'Cuộc chiến sinh tử' dưới lòng đất Sài Gòn

17/10/2018 - 06:28

PNO - Trong đường cống thoát nước lại có vô số đường ống nước cắt qua, nhiều nơi còn có cáp điện chạy luồn bên trong… Tại TP.HCM, đang xảy ra xung đột giữa các công trình ngầm được ví như mạng nhện dưới lòng đất.

Một chiều mưa lớn, khi xử lý cây bị ngã ở đường Lê Lai, Q.1, TP.HCM, công nhân Công ty Công viên cây xanh TP.HCM phát hiện ngay dưới gốc cây, có một đường ống cấp nước. Sự việc xảy ra từ cuối tháng 7/2018 nhưng đến nay, vẫn chưa có đơn vị nào trả lời vì sao đường ống cấp nước lại có thể chui dưới gốc cây. Những chuyện kiểu như vậy về hiện trạng công trình ngầm ở TP.HCM không phải là cá biệt.

'Cuoc chien sinh tu' duoi long dat Sai Gon
Các điểm giao cắt giữa các công trình ngầm chẳng khác gì mạng nhện dưới lòng đất - Ảnh: H.N.X.

Nguy cơ chết người do rò điện

Nhiều công nhân của Công ty Thoát nước đô thị TP.HCM nói nửa đùa nửa thật rằng, ai muốn làm nghề này, ngoài khả năng chịu đựng mùi hôi thối, còn phải có máu liều một chút. Hỏi vì sao, họ giải thích rằng, trong đường cống có quá nhiều mối nguy hiểm, ai nhát gan sẽ không dám chui vào. “Nguy hiểm không chỉ vì có thể ngạt khí độc, đạp phải kim tiêm mà còn có thể bị điện giật chết” - một công nhân từng chứng kiến vụ rò rỉ điện trong đường cống thoát nước tiết lộ.

Theo xác minh của chúng tôi, trong một số tuyến cống thoát nước ở TP.HCM, từng xảy ra tình trạng rò rỉ điện. Nguy hiểm nhất là vụ rò rỉ điện xảy ra ở cống thoát nước trên đường Ngô Tất Tố, Q.Bình Thạnh khiến công nhân có dấu hiệu bị giật tê khi chui vào cống. May là do mức độ rò rỉ thấp nên không có ai thương vong. Vụ việc này xảy ra từ mấy năm trước nhưng đến giờ vẫn khiến những công nhân từng nạo vét cống ở khu vực này lo ngại. “Đang chui dưới cống mà bị điện giật thì không có cách gì ứng cứu được” - một công nhân bày tỏ.

Theo một số công nhân nạo vét cống ở lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, mới đây, vào đầu tháng 10/2018, khi mở nắp cống ở đường Cộng Hòa, Q.Tân Bình, họ cũng phát hiện trong hố ga có nhiều ống cáp điện màu đỏ cắt ngang. Công nhân đã trình báo vụ việc với lãnh đạo công ty để phối hợp xử lý”. Cùng thời điểm trên, công nhân thoát nước cũng phát hiện trong ống cống ở đường Huỳnh Văn Bánh, Q.Phú Nhuận, có một số ống dây cáp màu vàng cắt ngang qua hố ga, hiện chưa xác định được cáp gì.

'Cuoc chien sinh tu' duoi long dat Sai Gon
 

Dù tình trạng giao cắt giữa cáp điện và cống thoát nước tiềm ẩn nhiều rủi ro, có nguy cơ gây chết người nhưng theo số liệu tổng hợp do Công ty Thoát nước TP.HCM thực hiện, tính đến tháng 8/2018, tại TP.HCM, vẫn còn hàng chục vị trí xảy ra “xung đột” giữa các công trình này. “Có chỗ, ngay trong hố ga thoát nước, không hiểu sao lại có một bó cáp gần cả chục dây điện chạy luồn qua. Có chỗ, trong đường cống sâu, cũng có mấy sợi dây cáp điện chui vào” - một công nhân thoát nước kể.

Một trong những khu vực có nhiều điểm giao cắt giữa công trình cấp nước và cáp điện là Tỉnh lộ 10, Q.Bình Tân. Theo khảo sát của Công ty Thoát nước đô thị TP.HCM, hiện khu vực này còn gần chục trường hợp cáp điện cắt ngang trong cống thoát nước hoặc luồn trong lòng cống. “Những điểm giao cắt này gây mất an toàn và cản trở thoát nước. Tuy nhiên, do việc xác minh các đơn vị liên đới trách nhiệm rất khó khăn nên xử lý kéo dài. Có nhiều điểm, đã phát hiện dây cáp điện trong cống từ năm 2016 nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý” - một kỹ sư của Công ty Thoát nước đô thị TP.HCM cho hay.

Ống cấp nước sạch chui trong cống nước dơ

Theo tài liệu chúng tôi thu thập được, từ năm 2016, tại TP.HCM, đơn vị phụ trách thoát nước đã ghi nhận có tổng cộng hơn 135 vị trí xảy ra tình trạng giao cắt giữa các công trình ngầm với đường cống thoát nước. Đến nay, vẫn còn hơn 60 điểm chưa được xử lý do hiện trạng công trình quá phức tạp. Tại điểm giao cắt ở đường Âu Cơ thuộc địa bàn cấp nước của Công ty Cấp nước Tân Hòa, trong đường cống thoát nước lại cùng lúc có đường cáp điện và ống nước cắt ngang. 

'Cuoc chien sinh tu' duoi long dat Sai Gon
Các điểm cắt giữa cáp điện với cống thoát nước Ảnh: H.N.X.

Trong hiện trạng xung đột giữa các công trình ngầm ở TP.HCM, tình trạng giao cắt phổ biến nhất là giữa công trình cấp nước và thoát nước. Việc này không chỉ gây cản trở thoát nước, gây khó khăn cho công tác duy tu nạo vét cống mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây ra những vụ lún sụt khó lường. Đối với hiện trạng ống cấp nước chui trong những tuyến cống thoát nước thải dơ bẩn, hiện chưa có cảnh báo nào về nguy cơ nước thải bẩn thẩm thấu vào ống cấp nước, nhưng theo những người am hiểu về lĩnh vực, trong trường hợp xảy ra đứt gãy do lún sụt, có thể dẫn đến sự xâm nhập giữa hai nguồn nước này.

Vì sao ống cấp nước lại “chui” đầy trong cống thoát nước? Một kỹ sư của Công ty Thoát nước đô thị TP.HCM giải thích, nguyên nhân là do tình trạng thi công ngầm không đảm bảo. Tuy nhiên, việc truy trách nhiệm rất khó khăn, vì có những công trình ngầm không xác định được chủ sở hữu. Theo vị kỹ sư này, do cống thoát nước thường có tiết diện to hơn nên không thể xảy ra tình trạng thi công lắp cống thoát nước xuyên qua công trình ngầm nhỏ mà chủ yếu là các công trình nhỏ hơn được đào xuyên qua cống thoát nước. “Về nguyên tắc xử lý, khi phát hiện các điểm giao cắt, các công trình khác phải di dời ra khỏi cống thoát nước” - vị này cho biết thêm.

“Mê trận ngầm” gây nhiều thiệt hại

Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM, nhiều chuyên gia xây dựng ở TP.HCM nhận định, tình trạng xung đột giữa các công trình ngầm có thể sẽ gia tăng do trong thời gian tới, TP.HCM sẽ triển khai rất nhiều công trình lớn, diện tích thi công ngầm sẽ tăng lên rất nhiều. “Do thành phố hiện chưa có bản đồ công trình ngầm nên chỉ tính riêng lĩnh vực ngầm hóa lưới điện, chắc chắn khi thi công sẽ không tranh khỏi những vụ giao, cắt” - một chuyên gia phân tích.

'Cuoc chien sinh tu' duoi long dat Sai Gon
 

Một trong những công trình ngầm quan trọng chậm triển khai do liên quan đến công tác quy hoạch không gian ngầm của TP.HCM là dự án xây bãi đậu xe ngầm của Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương. Ban đầu, dự án dự kiến xây dựng ở khu vực Công trường Lam Sơn, Q.1 nhưng do vướng vị trí ga tàu điện ngầm của tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên nên phải dời sang vị trí sân khấu Trống Đồng. Tuy nhiên, khi thiết kế xây bãi đậu xe ngầm ở đây, công trình lại tiếp tục vướng hành lang an toàn của tuyến metro số 2.

Đại diện Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng kỹ thuật VMCtech - đơn vị đang thi công bằng công nghệ khoan ngầm kéo ống của Mỹ - cho biết, việc thi công hiện nay gặp rất nhiều khó khăn do công tác cập nhật, cung cấp thông tin về các công trình ngầm còn rất chậm. “Các công trình ngầm ở TP.HCM được thi công qua nhiều thời kỳ (trước và sau 1975) nên hồ sơ thông tin về công trình ngầm phần lớn bị thất lạc. Việc thi công công trình ngầm suốt một thời gian dài không được quy hoạch, quản lý một cách khoa học nên mạnh ai nấy làm, không có quy hoạch hướng tuyến, vị trí, tọa độ, cao độ, thi công không đảm bảo kỹ thuật… gây ra thực trạng như một mạng nhện ngầm dưới đất” - đại diện Công ty VMCtech nhận định.

Theo các đơn vị thi công công trình ngầm, do không có quy hoạch và thông tin đầy đủ nên việc thi công công trình ngầm thời gian qua thường xảy ra va chạm, xung đột với công trình ngầm cũ. Việc này gây tốn kém chi phí xử lý, gây kẹt xe do phải kéo dài thời gian thi công và có thể gây hậu quả nghiêm trọng như hư hỏng tài sản, xe máy và tính mạng con người. 

Cần sớm có quy hoạch không gian ngầm

Trước hiện trạng công trình ngầm như mê trận, trao đổi với chúng tôi, nhiều đơn vị liên quan đến thi công ngầm đề xuất UBND TP.HCM sớm có quy định chi tiết về hướng tuyến, cao độ cho từng loại công trình ngầm cũng như có bản quy hoạch về không gian ngầm cụ thể, đồng thời cần có các đầu mối quản lý việc cấp phép, tổ chức thi công các công trình ngầm…

Hiện UBND TP.HCM đang xem xét, lựa chọn đơn vị tư vấn quy hoạch quốc tế để thực hiện công tác quy hoạch không gian ngầm cho TP.HCM. Trong một số cuộc họp gần đây, liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo UBND TP.HCM nhìn nhận hiện trạng không gian ngầm của thành phố còn quá ngổn ngang. 

Trung Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI