PNO - Với 45 năm trị vì Anh quốc, Elizabeth I đã kiến tạo một thời đại thịnh vượng bậc nhất, đưa đất nước này trở thành một thế lực có sức ảnh hưởng lớn trên toàn cầu.
Vị Nữ vương Đồng trinh này cũng được xem là người phát triển Anh giáo lên tới đỉnh điểm, khi kế thừa quan điểm tôn giáo và nền móng từ Henry VIII – người cha của mình.
Tuổi thơ dữ dội
Tạo hình Nữ vương Elizabeth I trong bộ phim "Elizabeth"(1998)
Elizabeth I (sinh năm 1533) là con gái của vua Henry VIII với người vợ thứ hai Anne Boleyn sau khi ông li dị với Vương hậu Catherine xứ Aragon. Cuộc hôn nhân này đã gây ra nhiều sự tranh cãi giữa nhà vua và Giáo hội La Mã, đồng thời cũng là nguyên nhân dẫn đến quyết định tách Giáo hội Anh và trở thành nền móng đầu tiên cho sự phát triển Anh giáo. Elizabeth trải qua thuở thiếu thời truân chuyên khi bị truất quyền thừa kế ngai vàng lúc mới lên ba tuổi, chứng kiến người mẹ của mình bị xử tử với tội danh loạn luân và phù thủy. Lúc này, công chúa nhỏ phải sống cách xa vua cha của mình cho đến khi được hỗ trợ hàn gắn mối quan hệ từ người mẹ kế cũng là vương hậu thứ sáu của đức vua - Catherine Parr.
Khi người em cùng cha khác mẹ của mình là Edward VI lên ngôi. Elizabeth có mối quan hệ mật thiết với vị vua mới, nàng ủng hộ quan điểm chính trị và tôn giáo của Edward và được an toàn khỏi nhiều sự đấu đá chính trị. Tuy nhiên nàng công chúa cùng cha khác mẹ cũng là chị cả của Elizabeth – Mary, lại không ưng ý điều đó. Mary mang lòng thù hận với Anh giáo do sự tổn thương từ vụ việc li dị của Tiên vương với mẹ mình, bà tôn thờ và luôn nung nấu ý định khôi phục tôn giáo La Mã tại đất nước Anh quốc. Chính thái độ cực đoan tôn giáo của Mary đã khiến cho Edward VI cảm thấy lo sợ và tước ngôi vị của bà.
Quyết định tước bỏ quyền thừa kế ngôi vị của Mary cũng gây ảnh hưởng tiêu cực đến vị thế của Elizabeth trong cuộc chiến vương quyền. Edward VI bắt buộc phải đưa người chị họ Jane Grey lên kế thừa mặc cho việc Elizabeth đã luôn ở bên cạnh ủng hộ đức tin của ông. Đứng trước quyết định của Edward VI, công chúa trẻ không hề cảm thấy bất ngờ. Nàng lặng lẽ giấu mình trước mọi sự biến loạn khi Mary triệu tập binh mã tại London, và không đưa ra bất kỳ động thái nào cho thấy mình thực sự nghiêng về phe phái nào. Ngày 3/8/1553, Elizabeth xuất hiện trở lại với cương vị là em gái cùng cha khác mẹ của Nữ hoàng Anh Mary I, bên cạnh hơn 800 vị quý tộc cử hành lễ rước nữ vương mới vào kinh thành.
Ẩn mình trước quyền lực của Nữ vương
Chân dung Nữ hoàng Anh Mary I
Chặng đường trở thành nữ vương nước Anh của Elizabeth trở nên khó khăn hơn khi mối quan hệ chị em của bà với Mary I ngày càng rạn nứt. Mary I, sau cuộc tấn công vào London, đã trở thành Nữ hoàng Anh vào ngày 6/7/1553. Khi vương miện được đặt lên đầu vị nữ vương cũng là lúc Elizabeth được đặt vào tình thế nguy hiểm chết người: nàng được nuôi dạy với quan điểm đi theo con đường Anh giáo, là người hỗ trợ tích cực bên cạnh tiên đế Edward VI. Và còn hơn thế nữa, Elizabeth giờ đây là nhân vật quan trọng duy nhất còn lại đối với những người ủng hộ Anh giáo.
Ngược lại, Mary I luôn sùng bái đức tin Công giáo La Mã. Bà được nuôi dạy với niềm tin vững vàng và đi ngược những hệ thống về tôn giáo mà Edward VI cùng Elizabeth đã gây dựng trước đó. Ngay cả khi bị đàn áp, bị giam cầm và quản thúc, Elizabeth vẫn tỏ ra vô cùng điềm tĩnh và khôn khéo phục tùng người chị của mình trong khi vẫn trung thành với khát vọng và niềm tin của bản thân. Nàng công chúa nước Anh vẫn ẩn mình sau những sự kiện chính trị.
Lúc này, Elizabeth được đặt trong tình thế tiến thoái lưỡng nan giữa những người ủng hộ Anh giáo và người chị cùng cha khác mẹ đầy quyền lực đang là Nữ hoàng Anh. Một sự kiện trọng đại diễn ra đã thay đổi toàn bộ thế cục, đẩy nàng công chúa trẻ rơi vào tình cảnh suýt bị chém đầu: Một cuộc nổi loạn đã xảy ra tại nước Anh khi Mary I công bố việc mình dự định kết hôn với Felipe – Hoàng tử Tây Ban Nha, người có chung đức tin Công giáo. Động thái này là dấu hiệu mà Mary I muốn chỉ ra cho toàn nước Anh biết rằng bà coi trọng đức tin tới nhường nào.
Cuộc bạo loạn nhanh chóng bị dập tắt. Elizabeth, dù chẳng hề muốn can dự đến cuộc đảo chính, vẫn bị dính líu. Sự nghi ngờ của Nữ hoàng Anh với lòng trung thành của Elizabeth đã khiến nàng bị giam cầm trong tháp London tám tuần sau ngày 18/3/1554. Chính sự kiện này đã khiến Mary I, Nữ hoàng Anh được người đời sau biết đến với cái tên Mary Đẫm Máu.
Để giải thoát bản thân khỏi lưỡi gươm đang kề trước mắt, Elizabeth không còn cách nào khác phải tự chứng minh lòng trung thành của mình đối với Công giáo trước mặt Mary I. Chính những động thái này đã khiến Mary Đẫm Máu thay đổi cách nhìn và cởi bỏ lòng nghi kỵ đối với nàng công chúa trẻ, hai chị em dần hòa giải với nhau dưới sự tác thành của Felipe.
Elizabeth hiểu rõ ý đồ đằng sau thái độ hòa nhã của Filipe – khi mà ông ta nhận định rằng nàng “ít nguy hiểm hơn” so với Nữ vương Scotland Mary Stuart - người đang liên kết chặt chẽ với Pháp, cũng là kẻ thù của Tây Ban Nha. Mà không đời nào Felipe lại muốn nước Anh bị đặt dưới quyền của Mary Stuart. Mặc dầu vậy, Elizabeth vẫn mau mắn nắm lấy cơ hội thoát khỏi vòng lao ngục đó, nàng nắm tay Felipe như kẻ chết đuối chạm vào được phao cứu sinh, nhanh chóng hòa giải với chị gái mình.
Cuộc hôn nhân không hạnh phúc với Felipe đã khiến Mary I rơi vào trầm cảm sau nhiều lần tìm kiếm một đứa trẻ nối dõi nhưng không thành. Ngày 17/11/1558, suy kiệt bởi căn bệnh ung thư, Mary I băng hà. Cái chết của nữ vương đẫm máu đã mở ra con đường bằng phẳng tiến tới ngai vàng với Elizabeth. Với ý muốn và là người thừa kế hợp pháp của vua Henry VIII, nàng đội vương miện trở thành Nữ hoàng Anh Elizabeth I.
Ngày 2/11, các nhà chức trách cho biết tổng cộng 198 người đã thiệt mạng và 111 người khác bị thương, trong các vụ tấn công khủng bố riêng biệt ở Pakistan.