Cuộc chiến ly hôn - đôi bên đều thảm bại

29/08/2022 - 05:30

PNO - Hai năm sau ly thân, chồng chị quen người mới, muốn ly hôn chị để danh chính ngôn thuận đến với cô gái kia. Anh giành căn nhà lớn, hai mảnh đất thì anh chia cho chị mảnh ít giá trị.

 

Chồng có người mới, lập tức quên người cũ (Ảnh minh họa)
Chồng có người mới, lập tức quên lời hứa để tài sản cho con gái (Ảnh minh họa)

Người xưa có câu: "Gian nan thử thách đàn bà, tiền tài thử thách đàn ông". Nhiều người đàn ông khi công thành danh toại đã chọn cách sống hưởng thụ cho... bõ những ngày cực khổ. 

Tôi biết có những đôi vợ chồng có tài sản lớn, vợ chồng không còn tình cảm với nhau, thậm chí một người hoặc cả đôi bên đã có người yêu mới, nhưng họ không chọn ly hôn, bởi việc phân chia tài sản một cách rạch ròi không hề dễ. Không thiếu những cặp vợ chồng chọn cách ly thân cũng để thử xem cả hai còn cơ hội hàn gắn hay không? Có thể vì con cái, vì dính líu tài sản mà quay lại hay không?

Lúc bước ra để sống đời ly thân, thông thường người trong cuộc chỉ cần tự do, cần thoát khỏi những bức bối do va chạm hàng ngày, thoát khỏi sự kiểm soát của đối phương, mọi việc còn lại không quan trọng. Thế nhưng, đến một lúc nào đó, một trong hai có tình cảm với người mới, rắc rối sẽ xuất hiện.

Do mới chỉ ly thân, danh nghĩa vợ chồng vẫn chưa chấm dứt, mọi quyền hạn và nghĩa vụ với nhau vẫn còn đó, khi kẻ thứ ba xuất hiện, việc ly hôn thường không mấy trôi chảy. Người muốn giành tài sản, người giành quyền nuôi con, người trở mặt không chịu ly hôn... Họ thành kẻ thù của nhau, gây rắc rối để người kia không thể toại nguyện đến với tình mới...

Tôi từng chứng kiến cuộc ly hôn "lên bờ xuống ruộng" của chị đồng nghiệp. Hồi ly thân với chồng, chị dọn sang căn nhà khác. Chị nghĩ chỉ cần rời khỏi căn nhà đó, hai mẹ con chị thoát khỏi những cơn say rượu, cách cư xử coi thường vợ con của người chồng.

Căn nhà chồng chị đang ở giá trị lớn hơn, nhưng chị không tính toán. Họ ly thân trong êm đẹp sau khi thỏa thuận tất cả tài sản sau này sẽ để lại cho cô con gái duy nhất. Khi không còn mâu thuẫn với nhau, quan hệ giữa chị và chồng nhẹ nhõm hơn nhiều. 

Hai năm sau, chồng chị quen người mới, muốn ly hôn chị để danh chính ngôn thuận đến với cô gái trẻ. Anh giành căn nhà lớn, hai mảnh đất thì anh chia cho chị mảnh ít giá trị hơn, với lý do anh đóng góp vào khối tài sản chung nhiều hơn. Anh còn dự tính sẽ phá bỏ căn nhà cũ, xây lại theo ý người tình.

Bao năm qua chị vất vả cùng chồng tạo dựng sự nghiệp, nay cô gái kia không tốn giọt mồ hôi nào, nhảy vào hưởng trọn, nghĩ vậy, chị không cam tâm. Chị nhờ luật sư tư vấn để không bị thua thiệt. Tài sản không thỏa thuận được, họ kéo nhau nhờ tòa phân xử.

Không đủ các dữ liệu chứng minh phần góp của đôi bên nên cuộc chiến pháp lý giữa chị và chồng dường như không hồi kết, kéo dài mệt mỏi qua nhiều phiên xét xử, kháng cáo, bổ sung hồ sơ... Con gái chị rơi vào trầm uất vì những lời qua tiếng lại của cha mẹ. Cô bạn gái trẻ của anh sau một thời gian chờ đợi thì cũng cạn hết kiên nhẫn, đành chia tay chồng chị, khiến anh càng điên cuồng đổ lỗi cho chị.

Những tưởng chị vui mừng khi thắng tình địch, nhưng không, kể với tôi, chị hối tiếc khi dành qua nhiều thời gian và tâm sức để tranh giành tài sản. Từ ngày bắt đầu cuộc chiến ly hôn, chưa đêm nào chị yên giấc. Chị cũng từng muốn buông xuống, nhưng chồng cũ không để chị yên. Anh thoá mạ, chửi bới, gào thét, miệt thị chị tham tiền, cướp tài sản của anh... trước mặt con.

Chị mất quá nhiều thời gian để tranh giành tài sản với chồng ( Ảnh minh họa)
Chị mất quá nhiều thời gian để tranh giành tài sản với chồng ( Ảnh minh họa)

Vợ chồng không còn tình cảm với nhau, sau thời gian ly thân, nếu không thể níu kéo thì nên ly hôn dứt dạt, tránh tình trạng đêm dài lắm mộng. Bản thân mỗi người hôm nay dự tính thế này, ngày mai có thể đã nghĩ khác, vậy nên mọi thứ cần rõ ràng, minh bạch. Sau chia tay, cần lắm cách cư xử rộng lượng, có văn hóa của cả hai để cuộc đời còn lại bình yên, để con cái nhìn vào...

Trong cuộc chiến của cha mẹ, chịu nhiều tổn thương nhất chính là những đứa trẻ. Nếu biết nghĩ cho chúng, vợ chồng cần nhường nhau, nhịn nhau, để lũ trẻ không phải chịu thêm những cú sốc thứ hai, thứ ba...

                                                                                                                                                                                                                                                         Phương Quỳnh (Đồng Tháp)

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Lê Thúy Hồng 03-09-2022 19:01:40

    Tôi từng ở trong hoàn cảnh tương tự, nhưng tôi chọn ly hôn với 2 bàn tay trắng vì không muốn mệt mỏi thêm trong cuộc hôn nhân hiện tại, tôi dọn về sống chung với con gái vì thực tế tài sản chung của 2 vợ chồng cũng không có gì, chỉ có căn nhà bên ba má chồng chia cho ông chồng nên việc chia chác là không cần thiết.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI