LTS: Ly hôn, là một thất bại hết sức nặng nề và cay đắng trong hôn nhân. Sau ly hôn, người ta sẽ rơi vào cảm giác hụt hẫng, bị buông bỏ nên rất ít người duy trì được sự tử tế trong cách cư xử với nhau, cũng như ý thức thực hiện tốt trách nhiệm của mình đối với con cái. Sự oán hận khiến họ luôn nuôi dưỡng ước muốn trả thù. Những đứa trẻ lúc này sẽ bị đem ra làm vũ khí đắc lực cho suy nghĩ mù quáng và ích kỷ ấy của cha mẹ. Thay vì được bù đắp cho những thiệt thòi không đáng phải gánh chịu, những đứa trẻ có cha mẹ ly hôn đau đớn bước vào cuộc chiến không hồi kết của đấng sinh thành: cuộc chiến giành con đẫm nước mắt!
|
Người đàn bà tuổi đã cao, sức đã yếu, vừa bán vé số, vừa đi khiếu nại việc thi hành án giành quyền nuôi cháu ngoại. Con gái bà - chị N.M.N. (ngụ tỉnh An Giang) lấy chồng là anh H.T.X. (ngụ phường 8, TP. Bạc Liêu), bị chồng đánh như cơm bữa, bèn trốn về nhà mẹ ruột, nhưng vì đi lén lút nên không dám dẫn con theo. Khi quay trở lại thăm con thì chị N. không được chồng cho vô nhà. Đứa con gái nhỏ của anh chị - bé H.N.T. (sinh năm 2018) hiện do cha bé và ông bà nội nuôi giữ. Có người bày chị làm đơn ly hôn thì mới giành được quyền nuôi con.
|
Chị N.M.N. cầm bức ảnh của con đến phiên tòa giành quyền nuôi con |
Ngày 31/3/2021 tại Tòa án nhân dân tỉnh Bạc Liêu, phiên tòa phúc thẩm giành quyền nuôi con giữa nguyên đơn là chị N. và bị đơn là anh H.T.X. đã diễn ra. Khi quyền nuôi con được giao cho chị N., ông nội bé đã lớn tiếng nói trước phiên tòa: “Thách đứa nào ngon xuống nhà tui bắt cháu tui”.
Chị N. cho biết, bé T. là con gái, rất cần được mẹ chăm sóc. Ông bà nội có yêu thương thế nào cũng không thể bằng mẹ ruột. Mấy lần chị tới nhà thăm con, thấy bé T. bị nhà nội cắt tóc như con trai, cho ăn trong cái thau chớ không được múc thức ăn vào chén hay tô.
Thậm chí có lần chị N. đến trường mẫu giáo để gặp con, anh X. sợ chị bắt con đi nên quyết định cho bé T. nghỉ học. Con bé đã không có được sự chăm sóc của mẹ, giờ còn bị tước luôn quyền được đến trường. Thiệt thòi không kể sao cho xiết!
Tại Tòa án nhân dân TP. Bạc Liêu, theo số liệu thống kê sơ bộ, tỷ lệ án ly hôn hằng năm tăng trên 20%. Độ tuổi ly hôn lại tiếp tục trẻ hóa. Các cặp vợ chồng vội vã cho những cuộc chia tay, mong nhanh chóng kết thúc cuộc hôn nhân này, để bước sang trang mới, với những mối quan hệ mới.
Những đứa con, “sản phẩm” của cuộc hôn nhân cũ, được nhiều cặp vợ chồng dàn xếp với nhau, chóng vánh. Những đứa trẻ, rất nhanh sau đó, bị bỏ lại phía sau. Chúng thường được đưa về cho ông bà chăm sóc, đứa may mắn thì có cuộc sống tốt hơn, tùy hoàn cảnh và điều kiện kinh tế của ông bà.
Cũng có không ít trường hợp, sự dàn xếp không thành khi một trong hai người không thuận tình ly hôn. Hoặc những mâu thuẫn trong đời sống hôn nhân khiến họ chuyển sang căm ghét, hận thù nhau. Họ không muốn đối phương được gần con, nên tước quyền nuôi con, thăm nom con, và cắt đứt mọi quan hệ với người kia. Rất nhiều vụ án ly hôn kiểu này khiến phiên tòa trở nên căng thẳng. Hậu ly hôn, những đứa trẻ luôn chịu nhiều thiệt thòi nhất từ những sai lầm của người lớn.
Chị H.T.K.N. (sinh năm 1992 ngụ huyện Vĩnh Lợi) kiên quyết ly hôn chồng là anh T.P.V. (sinh năm 1991 ngụ cùng huyện). Mâu thuẫn không lớn, nhưng kéo theo hậu thuẫn của gia đình hai bên, thậm chí ông xui bà xui đánh nhau “sứt đầu mẻ trán” vì bênh con, bênh cháu, nhiều lần phải có sự can thiệp của công an xã.
Bản án ly hôn của tòa sơ thẩm tuyên chấp nhận ly hôn, giao con là bé Trần Đăng Kh. cho mẹ nuôi. Anh T.P.V. kháng cáo, cấp phúc thẩm y án.
Thế nhưng, dù bản án đã xử từ tháng 6/2020, đến nay, việc thi hành án giao con vẫn chưa thể thực hiện. Đứa trẻ mới hơn một tuổi, rất cần hơi ấm, bầu sữa mẹ đã không có cơ hội gần gũi con. Thậm chí anh V. còn tuyên bố: ai tới bắt thi hành án, anh sẽ cùng gia đình “tử chiến” chứ dứt khoát không giao con.
Bà Nguyễn Thị Chi, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu cho biết, từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn huyện có sáu vụ việc thi hành án giao con, nhưng đến nay vẫn không có trường hợp nào thực sự giao con. 4/6 trường hợp, người yêu cầu thi hành án tự nguyện rút đơn, không yêu cầu nữa. Một trường hợp, để được gần con, người mẹ chấp nhận quay trở lại hàn gắn với chồng. Trường hợp còn lại, để đối phó với cơ quan thi hành án, người cha phải mang con đi giấu, đứa trẻ liên tục phải thay đổi chỗ ở.
Chị B.T.M. (huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) thuận tình ly hôn với chồng là anh T.T.N. (huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) năm 2018. Anh chị có hai con chung, một sinh năm 2015, một sinh năm 2013, cả hai đều thống nhất giao cho anh T.T.N. nuôi dưỡng, chị M. có quyền và nghĩa vụ thăm nom.
Tuy nhiên, từ tháng 9/2019, mỗi khi chị M. đến nhà chồng thăm con thì đều bị ngăn cản. Ban đầu là mẹ chồng chỉ cho thăm, không cho chị dẫn con về ngoại chơi vài ngày. Lần sau thì ba chồng không cho thăm, còn xúc phạm chị và gia đình chị.
Chị M. đã mời chính quyền địa phương đến lập biên bản về hành vi cản trở quyền thăm con, sau đó, chị khởi kiện yêu cầu thay đổi quyền nuôi con. Chị cho rằng, chồng chị không trực tiếp nuôi con mà giao cho bà nội chăm sóc. Bà nội hiện đã trên 60 tuổi, lại chăm tới bốn đứa cháu (tính luôn hai đứa con của chị chồng).
Anh N. thì bảo chị đón con về ngoại, gia đình anh phải mất công sang rước. Mỗi lần như vậy, chị M. hay có hành vi giằng kéo, xô đẩy khiến các con sợ hãi. Gia đình anh rất bức xúc về điều này nên quyết định không cho chị M. dẫn con về ngoại nữa. Mặc dù nhờ ông bà nội chăm sóc các con, nhưng hằng ngày anh vẫn gọi điện thoại và về thăm con hằng tháng.
Có mặt tại phiên tòa phúc thẩm, bà N.T.C. - mẹ anh N., đứng ngồi không yên. Bởi từ lúc lọt lòng đến giờ, cả hai cháu đều do một tay bà chăm sóc, tình cảm bà cháu không thể tách rời. Rồi bà nói với hai đứa trẻ: “Tòa cho mẹ mày bắt em mày đi rồi”, khiến chúng lập tức khóc òa.
Cha mẹ ly hôn đã là một thiệt thòi quá lớn với chúng, giờ thêm quyền giành nuôi con của hai đấng sinh thành, chúng lại đối mặt một lần nữa với sự chia lìa tình anh em. Những tổn thương này, biết bao giờ mới lành lại?
Hồ sơ giấy tờ cho hành trình tìm lại con của chị N.H.N. (TP. Cà Mau) đến nay đã chất đầy nhà. Gần 5 năm trời, người mẹ này không một giờ nào là không quay quắt mong ngày mẹ con đoàn tụ. Dù các bản án, quyết định của tòa đều xử lý theo hướng giao bé L.Đ. cho chị N. nuôi dưỡng, nhưng chị vẫn không thể nào có được niềm hạnh phúc đó.
Hằng tháng, chị lặn lội về quê chồng ở thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu để thăm con, nhưng gia đình chồng luôn tìm mọi cách ngăn cản chị gặp bé. Mỗi lần chị đến là những lần chị bị chửi mắng, đánh đập tàn nhẫn. Chính quyền địa phương đã lập rất nhiều biên bản, cơ quan thi hành án cũng ra nhiều quyết định cưỡng chế, nhưng cho đến hiện tại, bé vẫn chưa thể về bên mẹ.
Người trực tiếp nuôi dưỡng bé là ông bà nội, vì ba bé làm việc ở TPHCM.
Chị N. kể, chị mua rất nhiều quần áo đẹp, đồ chơi, quà bánh, sữa… gửi cho con dù không vào thăm được, nhưng gia đình chồng chị đều mang đi đốt hết. Thậm chí, vì sợ chị đến bắt con, mà mấy năm nay bé L.Đ. không được đến trường. Đây thực sự là một thiệt thòi quá lớn với bé.
Quyền được học hành, được giáo dục, được vui chơi, được hạnh phúc đã không thể có ở đứa trẻ này. Quyền được nuôi con của một người mẹ như chị N. cũng không thấy ai bảo vệ. Trách nhiệm này thuộc về ai?
T. - một người bạn của tôi - sau khi ly hôn đã chấp nhận để vợ nuôi cả hai con, mỗi tháng anh đều đặn tự nguyện chu cấp dư dả cho các cháu. Nhiều người xúi anh giành quyền nuôi con, vì điều kiện của anh tốt hơn, nhưng anh chỉ cười: “Ai nuôi cũng được, nhưng nếu giành nhau quyền nuôi con, tòa sẽ chia vợ chồng mỗi người nuôi một đứa. Con cái đâu phải hàng hóa, chúng nó có tình cảm. Chị em chia lìa nhau là điều người làm cha như tôi không mong muốn một chút nào. Ở với mẹ, dù sao các con vẫn được chăm sóc tốt hơn. Còn tôi, sẽ hỗ trợ tài chính hết mức để sự chăm sóc đó được thuận lợi và bền bỉ”.
Đến nay, dù không còn là vợ chồng, nhưng anh T. vẫn được vợ tôn trọng, cho phép đón đưa con đi học, đi chơi. Mọi sinh hoạt của con hằng ngày, anh vẫn nắm rõ trong lòng bàn tay. Những gì liên quan đến con, vợ anh vẫn bàn bạc với anh. Ly hôn là điều không ai mong muốn, nên anh cố gắng để con dù không có gia đình đủ đầy, nhưng vẫn luôn có được tình yêu, sự chăm sóc từ cả cha lẫn mẹ.
Nhiều người cho rằng, những cuộc chiến giành quyền nuôi con, chính là cách thể hiện tình yêu thương với đứa trẻ. Nhưng họ có bao giờ tự hỏi: liệu đó có chính xác là tình yêu thương mà đứa trẻ cần?
Kim Ngọc
(còn nữa)