Thế nhưng, thay vì rút ra khỏi hạng mục đấu giá như đã từng làm với một bức được cho là của Đặng Xuân Hòa ở các phiên trước, lần này, Chọn quyết đương đầu đến cùng, với mong muốn thật giả gì cũng phải minh bạch.
|
Không dễ để phân biệt đâu là bức Phố cũ giả, đâu là bức thật
|
Chiều 28/7, trên facebook cá nhân và của cả nhà đấu giá Chọn, ông Vũ Tuấn Anh (Giám đốc Công ty CP đấu giá Chọn Auction House) viết: “Nhà đấu giá nghệ thuật Chọn đang xem xét khả năng khởi kiện ông Bùi Thanh Phương (con trai danh họa Bùi Xuân Phái) liên quan đến phát ngôn của ông với báo chí rằng bức tranh Phố cũ - tác giả Bùi Xuân Phái - tại phiên đấu giá số 5 của nhà đấu giá nghệ thuật Chọn ngày 30/7 sắp tới là giả. Nếu ông Phương không có những bằng chứng xác thực để chứng minh, Chọn sẽ khởi kiện ông theo luật pháp”.
Tại sao gọi phát ngôn này là một ngả rẽ bất ngờ trong cuộc chiến tranh giả tại Việt Nam? Lâu nay, do không có trung tâm thẩm định nội địa, việc thẩm định tranh đôi khi phải phụ thuộc vào con cháu, thân nhân của những họa sĩ đã qua đời. Đây là một kênh đáng tham khảo, nếu người thẩm định có đủ chuyên môn và uy tín.
Thế nhưng, không chỉ bị cộng đồng mua bán râm ran chuyện tự làm tranh giả hoặc tiếp tay làm tranh giả; ngay cả giới báo chí cũng không dưới một lần chỉ ra việc ông Bùi Thanh Phương liên quan đến tranh giả, với bằng chứng rõ ràng. Chính vì vậy, những phát ngôn của Bùi Thanh Phương ít có trọng lượng với giới làm nghề hoặc mua bán; nhưng với báo giới vốn luôn khát những chuyện ồn ào, lại có khá nhiều sức hút.
Chưa ai có đủ thẩm quyền để khẳng định bức Phố cũ mà Chọn đưa ra đấu giá tối 30/7 là giả hay thật; nhưng suốt hơn 10 ngày qua, lời nói của ông Bùi Thanh Phương - mà đây không phải lần đầu - đã gây náo động cộng đồng báo chí, mạng xã hội.
Trong khi đó, theo ông Trần Quốc Hùng, đại diện nhà đấu giá Chọn, ông Phương chưa từng đến xem trực tiếp bức tranh này. “Thực tế, trước khi tổ chức cuộc đấu giá này, chúng tôi đã mời họa sĩ Bùi Thanh Phương đến tham dự và làm thành viên trong hội đồng thẩm định. Tuy nhiên, anh Phương đã từ chối” - ông Hùng nói.
Dù chưa đến xem trực tiếp, nhưng ông Phương vẫn tỏ ra khá tự tin khi cho là với những người am hiểu hội họa và phong cách của từng họa sĩ, thì khi đứng trước một bức họa, chỉ cần "nửa giây" thôi là nhận biết được ngay đó là thật hay giả (Ý nói bức tranh của Chọn là giả - NV).
Trên thế giới, ở những nước phát triển, với đội ngũ chuyên gia uy tín và máy móc hiện đại, việc thẩm định một bức tranh là giả hoặc thật vẫn tốn khá nhiều thời gian, công sức. Nhiều trường hợp phải “bó tay”, hoặc đưa ra kết quả 50/50, do thật giả quá tinh vi. Biết vậy, nhưng Chọn vẫn muốn đưa Phố cũ đến Nhật Bản để xét nghiệm tuổi bằng đồng vị phóng xạ.
|
Không gian tranh tại Chọn |
Nếu việc này xảy ra, và kết quả của xét nghiệm cacbon-14 gần sát thời điểm mà bức Phố cũ ra đời, những khẳng định cảm tính rằng bức này giả là thiếu cơ sở, thậm chí là vu khống. Trước đây tại TP.HCM, một bức tranh Bùi Xuân Phái được bán từ thiện cũng bị ông Bùi Thanh Phương xem qua mạng và khẳng định là tranh giả tác phẩm của cha mình.
Chủ nhân mới của bức tranh này cũng đang xem xét việc đưa tác phẩm đi xét nghiệm cacbon-14. Hiện nay, sai số của phương pháp này tương đối nhỏ, chi phí khá thấp; nên nhiều người đang dựa vào để tìm hiểu tuổi thật của những món đồ cổ, tác phẩm nghệ thuật nhằm minh bạch giá trị của chúng.
“Thay vì quay lưng trốn chạy bão tố, chúng tôi đi vào tâm bão với một niềm tin rằng có thể tìm ra câu trả lời cho những nghi vấn, tranh cãi. Điều đó có xứng đáng được tôn trọng?” nhà đấu giá Chọn tự hỏi. Trong khi đó, nhà sưu tập trẻ Phùng Quang Việt - người đã chi 12.500 USD để mua bức Phố cũ tối 30/7 cho biết: “Nghi vấn tranh giả không thể làm lung lay sở thích và niềm tin của tôi”.
Có ít nhất 5
Ngoài bức Phố cũ đang lùm xùm tại Chọn, tại nhà Sotheby’s ở Singapore ngày 22/10/2006 cũng từng bán một bức Phố cũ. Rồi tại phiên đấu giá ngày 25/5/2014 của nhà Christie’s ở Hong Kong, một bức Phố cũ khác đã được bán. Theo giới thạo tin, hiện có một Phố cũ khác nữa nằm trong bộ sưu tập của Trần Hậu Tuấn tại TP.HCM và một bức thuộc sưu tập của cựu tùy viên văn hóa người Hàn Quốc. Các bức tranh có bố cục khá giống nhau, nhưng kích thước và màu sắc khác nhau.
“Chúng tôi không cố chứng minh bức tranh mình đấu là giả hoặc thật, mà muốn minh bạch hóa vấn đề - giả cho ra giả, thật cho ra thật. Chúng tôi biết việc xét nghiệm cacbon-14 chưa hẳn là cách đúng nhất, nhưng ít ra cũng là phương pháp khoa học khả tín để góp vào hồ sơ pháp lý cho bức tranh, và cho cả tòa án, khi cần”.
Ông Vũ Tuấn Anh (Giám đốc Chọn Auction House)
|
Như Hà