay con sẽ kể mẹ nghe chuyện con thỏ, con đố mẹ vì sao người ta phải rửa tay thường xuyên…
Thấy con hay tò mò, thích tìm hiểu, làm theo những điều mẹ dạy, chị Dung tranh thủ đan xen dạy cho con những kiến thức cơ bản về đại dịch. Nghe chị chia sẻ, đồng nghiệp của chị rất ngưỡng mộ.
Tuy nhiên, càng ngày bé càng có nhiều câu hỏi, kể cả lúc mẹ đang làm việc, bởi… búp bê không biết trả lời. Lúc đầu, bé còn kiên nhẫn đợi. Sau đó, khi mẹ bận rộn không thể trả lời ngay, bé quấy khóc không yên. Chưa hết, bé còn “tự trải nghiệm” để tìm câu trả lời. Có lần, chị Dung tá hỏa khi con tìm cách bật bếp điện từ, loay hoay tháo miếng bảo vệ ổ cắm điện hay nhảy từ giường tầng xuống đất khi mẹ đang họp.
“Từ vui sướng khi được ở nhà với con, tôi trở nên sợ, không hiểu sao con tôi có nhiều năng lượng đến vậy. Thêm phần được đồng nghiệp tin tưởng, mỗi khi con họ nảy sinh vấn đề, ai cũng nhắn tin, tôi cảm thấy rất khủng hoảng”, chị Dung nói.
Ở đợt dịch COVID-19 này, chị Phan Thị Trân Châu (31 tuổi, ở Q.5, TP.HCM) vẫn… chưa thích nghi được với con trai ba tuổi của mình.
|
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTRSTOCK |
“Khi chị My (người giúp việc - PV) về quê, cuộc chiến của mẹ con tôi mới bắt đầu. Mọi lần, con tôi đã có chị ấy chăm; tôi chỉ cần đưa con đi học, đi chơi hoặc mệt quá thì ôm hôn con là thấy vui ngay. Bây giờ, dù có chồng tôi giúp nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy rất “đuối” vì chăm con. Thậm chí, vợ chồng tôi cãi nhau liên tục chỉ vì con té, bỏ ăn hoặc… trèo vào hòn non bộ chơi với cá”, chị Châu nhớ lại.
Ít nhất nên có 20 phút thật sự chơi với con mỗi ngày
Trong lúc quá mỏi mệt, chị Dung chán ngán “thảy” con cho chồng, đóng sầm cửa, bỏ mặc con gái ngoài phòng khách. Chị thở dài, nhắm mắt cố ngủ nhưng mãi vẫn không được vì bên tai cứ văng vẳng tiếng khóc của con: “Mẹ không chơi với con…”. Chị giật mình nhớ ra dù cả ngày ở nhà nhưng chị cứ quay cuồng với công việc và bếp núc. Con chị chỉ có thể lẽo đẽo cạnh mẹ nói chuyện còn chị hiếm khi ôm hôn bé như trước.
Chị nói: “Tôi quyết định lên thời gian biểu, trong đó có một mục nhỏ: 20 phút dành cho con. Đây cũng là thời gian tôi xả stress trong công việc. Tôi tự cho mình 15 phút mỗi sáng và trưa làm những gì mình thích, tất nhiên có thể cùng con dọn dẹp nhà, xếp quần áo chứ không vội vàng làm cho xong. Thậm chí khi nấu ăn, tôi cũng “giao” luôn rổ rau cho bé ngắt lá… Cứ thế, hai mẹ con vừa làm, vừa chơi. Đến lúc tôi bật máy tính làm việc, bé ngoan ngoãn ôm gối ngủ cạnh mẹ”.
Còn với chị Châu, trước khi biết đến 20 phút “thần kỳ”, chị đã liên tục tự trách khi con bị té trật chân. Đó là lần chị phải họp với cấp trên. Để tránh tiếng khóc của con, chị đành nhốt bé vào phòng. 30 phút họp làm chị quên con trai mình. Xong việc, chị quá mệt, ngủ quên.
“Tôi ngủ 15 phút thì mơ màng nghe tiếng động rất lớn, kèm theo tiếng thét hoảng loạn của con. Khi tôi chạy đến mở cửa đã thấy cổ chân bé sưng to. Chắc bị mẹ “nhốt” lâu, bé sợ, đạp chân vào cửa hay té ngã. May mắn, con tôi chỉ bị trật chân. Bác sĩ nhận ra tôi bị căng thẳng quá độ nên khuyên đến gặp chuyên gia tâm lý”, chị Châu nói.
Thế rồi, chị Châu lên “kế hoạch xe mô hình” với con bởi bé khá thích loại đồ chơi này. Trong 20 - 30 phút, khi thì chị giả làm người dân cần cứu hộ, khi thì hai mẹ con cùng nhau lái xe cứu hỏa, đôi lúc con trai làm chú công an bắt cướp… Chán xe mô hình, chị dạy con học tiếng Anh qua bộ sưu tập xe của con, rồi đến tranh ảnh…
Chị cười: “Cứ vậy, mẹ con tôi quấn quýt, gắn kết ba tuần nay rồi. Tôi cũng tranh thủ tập cho bé tự ăn chứ không chạy theo ép con nữa bởi “con lớn nhanh mới lái xe được”. Sau “trận chiến” ấy, tôi nhận ra con trẻ cần tương tác với mẹ hơn những điều mẹ áp đặt, nghĩ là tốt cho con”.
Tâm lý gia Phan Thị Hoài Yến, Khoa Tâm thể, Bệnh viện TP.Thủ Đức, cho biết không chỉ chị Dung, chị Châu gặp khó với những đòi hỏi của con mà hầu như các bà mẹ đều “vướng” mỗi khi cùng con ở nhà. Khi giãn cách xã hội thì “cuộc chiến mẹ và bé” lại bắt đầu.
Tâm lý gia Hoài Yến nói: “Các bà mẹ thường nghĩ chỉ cần cho con ăn uống đầy đủ, mua nhiều đồ chơi là ổn. Các chị ở nhà phải chu toàn việc công sở lẫn việc nhà nên mất rất nhiều thời gian. Sự căng thẳng, mệt mỏi khiến các chị vô tình quên đi chuyện chơi với con. Thậm chí có người lại nghĩ rằng gặp mẹ suốt mà con vẫn khóc thì rõ là bé đang nhõng nhẽo. Thực ra không phải nhìn nhau 24 giờ mỗi ngày là đủ mà trẻ nhỏ rất cần sự tương tác trực tiếp”.
Vì thế, cha mẹ hãy dành ít nhất 15 phút/buổi để tương tác trực tiếp với con bằng cách: nói chuyện, cùng chơi trò chơi bé thích, dạy trẻ vệ sinh cá nhân và cách nhận biết những hiểm nguy rình rập trong nhà (ổ điện, hành lang, ban công, đồ vật sắc nhọn…). Đặc biệt, tâm lý trẻ lúc này rất dễ ảnh hưởng nếu cha mẹ to tiếng, cãi nhau hay bỏ mặc trẻ quá lâu.
|
Nhiều bà mẹ than giai đoạn này họ mệt mỏi gấp 10 lần tới công sở (Ảnh minh họa) |
“Với trẻ từ 2 - 5 tuổi, nếu thấy trẻ biếng ăn, bỏ bữa, ít nói chuyện, hay ngồi ở góc riêng hoặc góc tối, thường giật mình, quấy khóc vào ban đêm, tè dầm, rối loạn giấc ngủ… thì có thể trẻ đã bị các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Với trẻ lớn hơn, các triệu chứng sẽ là rối loạn hành vi; dễ cáu gắt; than đau đầu hay đau bụng; cắn móng tay hoặc xé da gây tổn thương bàn tay, có hành vi bạo lực hoặc không thiết tha những việc xung quanh; mặt luôn có biểu hiện mệt mỏi, không có sức sống…
Tùy theo độ tuổi và biểu hiện của trẻ, cha mẹ nên có những cuộc trò chuyện, tương tác để biết trẻ gặp vấn đề gì. Nếu không, từ việc quấy khóc nhằm thu hút sự chú ý, trẻ sẽ tìm cách tự làm đau mình để giải tỏa căng thẳng. Điều này khá nguy hiểm, thậm chí có trẻ phải sử dụng thuốc để điều trị nếu cha mẹ không sớm phát hiện và nâng đỡ tâm lý cho con”, chị Hoài Yến nói thêm.
Phạm An
Khảo sát tháng 8/2021 về chủ đề “COVID-19: Cha mẹ đi làm nói gì?” của hãng tuyển dụng Adecco Việt Nam với 390 người, hơn 58% trong số đó đang làm việc tại nhà cho kết quả: 40% người được hỏi nói rằng họ có “khối lượng công việc nhiều hơn trước” và 41% cần làm việc ngoài giờ hành chính để cân bằng cả công việc và gia đình. Đặc biệt, có 59% bà mẹ và 42% ông bố nói họ phải thay đổi thói quen làm việc để đảm bảo trách nhiệm gia đình. Hơn 1/4 số cha mẹ đi làm bị kiệt sức khi cố gắng cân bằng công việc và gia đình. Điều này phổ biến với các bà mẹ hơn các ông bố (tương ứng là 28% và 22%). Trong đợt bùng phát dịch gần đây, do giãn cách kéo dài, có đến 63% phụ huynh tự chăm sóc con cái mà không có người hỗ trợ. |