Cuộc chiến giành trường

14/08/2014 - 07:30

PNO - PN - Trường Đại học (ĐH) Hoa Sen đang trong thế trận giằng co giữa một bên là nhóm cổ đông nắm trên 30% cổ phần, một bên là hội đồng quản trị và hiệu trưởng vừa bị bãi miễn do nhóm cổ đông trên triệu tập đại hội đồng...

edf40wrjww2tblPage:Content

Mở trường tư không phải là chuyện mới ở Việt Nam. Ngày xưa các cụ đồ nổi tiếng vẫn mở trường dạy học ở nhà. Tam Nguyên Yên Đỗ Nguyễn Khuyến dạy học ở quê nhà. Nguyễn Đình Chiểu giữa thời loạn lạc vẫn mở trường dạy học. Mở trường tư vừa là một kế mưu sinh, vừa là khát vọng truyền dạy những hiểu biết, tri thức cho lớp trẻ, mong thế hệ sau nên người. Và mục tiêu thứ hai luôn luôn là mục tiêu quan trọng hơn cả. Vậy nên đấu gạo, quan tiền - học phí của học trò, thường được cha mẹ trọng vọng mang đến thầy như một cái lễ.

Chu Văn An dâng thất trảm sớ bất thành, về quê ở ẩn mở trường dạy học. Trường của ông tên gì không mấy ai nhớ, nhưng lịch sử và văn hóa dân tộc còn lưu lại tên tuổi người thầy Chu Văn An. Thầy có một, trường có một, thầy đó mà trường cũng đó, nên đức độ, tài năng, tâm huyết của thầy đã làm nên một loại “tên trường” đặc biệt, chính là phẩm giá, nhân cách, tên tuổi của thầy.

Đây chính là điểm khác biệt dễ hiểu khi soi chiếu vào câu chuyện đang diễn ra ở các ĐH ngoài công lập bây giờ: người đầu tư mở trường khác với người quản lý trường và khác với người dạy học. Người đầu tư vốn vào trường coi mình là một loại “ông chủ”, có tiền bỏ ra thuê thầy, thuê nhà, thuê người làm công. Mâu thuẫn nảy sinh khi người đầu tư muốn sinh lợi ngay, sinh lợi nhanh, trong khi sự nghiệp “trồng người” khó mà sinh ra tiền nhanh đến thế.

Cuoc chien  gianh truong

Nhiều ý kiến tranh luận trái chiều đã diễn ra tại Đại hội cổ đông bất thường của ĐH Hoa Sen sáng 2/8. Ảnh: Nguyễn Loan (VnExpress.net).

Xét toàn diện, chỉ tiền vốn ban đầu của các nhà đầu tư thì chưa đủ thành lập các trường ĐH, phần còn lại chưa được tính toán đủ (và cũng có thể đã cố tình giấu đi không tính), là chủ trương chung, là việc giao chỉ tiêu tuyển sinh và đào tạo, là các ưu đãi của địa phương về thuế, về cho thuê hoặc cho mua nhà đất với cơ chế ưu tiên… và một phần quan trọng là sự chấp nhận của xã hội: phụ huynh, học sinh sinh viên, đã đặt niềm tin trên cơ sở những cam kết của nhà trường, đã trả học phí, đã học hành rèn luyện trong khuôn khổ đào tạo của trường; cán bộ, giảng viên đã chia sẻ những khó khăn để dạy và học. Tất cả những đóng góp đó cùng với tiền vốn của nhà đầu tư mới tích lũy tạo dựng nên trường. Nhưng với những gì đã và đang diễn ra thì dường như không ai quan tâm đến cả quá trình bao nhiêu thế hệ sinh viên đã đóng góp cho sự lớn mạnh của nhà trường.

Đừng quên trong trường ĐH, giảng viên và sinh viên - người dạy và người học, là những lực lượng quan trọng. Việc đầu tư vào giáo dục chắc chắn không giống đầu tư vào kinh doanh. Phải có cơ chế hạn chế những ai đội lốt giáo dục để làm kinh doanh, hạn chế đặt lợi nhuận lên trên hết, biến quy trình đào tạo con người thành quy trình sinh ra lợi nhuận cho cá nhân.

Luật Giáo dục ĐH quy định: mục tiêu của giáo dục ĐH là đào tạo con người, nghiên cứu khoa học, không có một chữ nào quy định mục tiêu là phải sinh ra lợi nhuận cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, nhiều văn bản dưới luật hình như đang nghiêng về phía những người nắm cổ phần trong các trường tư, mà Dự thảo Điều lệ trường ĐH(*) là một ví dụ.

Không ít nhà giáo đang công tác trong các trường ĐH lo lắng: những con cá mập tài chính, thông qua chuyển nhượng thu gom cổ phần, sẽ nắm phần lớn vốn, nắm lấy quyền điều hành việc dạy học trong trường. Lúc ấy thì, giáo chức hoặc là cam tâm đi làm thuê, chủ trường bảo sao làm vậy; hoặc bỏ trường mà đi. Khi những vốn liếng chất xám và tâm huyết chảy ra khỏi trường, trường tư trở thành những mô hình kinh doanh khoác chiếc vỏ giáo dục. Ước vọng học hành của bao nhiêu người trẻ sẽ được nhào nặn trong một cỗ máy không có linh hồn, nhả ra những con người, những bằng cấp thế nào chẳng ai lường được.

Trong việc chuyển nhượng hàng loạt trường tư hiện nay, có lẽ các nhà làm chính sách phải có cơ chế để những ngôi trường đã được xây dựng bằng công sức của nhà đầu tư, cán bộ, giảng viên, nhân viên và sinh viên không trở thành những ngôi trường thuộc sở hữu cá nhân, không trở thành những ngôi trường mà ai có nhiều tiền đều có thể mua đi bán lại. Bởi vì quan trọng và rủi ro hơn việc mua đi bán lại một ngôi trường bằng nhà cửa đất đai, còn là việc mua bán quyền tổ chức quản lý, quyền đào tạo một đội ngũ sinh viên học sinh lên đến hàng vạn người.

LẬP PHƯƠNG

(*) Dự thảo Điều lệ trường đại học, công bố trên mạng Bộ Giáo dục và đào tạo 9/7/2014.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI