Cuộc chiến sách giả - cần bạn đọc là "người phán xử"

09/03/2020 - 14:26

PNO - Tiêu thụ hay tiếp tay tiêu thụ, mua sách giả, sách in lậu ở Việt Nam là vô đạo đức và góp phần giết chết sự phát triển tri thức của dân tộc

Đầu tháng Ba, lần đầu tiên, các đơn vị xuất bản tại TP.HCM đồng loạt chia sẻ danh sách 33 trang Facebook được cho là bán sách giả trên mạng xã hội.

“Tiêu thụ hay tiếp tay tiêu thụ, mua sách giả, sách in lậu ở Việt Nam là vô đạo đức và góp phần giết chết sự phát triển tri thức của dân tộc” - ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc Công ty TNHH Văn hóa Sáng tạo First News - Trí Việt lên tiếng. 

Report thôi đã đủ

“Chúng tôi đã kiên trì thâm nhập, đặt sách nhiều lần ở các trang này suốt sáu tháng qua và nhận được toàn sách giả, sách kém chất lượng. Chúng giao hàng sách giả ngày đêm, kể cả thứ Bảy, Chủ nhật và ngày lễ với số lượng rất lớn, vì lợi nhuận rất nhiều. Bên cạnh các cửa hàng trên Lazada, đây chính là các vệ tinh chân rết, vòi bạch tuộc của các trùm in lậu ở Hà Nội và các tỉnh thành” - ông Phước bức xúc trên trang cá nhân. 

Một vài trang được công bố đích danh (hầu hết là các trang bán sách trên mạng xã hội): Hiệu sách tiếng Hàn, Quán sách 1996, Sách hay giá rẻ, Nhà sách Tuổi Trẻ Books, Sách hay mỗi ngày, Sách cũ Sài thành, Tủ sách Tinh hoa, Kho sách Tri thức Trẻ… Trong đó, có những page lấy tên là Xưởng in Nhà xuất bản Trẻ, Tổng kho xuất khẩu sách, Tổng kho sỉ lẻ sách Hà Nội…

First News đấu tranh với sách giả nhiều năm qua. Trong ảnh là một số tựa sách của đơn vị bị làm giả - ảnh: First News
First News đấu tranh với sách giả nhiều năm qua. Trong ảnh là một số tựa sách của đơn vị bị làm giả - ảnh: First News
 

Ông Nguyễn Thành Nam, Phó Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ khẳng định: “Nhà xuất bản Trẻ không có những trang bán sách theo kiểu tổng kho, xưởng in, xả hàng”. Các trang bán sách giả dùng thuật toán chạy quảng cáo trên Facebook. Sách của Alpha Books, First News được “giảm giá sâu” đến 50-60%.

“Rất nhiều sách nổi tiếng của First News, Alpha Books bị nhiều nhóm làm giả cùng một cuốn cạnh tranh giá với nhau, bất kể nhà làm sách khốn đốn. Đặc biệt có những cuốn dành góp tiền từ thiện mổ tim cho trẻ em nghèo như cuốn Hiểu về trái tim của Thiền sư Minh Niệm, cũng bị đến bốn nhóm làm giả phát hành từ Hà Nội” - ông Phước cho biết. 

“Người tiêu dùng ham rẻ là điểm mấu chốt đầu tiên để bị lừa mua sách giả. Nhưng thật ra nhiều trường hợp chưa chắc là rẻ, đó là khi chúng khống giá, sau đó nói giảm 50-70% chẳng hạn” - anh Trần Lâm, đại diện website bán sách Sachchon.com nói.

Report được tặng sách

First News và Alpha Books dành tặng hai tựa sách Sức mạnh của sự tử tế (Jack Canfield) và Để làm nên sự nghiệp (H.N.Casson) cho các bạn đọc tham gia report trang Facebook bán sách giả. 

“Mong các bạn đọc cùng chung sức tố cáo, report các trang bán sách trái pháp luật vô lương tâm này, và chia sẻ để mọi người, học sinh sinh viên không bị mắc lừa bởi các thủ đoạn giảm giá cao. Các bạn hãy tìm mua sách thật” - ông Nguyễn Văn Phước.

Anh cũng đưa ra nhiều thông tin giúp bạn đọc nhận diện trang mạng bán sách giả: đa phần không có website, không có nội dung, chỉ đăng bài bán sách và chạy quảng cáo bán sách giá rẻ; khi được hỏi phải sách thật không thì chỉ nói là sách “chuẩn”, né từ “thật”, địa điểm thường không xác định cụ thể.

“Nếu để ý các bạn sẽ thấy, chủ yếu các shop đó đều từ Hà Nội. Nếu khách hỏi thì nói là sách tồn kho nên giảm giá. Họ hay lấy chiêu giảm giá sâu để câu khách, không chỉ trên page, mà còn trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT)” - anh Trần Lâm nói thêm. 

Các chỉ dấu nhận diện sách giả - sách thật trước đây gần như vô hiệu hóa bởi sự tinh vi của các “nhà sách trực tuyến”. Họ sẵn sàng dùng hình chụp sách thật từ các đơn vị sách thật để quảng cáo cho sản phẩm giả. Không phải sách online đều là giả. Nhưng xác suất mua phải sách giả hiện nay là 98%.

Biện pháp tối ưu được các đơn vị làm sách chọn là phát đi lời kêu gọi độc giả mua hàng ở những địa chỉ đáng tin cậy. Đồng thời, thẳng tay chỉ ra những page, sàn TMĐT tiếp tay cho sách giả như cách First News hay Alpha Books đã và đang thực hiện. 

Nhà xuất bản Trẻ trong nỗ lực kêu gọi độc giả ủng hộ sách thật và đưa ra chỉ dấu nhận diện sách thật
Nhà xuất bản Trẻ trong nỗ lực kêu gọi độc giả ủng hộ sách thật và đưa ra chỉ dấu nhận diện sách thật

Động thái công bố danh sách các page bán sách giả trên Facebook này trước mắt là cung cấp thông tin cho bạn đọc, như chia sẻ của ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, Giám đốc Saigon Books: “Việc đánh động này cho độc giả biết rõ các trang bán sách để không bị lừa. Đồng thời cũng hy vọng các cơ quan chức năng vào cuộc để xử lý triệt để vấn nạn sách giả. Phía First News còn kêu gọi bạn đọc thẳng tay report (báo cáo - một tính năng trên Facebook hỗ trợ ngăn chặn thông tin xấu, tiêu cực) các trang bán sách giả. Tuy nhiên, về lâu dài, đây không phải là giải pháp hiệu quả. Ông Phước cho hay, First News đã chuẩn bị các vi bằng để khởi kiện và nhờ đến sự hỗ trợ của pháp luật cũng như phía an ninh mạng với sách giả trên Facebook.

Cần an ninh mạng vào cuộc

Một đại diện nhà xuất bản lo lắng: “Các trang này mà mất, nó tạo mới rất nhanh. Mình report, 33 trang này có thể biến tướng thành nhiều trang khác, ma mãnh hơn”. “Tình trạng lập fanpage bán hàng rất dễ, chạy quảng cáo cũng dễ, thậm chí luồn lách mà không tốn tiền.

Các nhà xuất bản, công ty làm sách rất khó xử lý, nên cần sự mạnh tay của cơ quan an ninh mạng, quản lý thị trường trên mạng. Hoặc là đại diện Cục Xuất bản làm việc với văn phòng Facebook ở Việt Nam” - ông Nguyễn Thành Nam nêu ý kiến. 

Tuy nhiên, một lo lắng khác là khi đơn vị xuất bản gửi đơn đi, trang Facebook bán sách có thể… biến mất, không để lại dấu vết. Mạng xã hội đã tạo ra “cơ chế” bán hàng online linh động, chủ động. Chỉ cần lập page là có thể kinh doanh. Một số trang thậm chí còn sử dụng thủ thuật chặn Facebook khách hàng sau khi bán được sản phẩm. Khi đó, đến cả khách cũng khó có thể phản hồi do inbox bị chặn, số điện thoại người bán không liên lạc được. 

Tuy nhiên, đề xuất làm việc với văn phòng Facebook trong cuộc chiến chống sách giả là một ý hay. Ông Lê Hoàng, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Giám đốc Công ty TNHH Đường Sách TP.HCM cho biết, trước đây, Hội Xuất bản đã từng phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, Phòng An ninh chính trị nội bộ PA03 kiểm tra, xử lý được những trang web kinh doanh sách lậu trong nước, các trang làm ebook vi phạm bản quyền.

Tuy nhiên, việc này cần các nhà xuất bản, đơn vị làm sách bị vi phạm bản quyền, in sách giả sách lậu phải mạnh dạn lên tiếng, cung cấp những chứng cứ vi phạm rõ ràng. “Thực tế qua những cuộc đấu tranh có kết quả, một số trang vi phạm đã ngừng hoạt động.

Như thế, những trang mạng có server đặt tại Việt Nam, chúng ta hoàn toàn có thể đấu tranh được. Chúng tôi cũng kết nối, giới thiệu văn phòng luật Phan Law Vietnam - đơn vị sẵn sàng hỗ trợ về mặt pháp lý, bảo vệ quyền lợi cho các nhà làm sách.

Riêng với tình trạng bán sách giả, sách lậu tràn lan trên Facebook hiện nay, tôi cho rằng có thể có những biện pháp khắc phục, chế tài, hoặc xóa bỏ như ta đã từng làm hiệu quả đối với những trang Facebook xấu. Việc này có thể kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông vào cuộc, vì bộ có thẩm quyền xử lý khi làm việc với Facebook” - ông Hoàng cho biết.

Sách dành tặng bạn đọc tham gia report trang Facebook bán sách giả
Sách dành tặng bạn đọc tham gia report trang Facebook bán sách giả

Cuộc chiến chống sách lậu, sách giả còn kéo dài. Trong khi các nhà làm sách đấu tranh ở phương diện pháp lý, thì cũng cần bạn đọc chung tay làm “người phán xử”. Quyền lựa chọn sách thật, quyền report những trang bán sách giả trên Facebook nằm trong tay bạn đọc. “Hãy chọn sách đúng” cũng là cách bạn đọc trở thành những người phán quyết số phận của đối tượng kinh doanh hàng giả. 

Dù đơn độc vẫn không buông xuôi 

Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại về vấn đề sách giả, sách lậu, đại diện Cục Sở hữu trí tuệ khu vực phía Nam cho biết, theo đúng quy trình khiếu nại và khởi kiện, các đơn vị làm sách cần phải có đơn yêu cầu thanh tra gửi đến các hội chuyên ngành để được hướng dẫn thủ tục.

Chúng tôi đã liên hệ bằng văn bản đến Cục Xuất bản để hỏi thêm về khó khăn trong khâu giải quyết sách giả, sách lậu, nhưng được thoái thác hiện đang rất bận, chưa thể trả lời.

Phía các sàn TMĐT, chúng tôi đã liên hệ với Lazada, một trong những đơn vị mà theo ông Phước hiện bán rất nhiều sách giả, sách lậu của đơn vị này, cũng nhận về phản hồi tương tự. Trước đó, tháng 6/2019, khi vụ việc First News gặp gỡ báo chí và trưng ra bằng chứng sách giả, sách lậu, ông Phước cho biết đã rất nhiều lần gửi văn bản cho đại diện Lazada để tìm giải pháp phù hợp, nhưng không nhận được bất cứ phản hồi nào.

Phía Lazada sau đó lên tiếng rằng chưa hề nhận được yêu cầu nào từ phía First News. Ông Phước khẳng định thông tin bác bỏ của Lazada là không đúng sự thật. Phía Shopee và Sendo hiện cũng đã tiếp nhận yêu cầu, nhưng giữa hai bên chưa thống nhất được thời gian và các điều khoản để cùng ngồi làm việc.

Theo chia sẻ của nhiều người làm sách, việc vi phạm của Lazada, Shopee, Sendo rất khó xử lý, vì đây chỉ là các sàn trung gian tạo ra các chợ và công cụ thanh toán để kết nối người bán - người mua. Ông Nguyễn Thành Nam, Phó giám đốc Nhà xuất bản Trẻ cho biết, các đơn vị làm sách gần như đơn độc và… bế tắc trong cuộc chiến chống lại sách giả online: “Với sách giả trên các sàn TMĐT, đơn vị làm sách làm việc trực tiếp hay không, không quan trọng, bởi đa số sách giả đến từ những hàng online nhỏ lẻ.

Vậy nên, cách chống sách giả tốt nhất là chính các sàn phải trở thành nơi chủ chốt chống sách giả, sách lậu. Khi sàn phát hiện các cửa hàng này có vấn đề, phải ngăn không cho họ kinh doanh trên sàn nữa.

Tuy nhiên, thực tế là rất nhiều lần phát hiện sách của đơn vị mình bị làm giả và bán ngang nhiên trên sàn, chúng tôi liên hệ để phản ánh thì họ đòi hỏi rất nhiều giấy tờ, quy trình phiền phức. Một số sàn đưa ra nhiều quy định khiến đơn vị xuất bản cảm thấy mệt mỏi”.ội dung tiếp theo

Khâu quản lý thị trường, sự can thiệp và bảo vệ của pháp luật đối với người làm sách gần như bỏ ngỏ. Lý giải điều này, ông Phước cho biết: “Khác với những ngành khác như thực phẩm giả, hay mỹ phẩm giả, nếu người tiêu dùng mua và sử dụng sẽ gây tác hại ngay tức thời về sức khỏe, còn nếu mua phải sách giả, cùng lắm họ chỉ nhận về một sản phẩm nhòe mờ”.

Một lý do khác khiến vấn nạn sách giả chưa nhận được sự quan tâm đúng mức là vì thị trường xuất bản của Việt Nam quá nhỏ, đóng góp không đáng kể vào GDP.“Việt Nam có 63 hiệp định thương mại song phương, đa phương và cũng đã gia nhập Công ước Bern…

Tuy nhiên, việc bảo vệ quyền tác giả, nội địa hóa các luật và thực thi của chúng ta không tốt và đang gây rất nhiều tranh cãi. Đây sẽ là một cuộc chiến lâu dài và trường kỳ” - ông Châu Huy Quang - Luật sư điều hành Rajah & Tann LCT Lawyer Việt Nam, đơn vị đồng hành cùng First News trong cuộc chiến sách giả sách lậu, chia sẻ. Tuy nhiên, dù đơn độc, các đơn vị làm sách vẫn không hề buông xuôi trong cuộc chiến này.

 

Lục Diệp - Linh Lan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI