Một cuộc chiến mà ở đó, khi phát hiện sách giả, người làm sách không còn hơi sức để kêu cứu, chỉ biết tìm cách nâng cao chất lượng bản in và chia sẻ thông tin với độc giả, nhằm tăng tính nhận diện cho các đầu sách mà thôi.
Sách giả đắt hơn sách thật
Đầu tháng 1/2020, tại page Ngôi nhà tri thức ở Hà Nội xuất hiện lời rao bộ năm quyển của tác giả Mario Puzo (có cả tác phẩm Bố già) với giá “sale kịch sàn” 50% là 499.000 đồng (giá bìa là 1.192.000 đồng). Khi người viết inbox hỏi tại sao có mức giảm sâu như vậy, page này cho biết do phía nhà xuất bản (NXB) thanh lý kho cuối năm, kèm cam kết “sách mới 100%, hàng xuất dư, tái bản năm 2015”.
Chủ page còn cho biết, sách được in theo chuẩn của NXB Phương Đông. Điều đáng nói, đây là bộ sách ăn khách do Đông A ấn hành và đã được tái bản nhiều lần. Giá bìa của bộ sách chỉ có 610.000 đồng. Trong trường hợp khách mua tại Đông A hoặc các đơn vị phân phối chính thức như Tiki, Shopee, giá của bộ sách có thể giảm từ 20-25%, tức là khoảng 488.000 đồng trở xuống, thấp hơn so với mức đã giảm của page Ngôi nhà tri thức.
Cũng tại page này, bộ sách Harry Potter do NXB Trẻ ấn hành gồm bảy quyển cũng được đưa ra bán giảm giá sâu từ 1.180.000 đồng còn 485.000 đồng. Đơn vị này cam kết đây là bản in năm 2017. Tuy nhiên, hình bìa lại không giống bất cứ với bản bìa nào mà NXB Trẻ đã in. Mặt khác, kể từ năm 2017, để kỷ niệm 20 năm bộ sách nhận được sự yêu mến của độc giả, NXB Trẻ đã ấn hành bản bìa mới lưu hành cho đến hiện tại. Khi sưu tập trọn bảy quyển truyện, độc giả sẽ ghép được hình của lâu đài phép thuật Hogwarts.
|
Nhà xuất bản Trẻ trong nỗ lực kêu gọi độc giả ủng hộ sách thật và đưa ra chỉ dấu nhận diện sách thật |
Cuối năm 2019, một số page khác tự xưng là kho của NXB Trẻ cũng rao bán nhiều ấn phẩm ăn khách của đơn vị này như Harry Potter, sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, sách của tác giả Tony buổi sáng, nhà văn Stephen King… Trên fanpage chính thức, NXB Trẻ đã lên tiếng cảnh báo độc giả, cũng như chỉ ra các trang page của NXB và hướng dẫn độc giả cách phân biệt sách thật sách giả.
Việc các ấn phẩm ăn khách bị đem ra làm giả đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện” mà các đơn vị làm sách phải chấp nhận đối mặt trong nhiều năm qua. NXB Kim Đồng bị làm giả các tập truyện Doraemon, Conan… First News thì có 686 đầu sách bị in lậu, vi phạm bản quyền dưới mọi hình thức. Trong đó, nổi bật nhất là bộ Hạt giống tâm hồn, Đắc nhân tâm, Quẳng gánh lo đi, Không bao giờ là thất bại - tất cả là thử thách, Hành trình về phương Đông, Nghĩ giàu làm giàu, Dám nghĩ lớn, Bảy thói quen cho bạn trẻ thành đạt...
Sách giả tràn từ đời sống thực lên online, vào các fanpage cho đến các sàn thương mại điện tử với mức độ tinh vi và quy mô hơn. Một trong những cách hiệu quả nhất để sách giả cạnh tranh với sách thật là nâng giá bìa rồi giảm giá sâu nhằm đánh vào tâm lý bạn đọc.
Sự bất lực của các đơn vị làm sách
Lên tiếng, hướng dẫn độc giả phân biệt sách thật, sách giả trên fanpage, website chính thức, kêu gọi độc giả mua sách ở những nơi uy tín, đáng tin cậy là điểm chung mà các đơn vị xuất bản thường làm mỗi khi vấp phải vấn đề sách giả, sách lậu. Sự chủ động này bắt nguồn từ việc sách giả, sách lậu là vấn đề không còn mới trong ngành xuất bản, và cho đến nay, vẫn chưa có chế tài hợp lý. “Hành vi vi phạm bản quyền, làm sách giả là vi phạm pháp luật, nhưng các cơ quan văn hóa vẫn chưa xem đây là mặt hàng lưu thông bình thường như thực phẩm, mỹ phẩm làm giả, làm dối. Bởi thị trường sách quá nhỏ hẹp và ít tác động ngay đến người tiêu dùng. Thành ra, các đơn vị làm sách phải tự cứu mình, kêu gọi độc giả tỉnh táo, đứng về phía mình” - anh Tâm, đại diện một đơn vị làm sách chia sẻ.
Câu chuyện First News bắt quả tang công ty Huy Thi in lậu sách của đơn vị này cùng nhiều đơn vị khác cách đây mười năm, nhưng lại bị tòa án xử thua, là cú ngã đau đớn mà những người làm sách vẫn còn nhắc lại. Một sự thật đau lòng khác được chính người làm trong ngành sách chia sẻ, với những đầu sách có giá trị nhỏ về mặt thương mại, họ thường chọn cách xử lý kín và nâng cao chất lượng bản in, nâng cao tính nhận diện của sản phẩm với độc giả, thay vì công bố hoặc khởi kiện, vì sự việc chẳng đi đến đâu.
Với các sàn thương mại điện tử, để giảm thiểu việc sách giả bày bán online tràn lan, NXB, đơn vị làm sách thường bắt tay với đơn vị kinh doanh sàn thương mại. Tuy nhiên, với các sàn thương mại chỉ là cầu nối trung gian giữa người bán và người mua, thì việc kiểm soát chất lượng, nguồn gốc ấn phẩm chỉ là bề nổi, dừng lại ở phần kiến nghị, hiện chưa có giải pháp hiệu quả. Một số đơn vị như NXB Trẻ từ năm 2013 đã tiến hành quét mã QR giúp bạn đọc tìm hiểu thêm thông tin về cuốn sách. Hai năm sau đó, đơn vị này triển khai tem thông minh - mỗi cuốn sách sẽ có một dãy số để NXB quản lý sản phẩm. Trong tương lai, Đông A dự kiến sẽ triển khai theo hướng này. Tuy vậy, theo những người làm sách lâu năm, ngay cả sách giả, nếu muốn họ vẫn có thể làm được tem để lừa người tiêu dùng.
Hội nghị chỉ dừng ở kiến nghị, kêu gọi?
Vấn đề sách lậu, sách giả được đem ra bàn bạc trong rất nhiều hội thảo, hội nghị, điển hình là hội thảo Chống xuất bản phẩm lậu nhằm góp phần nâng cao nhận thức xã hội về vấn đề chống vi phạm bản quyền đối với xuất bản phẩm do NXB Giáo dục Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Anh tại Việt Nam tổ chức, hay hội nghị do Cục Xuất bản phối hợp với các ban ngành bàn chuyện chống sách lậu. Tuy nhiên, tất cả đều dừng lại ở mức kêu gọi các bên phối hợp thực hiện đồng bộ, nhằm nâng cao nhận thức về vấn đề phòng chống in lậu xuất bản phẩm và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực xuất bản, mà chưa có chế tài hay xử phạt hợp lý.
|
Lê Phan