Cuộc chiến trên bàn phím

28/02/2022 - 06:03

PNO - Thời của mạng xã hội, hầu như ai trong chúng ta cũng phải ngập ngụa giữa một biển thông tin xô bồ đúng sai, thật giả lẫn lộn. Nếu không làm “người tiêu dùng tin tức” thông minh, rất dễ bị dẫn dắt sai đường.

Khi thế giới xuất hiện những sự kiện gây hoang mang, lo sợ như dịch bệnh hay chiến tranh, cộng đồng xã hội lại bị “hấp thụ” rất nhanh với những tin đồn. Nỗi sợ - một bản năng sinh tồn khi có những vấn đề liên quan đến sức khỏe, tính mạng - như một thứ vũ khí tấn công vào môi trường truyền thông. Mà môi trường truyền thông liên cá nhân ngày nay được mở rộng biên độ, cường độ, tốc độ nhờ internet. 

Hơn hai năm qua, cùng với nỗ lực chống đại dịch COVID-19, nhân loại khắp nơi trên thế giới còn phải căng mình chống lại một thứ dịch bệnh khác cũng nguy hiểm không kém: tin giả, tin độc hại, tin xuyên tạc. Ở Việt Nam, tin giả liên quan đến đại dịch thời gian qua hầu như không dẹp bỏ hoàn toàn được dù đã bị cơ quan chức năng xử phạt liên tục với hàng ngàn trường hợp…

Tin giả ngày càng tinh vi, chuyên nghiệp. Đó có thể là các đoạn video ghi thật chứ không hề dàn dựng, chỉ có điều nó bị gán sai địa chỉ, thời điểm. Đó có thể là những tấm hình bị photoshop cực kỳ tinh xảo. Đó có thể là các infographics, ảnh chụp màn hình các “nguồn” tin có “số má”… Sản phẩm tin giả ẩn nấp kín đáo dưới vỏ bọc tin thật nên rất nhanh chóng đánh gục “con mồi”.

Mấy ngày gần đây, sự kiện xung đột Nga - Ukraine kéo theo mối quan tâm lớn của cư dân mạng Việt Nam. Những cuộc tranh luận nhanh chóng thành tranh cãi, với sự “chia phe” để đấu nhau. Và để chứng minh cho quan điểm của mình, người ta cố tình đánh tráo khái niệm hoặc đưa ra những dẫn chứng hư cấu để dẫn dắt cảm xúc của số đông. Như chuyện 13 người lính biên phòng Ukraine cùng tử trận vì không đầu hàng khiến bao người cảm phục nhưng sự thật lại không phải như vậy. Hay cảnh người dân dùng bom xăng đốt cháy xe tăng Nga được lan truyền lại là hình ảnh từ một vụ việc khác đã xảy ra từ nhiều năm trước. Thậm chí, hình ảnh của vợ Tổng thống Ukraine ra trận cũng là sản phẩm cắt chép.

sự kiện xung đột Nga - Ukraine kéo theo mối quan tâm lớn của cư dân mạng Việt Nam
Sự kiện xung đột Nga - Ukraine kéo theo mối quan tâm lớn của cư dân mạng Việt Nam

Điều đáng nói, chỉ vì quan điểm cá nhân, nhiều người đã khai thác các thông tin phù hợp với thiên kiến của mình, bất chấp đó là tin giả hay không. Vì thế, tin giả, tin xuyên tạc có cơ hội nảy nở từ tâm lý đám đông, từ định kiến của những nhóm xã hội trên mạng qua những sự kiện như thế. Khi những người lan truyền tin tức sai sự thật, chưa kiểm chứng ấy lại là người có uy tín trong xã hội, thì rất nhiều người khác mặc nhiên tin theo và tiếp tục chia sẻ. 

Tin giả nhờ đó có cơ hội phát tán nhanh. Và đôi lúc, báo chí chính thống cũng có thể bị mắc bẫy vì tin giả của cộng đồng mạng. Như cách nay gần bốn năm, vào rạng sáng 14/4/2018, liên quân Mỹ - Pháp và Anh phối hợp tấn công các mục tiêu được cho là cơ sở vũ khí hóa học của chính quyền Syria ở Damascus và Homs. Hành động này được cho là phản ứng trước cáo buộc chính quyền Syria tấn công hóa học vào dân thường trước đó một tuần ở TP.Douma, ngoại ô Damascus khiến khoảng 70 người chết (dù Syria và Nga đã bác bỏ mọi cáo buộc về cuộc tấn công này). 

Áp lực thông tin về hậu quả của đợt không kích khiến nhiều cơ quan báo chí uy tín rơi vào bẫy tin giả. Các đoạn video xuất phát từ Twitter, Instagram từ cuộc tấn công ở Yemen trước đó khá lâu được những người tạo tin giả “đóng vai” dân vùng chiến sự đưa lên mạng. Báo chí chính thống - trong đó có nhiều báo ở Việt Nam - không có cơ hội thẩm định nên đã bị “việt vị”. 

Tin giả, tin xuyên tạc gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội, ai trong chúng ta cũng có thể “phơi nhiễm”. Do đó, mỗi người phải tập cho mình trở thành “người tiêu dùng tin tức” thông minh. Nếu ăn uống hằng ngày cần biết chọn lựa thực phẩm an toàn cho cơ thể thì trong môi trường truyền thông, chúng ta vừa phải biết cách thẩm định các món ăn tinh thần, vừa có trách nhiệm góp phần lan tỏa những giá trị nhân văn, kiên quyết đấu tranh với thông tin xấu và không chia sẻ bất kỳ thông tin nào chưa tin cậy.

Chia sẻ thông tin trên mạng là hành vi phải được cân nhắc hết sức cẩn thận. Nếu không chúng ta dễ rơi vào cái bẫy “giăng sẵn” từ những “cuộc chiến bàn phím”. Song, phía sau những cuộc tranh cãi tưởng chừng như vô hại này, có không ít kẻ xấu đã lợi dụng tâm lý xã hội để tung tin giả nhằm đạt được mục đích xấu, khó lường. 

Phan Văn Tú

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI