“Cuộc chiến” giành con khi ly hôn: Đong đếm cho con

14/04/2021 - 07:33

PNO - Suốt phiên xử, mấy lần tòa động viên bà bình tĩnh. Trong cuộc hơn thua cùng người từng đầu ấp tay gối, hội đồng xét xử mong bà suy nghĩ thấu đáo hơn. Con cái cần tiền bạc để sống, nhưng cũng cần tình thương của cha mẹ, để trưởng thành.

LTS: Ly hôn, là một thất bại hết sức nặng nề và cay đắng trong hôn nhân. Sau ly hôn, người ta sẽ rơi vào cảm giác hụt hẫng, bị buông bỏ nên rất ít người duy trì được sự tử tế trong cách cư xử với nhau, cũng như ý thức thực hiện tốt trách nhiệm của mình đối với con cái. Sự oán hận khiến họ luôn nuôi dưỡng ước muốn trả thù. Những đứa trẻ lúc này sẽ bị đem ra làm vũ khí đắc lực cho suy nghĩ mù quáng và ích kỷ ấy của cha mẹ. Thay vì được bù đắp cho những thiệt thòi không đáng phải gánh chịu, những đứa trẻ có cha mẹ ly hôn đau đớn bước vào cuộc chiến không hồi kết của đấng sinh thành: cuộc chiến giành con đẫm nước mắt.

Bài 1: Những đứa trẻ bơ vơ trong hồi kết hôn nhân

Bài 2: Những cuộc tranh giành bất tận

Bài 3: Nỗi ân hận muộn màng của người trong cuộc

Bài 4: Khó như... thi hành án quyền nuôi 

Bao nhiêu mỗi tháng cho con?

Bà tên M.T., làm việc cho một phòng khám, là bị đơn trong phiên phúc thẩm tại Tòa Gia đình và người chưa thành niên, Tòa án nhân dân TPHCM sáng 1/4. Ông H. - nguyên đơn, chồng bà - xin vắng mặt. 

Năm 2007, họ đến với nhau. Hai con chung lần lượt chào đời vào năm 2008 và 2015. Cuộc sống chung hạnh phúc cho đến năm 2016. Ông cho rằng bà không tôn trọng chồng, mâu thuẫn hai người ngày càng lớn, không thể cứu vãn, nên muốn ly hôn. 

Bà lại cho rằng, vợ chồng vẫn hạnh phúc, dù từ 2016 đến nay, ông bỗng dưng thay đổi suy nghĩ về vợ theo hướng không tốt đẹp. Nếu phải ly hôn, bà muốn nuôi hai con với mức trợ cấp là 40 triệu đồng/trẻ/tháng, cho đến khi chúng học xong đại học. 

Cuối năm 2020, cấp sơ thẩm tuyên xử cho hai người ly hôn. Hai đứa trẻ được giao cho bà nuôi dưỡng, ông trợ cấp mỗi tháng 10 triệu đồng/trẻ cho đến đủ 18 tuổi, tài sản chung không giải quyết do bà chưa thực hiện đóng tạm ứng án phí cho phần tranh chấp này. Bà kháng cáo toàn bộ bản án. Tuy vậy, tại phiên phúc thẩm, bà đồng ý ly hôn, với lý do người đã quyết đi, thì thật khó níu kéo. Và câu chuyện ở phiên phúc thẩm chỉ còn gói gọn trong yêu cầu tăng mức cấp dưỡng nuôi con, 40 triệu đồng/trẻ/tháng cho đến khi các con xong đại học; tài sản chung chia cho bà 3/4, để bà có điều kiện chăm dưỡng các con được tốt nhất. 
 

Sẽ không có tiền bạc, vật chất nào có thể lấp đầy các mất mát của con cái khi cha mẹ ly hôn
Sẽ không có tiền bạc, vật chất nào có thể lấp đầy các mất mát của con cái khi cha mẹ ly hôn

Trình bày với tòa, bà T. cho biết: “Ông H. làm việc tại một bệnh viện, thu nhập trong ngoài mỗi tháng khoảng 200-300 triệu đồng. Mức tuyên 10 triệu đồng/trẻ/tháng đến khi các con đủ 18 tuổi của tòa sơ thẩm đã bỏ qua yếu tố tạo điều kiện cho tôi nuôi con được tốt nhất”. 

Nhưng, bà lại không có chứng cứ chứng minh mức thu nhập của chồng. Bà cho biết thêm, để được thăng tiến trong công việc, ông sẵn sàng đầu tư hàng trăm triệu đồng đi học các khóa học nâng cao, nhưng lại từ chối nếu đóng học phí cho các con chỉ tầm vài chục triệu đồng. Các hóa đơn trong nhà, từ sinh hoạt phí đến học phí của hai con, phần lớn đều do bà chi trả. 

Tiền bạc thôi đâu đủ

Bà nói: “Thu nhập của ông H. cao như vậy, mà mỗi tháng chỉ cho con chừng ấy, thì liệu có công bằng, có thể hiện được trách nhiệm của một người làm cha không?”. Vị chủ tọa nhẹ giọng: “Làm cha mẹ, không ai không thương con cái. Ly hôn là chuyện của người lớn, nhưng con cái là trách nhiệm, tình cảm chung. Nếu vất vả nuôi con, và biết ông có mức thu nhập rất cao, bà có thể tìm cách giảng hòa, vợ chồng vì con mà ngồi lại, trao đổi những mức chi cho con cái, rồi từ đó chia nhau đóng góp”. 

Nhưng bà T. quả quyết: “Tôi chỉ tin vào phán quyết của tòa”. Bà trình bày, bản thân đã chứng kiến bao gia đình tan vỡ, người chồng quay lưng trong nghĩa vụ nuôi con, chưa kể khi đi bước nữa, thì nghĩa vụ này càng nhạt nhòa. Tòa phân tích mỗi gia đình một cảnh ngộ, có vợ chồng dù thù hận vẫn ngồi lại với nhau, vì con; có vợ chồng cái tôi quá lớn, biến hận thù thành ngăn cản thăm nuôi, chăm sóc khiến con cái khổ sở. Chia tay là quyền của người lớn, nhưng những đứa trẻ lại thiệt thòi vì một gia đình không còn đủ đầy. Chúng cần được bù đắp, không chỉ bằng tiền, mà bằng tình yêu thương trọn vẹn. Ngay cả mối quan hệ êm đẹp giữa cha mẹ sau hôn nhân, cũng là một hạnh phúc của chúng.

Sau khi dành khá nhiều thời gian để bà nhớ và kiểm đếm các khoản chi cho con cả tương lai lẫn hiện tại, vị chủ tọa phân tích: “Tòa xử và tuyên nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con dựa trên nhu cầu thực tế, thiết yếu của đứa trẻ. Tòa không thể dựa trên bảng lương, thu nhập “chót vót” của bậc sinh thành để yêu cầu một mức giá cụ thể cho con. Chưa kể, một người trực tiếp nuôi con, không có nghĩa người kia phải chi trả hoàn toàn. Nếu biết thu nhập của chồng rất cao, bà nên tìm cách để ông trích một khoản đóng góp bằng sự tự nguyện vẫn hơn. Theo luật, trong quá trình nuôi con một mình cho đến khi đứa trẻ đủ 18 tuổi, bà có quyền yêu cầu thay đổi mức cấp dưỡng nuôi con, dựa trên nhu cầu và sự chăm lo thực tế lúc bấy giờ. Khi đó, để đòi hỏi trách nhiệm của người chồng, bà cần chứng minh đứa trẻ cần nhiều khoản chi, bằng hóa đơn, phiếu thu, chứng từ cụ thể. Tòa tuyên án dựa trên chứng cứ. Giờ đây bà yêu cầu tòa xử nhằm đảm bảo cho tương lai đứa trẻ, với những dự định nói trên, chúng tôi không biết dựa vào đâu để tuyên xử cho bà”.

Chủ tọa một lần nữa nhấn mạnh: “Kỳ thực, một đứa trẻ để trưởng thành toàn diện, không chỉ dựa trên tiền bạc. Bà nghĩ xem, trong quá trình nuôi con, có những chuyện chúng rất cần tiếng nói của người cha, được cha khuyên lơn, giải quyết. Con học ngành gì tốt nhất, con bệnh, con gặp chuyện này chuyện kia, mà sự giải quyết đâu chỉ đòi hỏi mỗi ý kiến của mẹ”. 

Phiên tòa khép lại bằng quyết định rút kháng cáo của bà. Tôi không biết, câu chuyện này sẽ tiếp tục bằng một phiên tòa khác, nơi bà làm nguyên đơn, để có sự chuẩn bị tốt hơn về chứng cứ trong nuôi dưỡng các con lẫn phục vụ cho tranh chấp tài sản; hay tìm cách để đối thoại cùng chồng trong nghĩa vụ và tình cảm với con. Nhưng, như chủ tọa nhiều lần nhấn mạnh, một đứa trẻ để phát triển toàn diện, tiền bạc không thôi, làm sao đủ… 

Phong Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI