“Cuộc chiến” giành con khi ly hôn

“Cuộc chiến” giành con khi ly hôn: Có ai biết đứa trẻ - nạn nhân của việc giành con nghĩ gì?

15/04/2021 - 06:53

PNO - “Sau rất nhiều phiên tòa được mở ra cho một cuộc giằng co, cuối cùng, ba tôi cũng đã giành được quyền nuôi tôi, đứa con gái duy nhất của ông"...

LTS: Ly hôn, là một thất bại hết sức nặng nề và cay đắng trong hôn nhân. Sau ly hôn, người ta sẽ rơi vào cảm giác hụt hẫng, bị buông bỏ nên rất ít người duy trì được sự tử tế trong cách cư xử với nhau, cũng như ý thức thực hiện tốt trách nhiệm của mình đối với con cái. Sự oán hận khiến họ luôn nuôi dưỡng ước muốn trả thù. Những đứa trẻ lúc này sẽ bị đem ra làm vũ khí đắc lực cho suy nghĩ mù quáng và ích kỷ ấy của cha mẹ. Thay vì được bù đắp cho những thiệt thòi không đáng phải gánh chịu, những đứa trẻ có cha mẹ ly hôn đau đớn bước vào cuộc chiến không hồi kết của đấng sinh thành: cuộc chiến giành con đẫm nước mắt.

Bài 1: Những đứa trẻ bơ vơ trong hồi kết của hôn nhân

Bài 2: Những cuộc tranh giành bất tận

Bài 3: Nỗi ân hận muộn màng của người trong cuộc

Bài 4: Khó như... thi hành án quyền nuôi con

Có ai biết đứa trẻ - nạn nhân của việc giành con - sẽ nghĩ gì?
Có ai biết đứa trẻ - nạn nhân của việc giành con - sẽ nghĩ gì?

“Khi bị buộc phải trả lời cho câu hỏi: “Con muốn sống cùng ai?”, tôi không dám nhìn về phía mẹ. Tôi sợ những giọt nước mắt của bà. Tôi sợ cả ánh nhìn tự đắc của ba. Tôi biết tất cả những gì ông đang làm chỉ với một mục đích phục vụ cho cuộc chiến giành con mà ông đang là người chiến thắng. Tôi ước gì mình không phải lựa chọn. Tôi không đủ can đảm chứng kiến hai thái cực cảm xúc: một người vui với chiến thắng và một người đau đớn với thất bại. Vì một lẽ: tôi yêu cả hai, bởi họ cùng là người đã sinh ra tôi.

Cuối cùng, tôi không sống với ba, cũng chẳng ở với mẹ. Ba đưa tôi về sống cùng ông bà nội để chăm sóc ông bà tuổi già sức yếu. Hóa ra mục đích lớn nhất của ba chỉ là giành được tôi từ mẹ - để thỏa cơn thù hận, để làm cho bõ ghét, để tự hào là người chiến thắng - vì lý do gì thì tôi không thể biết, nhưng rõ ràng là ông đã đạt được mục đích đó. Và dù là lý do gì đi chăng nữa, thì chắc chắn cũng không phải là vì tôi…”.

Đó là câu chuyện của Hồng V., bạn tôi, một nạn nhân của cuộc chiến giành con căng thẳng giữa các bậc sinh thành. Chuyện xảy ra đã rất lâu, nhưng dường như ở thời đại nào, nó cũng đều mới mẻ và không hồi kết. Trong một cuộc ly hôn, có lẽ thật dễ dàng để quên đi sự hiện diện của một đứa con, đặc biệt là khi cuộc ly hôn đó không được thuận buồm xuôi gió. Nhiều người chỉ quan tâm đến việc đòi hỏi quyền lợi cho bản thân và chiến thắng, ngay cả khi con cái của họ phải trả giá cho chiến thắng của chính họ.

V. tâm sự, nếu ba cô thực sự nghĩ đến cô thay vì chiến thắng của ông, thì ông phải hiểu rằng, một đứa con gái đang lớn sẽ cần sự quan tâm, chăm sóc, tỉ tê của một người mẹ ra sao. Ông phải thấy được con gái ông cần gì, muốn gì, và một điều kiện cuộc sống như thế nào mới là tốt nhất cho nó. Nếu thương cô, ông đã không đẩy cô đến tình huống buộc phải lựa chọn giữa cha và mẹ, lại càng sẽ không làm áp lực để ép cô phải chọn mình. 

V. kể thêm: “Tuy không đến mức ngăn cản mẹ đến thăm tôi và mang tôi đi giấu như nhiều trường hợp giành con khác, nhưng lòng thù hận đã khiến ba luôn kể xấu về mẹ bằng tất cả sự hằn học. Ngày đó, tôi đã từng rất căm ghét mẹ, và việc về ở với ba cũng là một trong những cách tôi tỏ thái độ với mẹ. Nhưng khi lớn lên, đủ trải nghiệm và hiểu chuyện hơn, tôi mới thấy thương mẹ vô cùng. Tôi tìm đủ mọi cách để bù đắp cho bà nhưng đã muộn. Mẹ tôi không thể sống đời để chờ đợi những vỡ lẽ từ cuộc hôn nhân nhiều nước mắt của bà…”.

Mẹ V. mất khi cô vừa kịp nhận ra những trả giá cho lòng thù hận của ba cô là quá lớn. Và kể từ những vết thương của cuộc chiến ly hôn giữa cha và mẹ, V. trở nên sợ hãi với việc phải kết hôn. 

Giá mà ba V. hiểu được rằng, tình cảm và sự tôn trọng của một đứa trẻ đối với cả cha và mẹ là một phần quan trọng trong sự phát triển của chúng, và trẻ em không nên bị kích động để có cái nhìn tiêu cực về ba mẹ mình. Giá mà xã hội này hiểu được rằng, ly hôn chỉ là chấm dứt mối quan hệ vợ - chồng, chứ không phải là mối quan hệ cha mẹ - con cái, để ai đó có thể tự cho mình cái quyền kết thúc trách nhiệm làm cha/làm mẹ của một ai đó. Và giá mà ai cũng hiểu, cuộc sống này quá ngắn để yêu thương nhau, thì lòng thù hận đã không còn chỗ đứng trên đời… 

Hồng Hạnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI