Cuộc chiến với COVID-19 ở TPHCM vẫn tiếp diễn

05/11/2021 - 06:49

PNO - TPHCM đã chuyển dần sang trạng thái “bình thường mới”, nhưng số ca mắc COVID-19 mỗi ngày vẫn ở mức ba chữ số và ở các bệnh viện điều trị COVID-19, số ca bệnh COVID-19 nặng vẫn còn. Vì thế người dân không nên lơ là, chủ quan trong phòng, chống dịch.

Vẫn còn nhiều ca bệnh nặng 

Hơn 13g, ê-kíp trực của bác sĩ Ngô Việt Anh, Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện (BV) Hồi sức COVID-19 (do BV Chợ Rẫy TPHCM phụ trách) mới hoàn thành việc thăm khám, điều trị cho hơn 30 bệnh nhân nặng và nguy kịch. Sau khi cởi bỏ các trang bị bảo hộ, bước ra ngoài, bác sĩ Việt Anh bộc bạch thời điểm này anh và đồng nghiệp đã “dễ thở” hơn do số lượng người bệnh đã giảm đáng kể. Điển hình bảy ngày qua, BV Hồi sức COVID-19 TPHCM chỉ tiếp nhận gần 100 bệnh nhân từ BV thu dung điều trị ở tầng 1, tầng 2 chuyển đến.

Bác sĩ đưa máy X-quang đến giường bệnh để chụp phổi cho bệnh nhân COVID-19 - ẢNH: PHẠM AN
Bác sĩ đưa máy X-quang đến giường bệnh để chụp phổi cho bệnh nhân COVID-19 - Ảnh: Phạm An

Hiện ở BV Hồi sức COVID-19 TPHCM, có hơn 160 bệnh nhân ở nhiều độ tuổi nhưng đa số ở tuổi trung niên, trong đó có hơn 70 bệnh nhân nặng và nguy kịch, gần 30 người đang thở máy. Điều đáng mừng là trong số đó, chỉ có một bệnh nhân phải chạy ECMO. Bác sĩ Việt Anh cho biết: “So với trước đây, số người bị bệnh nặng và nguy kịch đã giảm nhiều, nhưng vẫn còn một số ít bị bệnh nặng, suy hô hấp dù đã được tiêm vắc xin ngừa COVID-19. Vắc xin chỉ giúp giảm lây nhiễm, giảm nguy cơ bệnh trở nặng chứ không ngăn lây nhiễm triệt để, đặc biệt là với các đối tượng nguy cơ cao như trẻ em, người già, người có bệnh nền”.

Tại khu hồi sức của Trung tâm Hồi sức COVID-19 do BV Trung ương Huế phụ trách, tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Tất Dũng - Trưởng khoa Hồi sức tích cực của BV Trung ương Huế - vừa cấp cứu thành công một bệnh nhân COVID-19 chuyển nặng trong hai bệnh nhân đang phải chạy ECMO: “Bệnh nhân được chuyển đến ngày 28/10, bệnh diễn tiến rất nhanh, phổi xấu lắm. Hai ngày sau, chúng tôi phải chạy ECMO, nếu không sẽ khó lắm”.

Trước khi cởi bỏ bộ đồ bảo hộ, bác sĩ Dũng không quên xoay trở tư thế cho người bệnh thoải mái hơn, chống lở loét lưng do nằm lâu ngày. Quan sát lại lần nữa, ông mới yên tâm bước ra ngoài. Ông là một trong những bác sĩ vừa được tăng cường thêm cho TPHCM cách đây vài ngày, phụ trách theo dõi sát các ca bệnh nặng, nguy kịch. Bác sĩ Dũng cho biết, khu hồi sức giai đoạn này đã đỡ căng thẳng, bớt áp lực do số bệnh nhân giảm dần. Tính đến ngày 4/11 số bệnh nhân nặng còn khoảng 90 người đang được theo dõi, trong đó có 40 ca nặng, phải thở máy. Bác sĩ Nguyễn Tất Dũng nói: “Tuy dịch bệnh đang được kiểm soát, nhưng đây là thời điểm mọi người không được chủ quan”.

Phải luôn chủ động phòng dịch

Bác sĩ Nguyễn Đình Khoa - Phó giám đốc Trung tâm Hồi sức COVID-19 - nói thêm, tuy bệnh nhân nặng giảm, nhưng vẫn có thêm người mắc COVID-19. Trung tâm vẫn tiếp tục đón người bệnh từ 11 BV điều trị COVID-19 tầng dưới (trong tháp điều trị) chuyển lên. Trung tâm cũng đang hoạt động theo mô hình tháp ba tầng bao gồm khu hồi sức, khu bệnh nhân nặng và khu bệnh nhân nhẹ với tổng số 240 bệnh nhân.

Bác sĩ theo dõi sức khỏe bệnh nhân COVID-19 tại Trung tâm Hồi sức COVID-19 do Bệnh viện Trung ương Huế phụ trách - ẢNH: PHẠM AN
Bác sĩ theo dõi sức khỏe bệnh nhân COVID-19 tại Trung tâm Hồi sức COVID-19 do Bệnh viện Trung ương Huế phụ trách - Ảnh: Phạm An

Dự kiến cuối năm 2021, trung tâm sẽ được chuyển giao cho BV Nhân dân 115 nhưng nhân lực hiện tại vẫn được duy trì về số lượng, không hề giảm đi. “Vừa qua, 33 nhân viên rút về Huế nhưng có đến 40 nhân viên khác vào thay thế, trong đó có chuyên gia dày dạn kinh nghiệm như tiến sĩ Nguyễn Tất Dũng” - bác sĩ Nguyễn Đình Khoa thông tin. Ông nói thêm: “Đúng ra, trong đợt vừa rồi, 60 nhân viên của BV Trung ương Huế được rút về nghỉ ngơi nhưng gần 30 người tình nguyện ở lại để tiếp tục chăm sóc bệnh nhân”.

Theo bác sĩ Khoa, số bệnh nhân COVID-19 và tỷ lệ tử vong do COVID-19 đều đang giảm mạnh nhưng số ca mắc bệnh vẫn còn nhiều và vẫn còn những ca nặng, tử vong. Do đó, mỗi người dân cần luôn chủ động phòng dịch cho mình, cho người thân và cộng đồng. Người mắc COVID-19 dù đang điều trị tại các cơ sở y tế hay tại nhà cũng phải tuân thủ các hướng dẫn của nhân viên y tế. Đặc biệt, dương tính với virus SARS-CoV-2, người bệnh cần báo ngay với cơ quan y tế địa phương để được hỗ trợ, tuyệt đối không giấu bệnh.

Người bệnh điều trị tại nhà cần đo nhiệt độ mỗi ngày ít nhất hai lần, theo dõi những dấu hiệu chuyển nặng của bệnh như khó thở, đau tức ngực, thở nhanh, ngủ li bì, môi và đầu ngón tay tím tái… Nếu có điều kiện, người bệnh nên trang bị thêm máy đo oxy trong máu (SpO2) cá nhân để theo dõi liên tục, phòng ngừa bệnh chuyển nặng quá nhanh. Ngay khi có dấu hiệu chuyển nặng hoặc bệnh nhân chưa tiêm vắc xin và có một trong các yếu tố dưới một tuổi, trên 50 tuổi, có bệnh nền hoặc đang mang thai, cần liên hệ ngay các đội phản ứng nhanh, trạm y tế lưu động tại địa phương hoặc tổng đài để được tư vấn, theo dõi và điều trị tại cơ sở y tế.

Dịch còn phức tạp, người dân lại lơ là

Tại TPHCM, tính đến ngày 4/11, người trên 18 tuổi đã tiêm một mũi vắc xin đạt tỷ lệ 99,72%; người tiêm đủ hai mũi là 79,85%; người trên 65 tuổi được tiêm hai mũi là 93,86%; người trên 50 tuổi được tiêm hai mũi là 94,21%. Hiện đã có 599.490 trẻ em từ 12-17 tuổi được tiêm ngừa vắc xin mũi 1.

Theo ghi nhận, khi vắc xin ngừa COVID-19 dần được bao phủ, người dân trên địa bàn TPHCM đang có sự chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch. Điển hình nhất là khoảng cách an toàn không được tuân thủ, những hoạt động kinh doanh tự phát như các chợ tự phát xảy ra nhiều, người bán hàng rong buôn bán trở lại nhưng trong đó có số ít người không đeo khẩu trang, thậm chí dẫn trẻ nhỏ đi cùng…

Về vấn đề này, ông Phạm Đức Hải, Phó Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM, cho biết theo công bố dịch bệnh tại TPHCM hai tuần liên tiếp, số lượng F0 ở TPHCM vẫn còn cao với trên dưới 1.000 ca/ngày đây là số liệu rất đáng lo ngại. Người bệnh phải nhập viện cũng đang tăng nhẹ, vẫn còn F0 nặng, tử vong. Tuy thành phố đang ở cấp độ 2 nhưng nếu đánh giá dựa trên bộ tiêu chí về ca mắc mới, thì TPHCM ở cấp độ 3. 

“Với những con số này, tôi đánh giá dịch bệnh tại TPHCM còn phức tạp, diễn biến khó lường. Trong thời gian qua, vẫn còn nhiều người chưa thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K của Bộ Y tế. Trên thực tế ở các chợ tự phát, đi trên đường, hay tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, công viên… rất nhiều người tụ tập, nhảy múa, vui đùa không giữ khoảng cách, không khẩu trang. Tôi đề nghị người dân thực hiện nghiêm quy định của ngành y tế. Trường hợp không tuân thủ, UBND phường, xã, thị trấn phải xử phạt theo quy định”, ông Phạm Đức Hải nói.

Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết, thành phố đang đẩy nhanh việc tiêm phủ vắc xin ngừa COVID-19, tuy nhiên dù tiêm đủ hai mũi vắc xin người được tiêm vẫn có thể bị lây nhiễm, nguy cơ tiến triển nặng vẫn có dù rất thấp. “Vì vậy để TPHCM tiếp tục trong trạng thái “bình thường mới” được an toàn ở cấp độ 2, mong người dân tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là tuân thủ 5K. Nếu mỗi người chúng ta lơ là, chủ quan, không tuân thủ về quy tắc phòng, chống dịch thì không kiểm soát tốt dịch bệnh. Lúc này, số ca mắc mới sẽ tiếp tục gia tăng. Đặc biệt, khi thành phố gỡ giãn cách xã hội, việc tiếp xúc tăng nhiều hơn, F0 mắc mới cũng có thể tăng lên”, ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu lưu ý thêm.

Phạm An

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI