Mọi tuyên ngôn và thông điệp về nữ quyền, cuối cùng là để đi đến việc thực hiện quyền của phụ nữ, trong đó, chính phụ nữ phải là người hiểu rõ bản thân mình và tạo nên giá trị của mình; xã hội và các thể chế xã hội phải tạo ra một môi trường lành mạnh, văn minh, bền vững cho quyền của phụ nữ, của con người được thực thi, bảo vệ. Và với Chuyện của Ngân - cái dấu lặng sau cùng của phim - chúng tôi muốn bày tỏ sức mạnh tiềm ẩn từ trong mỗi trẻ em gái. Cái ước mơ “trở thành nhà thiết kế” của Ngân đang được Học bổng Nữ sinh hiếu học, vượt khó (báo Phụ nữ) và NTK Quỳnh Paris bảo trợ là sự kết nối đẹp đẽ, nhân văn mà chính những người phụ nữ góp phần tạo nên.
Từ cái chết của Maria Olympe de Rouges trả giá cho sự ra đời của Bản tuyên ngôn về nữ quyền và công dân từ hơn ba thế kỷ trước đến sức sống, sức vươn cao của một bé gái - đang mang mầm bệnh AIDS - là Ngân, câu chuyện nữ quyền chưa bao giờ khép lại, thậm chí đang là cuộc trỗi dậy, khắc họa sinh động nơi mọi góc khuất của hành tinh về những định kiến, định chế bất công, khắc nghiệt cần bị đẩy lùi và dẹp bỏ.
LÊ HUYỀN ÁI MỸ - Tổng biên tập báo Phụ Nữ
Những thế hệ phụ nữ nối tiếp nhau trên hành trình đấu tranh cho bình đẳng giới.
19g30 ngày 10/3, nhà hát Bến Thành chật kín người. Có mấy chị mặc áo dài đứng nép sau hàng ghế cuối, nhường mấy chiếc ghế trống cho người còn lại. MC Vũ Mạnh Cường vừa giới thiệu ý nghĩa của chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng thành công của Ðại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII.
Trong tiếng vỗ tay, các chị vẫn loay hoay nhường nhau chỗ ngồi. Ðến khi clip Thông điệp tháng Ba mở ra với tiếng nhạc hiệu khẩn trương, những dòng chữ chạy trên màn hình theo âm thanh của tiếng gõ phím lách cách; cả hội trường im phăng phắc. Những người phụ nữ đang “thỏa thuận” nửa chừng cũng ngưng lại, nheo mắt dõi theo từng chữ.
Thông điệp tháng Ba
Chương trình nghệ thuật được mở đầu bằng một phim ngắn về “Hành trình của câm lặng và bão giông”. Một khoảng lặng như được khơi lên từ những dòng chữ im lặng chạy ngang, ghi dấu từng cột mốc đấu tranh cho bình đẳng giới của phụ nữ thế giới. Tiếng xì xào bắt đầu lan ra từ hàng ghế tôi ngồi khi màn hình chạy ra những nội dung cơ bản của Bản tuyên ngôn về phụ nữ và công dân của bà Maria Olympe de Rouges: đòi quyền được ly hôn bình đẳng như nam giới, quyền có nhà hộ sinh, có chế độ thai sản...
Người phụ nữ mặc áo dài hoa vàng ngồi bên cạnh tôi thốt lên: “Trời, nhà hộ sinh mà cũng phải đòi sao?”. Chị nói nhưng vẫn dán mắt vào màn hình, chẳng chờ câu trả lời nào cả. Lúc ấy, màn hình lại chậm rãi “kể” tiếp câu chuyện: “Năm 1793, Maria Olympe de Rouges bị xử tử tại Quảng trường cách mạng Pháp vì bị quy án chống chính phủ bởi những đấu tranh đòi quyền phụ nữ”.
Tôi có dịp trò chuyện với người phụ nữ đã không kìm được tiếng thốt lên giữa câu chuyện nữ quyền cách đây ba thế kỷ ấy vào cuối chương trình. Chị “thú nhận” rằng sau tất cả những phiêu diêu, sâu lắng cùng giọng ca NSƯT Vân Khánh, Đức Tuấn, Bích Ngọc, Hà Vân… mình “vẫn còn bàng hoàng về người phụ nữ bị xử tử từ hàng thế kỷ trước chỉ vì đấu tranh cho quyền của phụ nữ”. Giọng chị ấm ức: “Bây giờ, chế độ thai sản, nhà hộ sinh, quyền ly hôn đều trở thành điều đương nhiên rồi. Không ngờ từng có người hy sinh vì những quyền quá bình thường này”.
Chị Trần Thị Hà, KP.2 P.9, Q.6 nói thêm: “Những thước phim ngắn đã tái hiện lại toàn bộ cuộc đấu tranh giành quyền bình đẳng của phụ nữ trên toàn thế giới. Những hình ảnh, âm thanh của phim làm tôi xúc động vô cùng”.
Sắp tới, nỗi lo sợ khi lưu thông qua cầu Bà Tiền sẽ không còn.
Mẹ Teresa, Thủ tướng Angela Merkel, chính khách Hillary Clinton... những người phụ nữ đã nối tiếp nhau trên hành trình đấu tranh cho tự do của người phụ nữ. Mỗi cái tên ghi dấu một thực tại xã hội, một thời kỳ đầy bất trắc và định kiến cùng những cuộc đấu tranh tiên phong và bền bỉ đã được lưu vào sử sách. Thế nhưng, câu chuyện của họ hầu như lại khá mới mẻ với khán giả đương thời. “Bây giờ người ta lại chuyển sang đòi quyền kiểm soát tài chính, đòi quyền bỏ con để đi làm, hay đòi đi ăn tiệm khi lười nấu. Nghe cũng... kỳ” - đó là câu nói “cầu hòa” phổ biến nhất của những người phụ nữ khước từ công cuộc đấu tranh cho bình đẳng giới.
Mọi điều mới mẻ đều có thể “kỳ” giữa một hiện tại sáo mòn. Và tất cả những mong đòi đó bỗng trở nên “kỳ cục”, xa lạ, thậm chí “đáng xấu hổ”. Từ những lát cắt lịch sử cách đây hàng thế kỷ, cho đến những câu chuyện đương thời, bộ phận những người nữ đấu tranh nữ quyền luôn là một “thiểu số”; thậm chí là một số quá ít so với số phụ nữ nói chung. Tất cả những đàn áp của xã hội lên các phong trào nữ quyền, vẫn không có sức tàn phá bằng sự ghẻ lạnh của chính những người phụ nữ. Và dường như người ta ngày càng cô đơn trên cái hành trình “câm lặng và bão giông” ấy.
Thế nhưng, trái lại, những hình ảnh sinh động, quyết liệt của đông đảo phụ nữ phương Tây với những cuộc mít-ting đòi quyền cơ bản (mà bây giờ đã là “điều đương nhiên”) trên phim ngắn, nối tiếp hào khí “muốn cưỡi gió mạnh, đạp sóng dữ” của Bà Triệu, cho đến những biểu tượng giản dị của sức mạnh chính nghĩa Việt Nam: nữ tướng Nguyễn Thị Định và nhà ngoại giao Nguyễn Thị Bình - đã trả lời cho tất cả những động lực tranh đấu ấy. Nếu tiền nhân cũng bằng lòng và sợ sệt, thì bây giờ, phụ nữ khắp thế giới vẫn phải lầm lũi trong cái vòng tròn chăm con, nội trợ, rồi ngoan ngoãn ký thác mọi quan điểm, mọi lựa chọn xã hội của mình lên một người đàn ông.
Tất cả những nhận thức đó lần đầu được ghi nhận triệt để và lan tỏa một cách chính thống trước hàng trăm cán bộ hội, cùng sự chứng kiến của những gương mặt nữ có sức ảnh hưởng như bà Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó chủ tịch nước, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - Phó bí thư, Chủ tịch HĐND Thành phố; bà Võ Thị Dung - Phó bí thư Thành ủy; bà Thân Thị Thư - Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy; bà Nguyễn Thị Lệ - Trưởng ban Dân vận Thành ủy; bà Trương Thị Ánh - Phó chủ tịch HĐND Thành phố; bà Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch UBMTTQVN TP.HCM; bà Nguyễn Thị Ngọc Bích - Phó chủ tịch thường trực Hội LHPN Thành phố…
Cũng trong đêm của “thông điệp tháng Ba” ấy, cơ quan đại diện cho phụ nữ lớn nhất miền Nam đã cam kết “Giảm cân bằng giới tính sau sinh, giảm tỷ lệ tử vong quá cao ở phụ nữ và xoá bỏ khoảng cách về giáo dục ở những nơi còn tồn tại. Cải thiện khả năng tiếp cận các cơ hội kinh tế cho phụ nữ. Tăng cường tiếng nói và vai trò của nữ giới và vai trò làm chủ của nữ giới trong gia đình và xã hội. Hạn chế việc lặp lại hiện tượng bất bình đẳng”.
Bà Bùi Thị Kiều đại diện 50 hộ dân tổ 18 nhận bảng tượng trưng công trình Cây cầu nông thôn do Hội LHPN TP.HCM trao tặng.
Bước ra khỏi câm lặng
Dường như ngay khi gọi hành trình đấu tranh cho bình đẳng giới là hành trình “câm lặng và giông bão”, người ta đã bước ra khỏi câm lặng mà lan tỏa, hành động. Phát biểu trong chương trình, bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Phó chủ tịch thường trực Hội LHPN TP.HCM nói: “Thông qua các phong trào thi đua yêu nước, phụ nữ TP.HCM càng tự hào khi có nhiều gương nữ anh hùng lao động, chiến sĩ thi đua toàn quốc, những nữ vận động viên đạt đẳng cấp quốc gia, quốc tế cùng những tập thể, cá nhân xuất sắc được nhận giải thưởng Kovalevskaia, giải thưởng Phụ nữ Việt Nam, giải thưởng Vì sự tiến bộ phụ nữ, Giải thưởng Nguyễn Thị Định… Qua đó khẳng định vai trò, vị trí của phụ nữ Việt Nam trong công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc”. Và tất cả những thành tích ấy vẫn còn khiêm nhường so với những sự nâng đỡ âm thầm mà Hội vẫn dành cho hàng ngàn phụ nữ trên thành phố.
Trong đêm hôm ấy, đại diện cho phụ nữ cả xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, chị Bùi Thị Kiều (SN 1960) lần đầu bước qua ngại ngùng mà lên sân khấu, thật thà cảm ơn Hội LHPN đã trao một chiếc cầu, giúp người dân thoát cảnh lội mương bao nhiêu năm trời. Tại tổ 18, ấp 1, xã Phong Phú của chị Kiều, những năm trước 1996, người ta phải lội mương để đi lại giữa hai bờ.
Thuở ấy, khu vực quanh cầu chỉ có 15 hộ dân. Vì nhu cầu đi lại thường xuyên, năm 1996 các hộ dân góp công làm một chiếc cầu trụ bằng gỗ bạch đàn, mặt cầu và lan can bằng bê tông, rộng 1,5m, dài 20m. Năm 2000, tình trạng sụt lún, lung lay trở nên trầm trọng. Lần lữa mãi, 15 hộ dân lại góp tiền và ngày công để sửa chữa cầu với kết cấu trụ cầu làm bằng trụ điện, cột sạn, mặt cầu bằng ván, không có lan can.
Ngày ngày, những người nông dân trong dải đất khoảng 20 héc-ta của tổ 18 lại mang tôm, cá, rau, bồn bồn… qua cầu, ra chợ bán; trẻ em đi học, người lớn đi làm. Chiếc cầu lần nữa quá tải. Số tiền sửa cầu, mà lại “phải sửa thành một chiếc cầu kiên cố hơn” trở thành một ước nguyện bất khả. Năm 2013, nghe tin, một đoàn hảo tâm ở TP.HCM đã hỗ trợ 90 triệu đồng để xây lại chiếc cầu với các trụ gỗ, xi măng xen nhau, mặt cầu tráng bê tông.
Tưởng chuyện đã yên, nhưng dòng nước nhiễm phèn bao năm làm tội làm tình người xứ ấy lại lần nữa ăn mòn các trụ gỗ, trụ bê tông. Kết cấu chịu lực không vững, chiếc cầu xuống cấp từng ngày trong sự xót xa của dân nghèo. Lúc này, người dân ở tổ 18 đã hơn trăm người, nhưng trục giao thông chính của họ gần như bị xóa sổ. Nhiều người cho biết, mỗi lúc mưa về, con cái đi học là mẹ cha thắc thỏm, phải thay phiên nhau trông chừng, đưa đón con qua cầu.
Trước tết nguyên đán 2017, bà Trần Thị Phương Hoa - Phó chủ tịch Hội LHPN TP.HCM dẫn đoàn cán bộ Hội đi khảo sát các chiếc cầu đang bị xuống cấp. Đứng trên cầu Bà Tiễn, đoàn khảo sát giật mình khi nghe rõ từng nhịp rung lắc mỗi khi có người hay xe máy đi qua. Mặt cầu cong vênh, lan can hoen gỉ, không còn là hành lang bảo vệ. Tiếp đoàn khảo sát ngay chiếc cầu đã bao phen dựng lên, sập xuống, bà Trần Thị Cẩm Thúy - Chủ tịch Hội LHPN H.Bình Chánh đau đáu: “Nếu phải chờ chính quyền phê duyệt một dự án nâng cấp, sửa chữa cầu Bà Tiễn, chắc cư dân tổ 18 lại phải lâm cảnh… lội mương như
ngày nào”.
Sau chuyến khảo sát, bà Trần Thị Phương Hoa trình trước Ban Thường vụ Thành Hội về việc vận động hội viên phụ nữ chung sức xây dựng chiếc cầu. Xây dựng cầu Bà Tiễn trở thành công trình của Hội LHPN TP.HCM chào mừng Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII. Ý tưởng này được Ban Thường vụ Thành Hội thông qua. Chiếc cầu mơ ước của hàng trăm người dân bên kia mương Bà Tiễn được triển khai ngay những ngày đầu năm 2017.
Từ phía bờ xa, những người dân lam lũ gửi về những lời cảm ơn. Họ háo hức “khoe” về cái viễn cảnh “phát triển mô hình nuôi trồng thủy sản, dịch vụ ăn uống, câu cá” và giấc mơ thoát nghèo sắp có cơ hội trở thành hiện thực khi đường Ông Niệm nối dài bờ bao hợp tác xã đến rạch Bà Lào được “sống lại” - nhờ có cầu. Câu chuyện về đấu tranh cho bất bình đẳng giới, cam kết về việc hỗ trợ phụ nữ tiếp cận các điều kiện kinh tế - đã trở nên giản dị và gần gũi hơn bao giờ hết. Câu nói của Ngân - thiếu nữ nhiễm HIV được nhắc đến trong phim ngắn như vẫn vọng lại: “Bạn giúp tôi, tôi giúp người khác, người khác lại giúp nhiều người khác nữa. Chỉ có vậy, chúng ta mới cùng đi qua cuộc đời này một cách chân thành, tin yêu, và ấm áp”. Và, họ đã bước ra khỏi câm lặng, để nâng đỡ và cùng nhau lớn lên.
***
Sau lưng tôi, những người phụ nữ phục trang đẹp vẫn lặng lẽ đứng nhìn lên sân khấu, kiên quyết nhường nhau những chiếc ghế trống cuối cùng...