Cuộc chiến giành con - Bài 2: “Hô biến” con

07/04/2013 - 12:14

PNO - PNCN - Hai năm nay, thỉnh thoảng người ta lại thấy một phụ nữ tiều tụy đến trường tiểu học Đoàn Kết, TP. Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) nhìn vào lớp học, đảo mắt tìm kiếm… rồi thất vọng bỏ đi.

NỖI ĐAU NGƯỜI MẸ

Người phụ nữ ấy là chị N.T.K.H.. Cuộc hôn nhân đầu tiên đổ vỡ, người chồng cũ để cho chị nuôi hai đứa con chung. Chị làm nghề bán thịt heo ở chợ. Cuộc sống ba mẹ con tuy không giàu có, nhưng cũng ổn định. Năm 2002, chị quen biết và kết hôn với anh L.V.D., một bác sĩ từ Hà Nội vào Vũng Tàu lập nghiệp. Năm 2003, chị H. sinh cho anh D. một cậu con trai kháu khỉnh tên L.M.T. Những tưởng từ đây hạnh phúc sẽ mỉm cười với cả gia đình, thế nhưng, lại một lần chị H. phải ra tòa để ly hôn với người chồng sau vào tháng 9/2009, bởi cuộc sống chung không còn hạnh phúc. Đau đớn cầm tờ quyết định ly hôn trên tay, niềm an ủi duy nhất của chị H. lúc đó chính là chị được quyền nuôi dưỡng cháu L.M.T., với số tiền trợ cấp hàng tháng là 500.000đ từ cha cháu. Nhưng hai năm đầu, anh D. không hề cấp dưỡng. Cuộc sống của bốn mẹ con ngày càng khó khăn… Cuối năm 2011, chị phải làm đơn yêu cầu thi hành án, cơ quan thi hành án đã ra quyết định cưỡng chế anh D. bằng cách trừ lương.

Bất ngờ, ngày 9/12/2011, anh D. đến đón cháu T. ở trường và mang cháu đi luôn. Chị H. phản đối, anh còn đe dọa đánh chị tại cổng trường. Sự việc phải nhờ công an P.1, TP. Vũng Tàu can thiệp. Từ đó, anh D. làm nhiều “chiêu” để cách ly cháu T. khỏi mẹ.

Thương nhớ, lo lắng cho con, chị H. hầu như bỏ hết công việc buôn bán để tìm con. Hễ nghe tin anh D. “giấu” cháu T. ở đâu, chị H. lại chạy đến thì được biết anh D. vừa mang con đi nơi khác. Đến ngày 30/12/2011, trường tiểu học Đoàn Kết, TP. Vũng Tàu xác nhận cháu T. không còn học ở đây nữa.

Có lần, thấy anh D. “giấu” con ở nhà người quen tại P.Thắng Tam, chị H. đã đến Công an P.Thắng Tam trình báo sự việc. Công an phường yêu cầu anh D. trả lại con cho mẹ, anh D. ký vào biên bản, nhưng lại… mang con giấu tiếp. Hơn năm qua, chị H. gửi đơn cầu cứu khắp nơi.

Cuoc chien gianh con - Bai 2: “Ho bien” con

Dù con đã “biến mất” hai năm, nhưng lâu lâu, chị H. vẫn ghé lớp học của con, nhìn vào chỗ ngồi cũ, hy vọng thấy lại cháu T.

NỖI LÒNG NGƯỜI CHA

Tiếp chúng tôi sau ca trực đêm tại bệnh viện, bác sĩ L.V.D. người cha “hô biến” con mệt mỏi nói: “Tôi chỉ có một đứa con, nên tôi phải bảo vệ!”.

Theo lời anh D., trước đây, anh đang mở phòng mạch và ở trọ tại nhà một người bạn. Chị H. cũng ở trọ ngay phòng sát bên. Thương chị tảo tần, anh chủ động đặt vấn đề kết hôn. Kết hôn xong, anh D. đi học một năm ở BV Chợ Rẫy TP.HCM để nâng cao nghiệp vụ. Khi trở về Vũng Tàu làm việc, một tháng, anh D. phải trực tám ngày, tám đêm. Bất cứ y bác sĩ nữ nào có ca trực chung với anh đều bị chị H. nghi ngờ, theo dõi. Vì vậy, chị bỏ bê con cái. Đứa con trai lớn bỏ học, hai cháu nhỏ luôn sống trong căng thẳng... Nhiều lần không chịu nổi sự ghen tuông vô lý của H., D. đã tát, mắng vợ. Chị H. cầu cứu tổ dân phố, chính quyền địa phương khi ở P.Thắng Tam, lúc ở P.1, khi ở P.2, TP. Vũng Tàu. Sống chung không còn hạnh phúc, năm 2009 anh D. xin ly hôn.

Anh D. nói: “Ngay sau ly hôn, cô ấy vỡ nợ, phải bán nhà. Nguyên nhân vỡ nợ là do H. dồn tiền thuê thám tử theo dõi tôi, chặn đường đánh đồng nghiệp của tôi... Cô ấy mang con theo mình và không cho tôi biết địa chỉ. Sau hơn một năm, cô ấy bị tai nạn, phải cấp cứu ở BV, tôi mới phát hiện nơi ở trọ và tìm đến. Đó là một căn nhà gần như bị bỏ hoang ở đường Hoàng Hoa Thám, P.2, TP. Vũng Tàu. Con trai gặp bố như người xa lạ…”.

Quan sát sinh hoạt hàng ngày của con trai khoảng hơn một tuần, anh D. phát hiện tối nào chị H. cũng đưa cháu T. và con gái ra bãi biển cùng phụ việc ở quán giải khát. Anh nói: “Cô ấy kéo con theo buôn bán đã đành, nguy hiểm hơn, con tôi phải sống chung nhà với con trai của H., một người nghiện ma túy”. Một mình nuôi con với đủ áp lực cơm áo, gạo tiền, chị H. nhiều lúc cáu gắt, mắng con. Đang tuổi lớn, hay tủi thân lại bị mẹ đánh hoài, nên cháu T. đã chạy đến BV tìm bố, xin ở với bố.

Một lần, chị H. đi khám bệnh ở TP.HCM, nên gửi cháu T. ở nhà người quen. Vì ở nhà một mình, buồn chán, cháu T. trèo cửa sổ nhảy xuống và đi lạc. May mắn là Công an P.6, Q.4, TP.HCM phát hiện, đưa cháu về đồn và gọi điện cho anh D. và chị H. đến nhận con. Anh D. đã đề nghị Công an P.6, Q.4 lập biên bản sự việc. Anh trở về Vũng Tàu, đến tòa án nộp đơn xin thay đổi quyền nuôi con… Nhưng tòa án chưa phân xử, anh D. đã mang con giấu biệt.

Anh xin rút hồ sơ, học bạ của cháu T. ở trường tiểu học Đoàn Kết, nơi cháu T. đang học lớp 3. Cô Vũ Thị Lý, Hiệu trưởng trường cho biết: “Việc anh D. đến trường đề nghị trường cho rút học bạ của cháu T. trong suốt hai năm 2011 và 2012 vừa qua chúng tôi không thể đáp ứng, vì căn cứ quyết định của tòa từ năm 2009, quyền nuôi con vẫn thuộc về chị H.”.

Ngày 24/1/2013, TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lại triệu tập chị H. và anh D. đến tòa xét xử theo yêu cầu nguyên đơn là anh L.V.D. với nội dung thay đổi quyền nuôi con. Phiên tòa tuyên giao quyền nuôi con cho anh D.

Mất con, chị H. kêu cứu khắp nơi, từ công an, tòa án, Hội Phụ nữ đến chính quyền… tại Bà Rịa - Vũng Tàu, nhưng không nơi nào tiếp nhận, ghi nhận để xử phạt hành vi vi phạm luật của anh D.

Chị H. đang kháng cáo và lại mòn mỏi tìm kiếm, đợi chờ…

Nghi Anh 

SỰ ÍCH KỶ NHÂN DANH TÌNH THƯƠNG

Chị H. hiện đang ở nhà thuê, buôn bán đêm hôm để kiếm sống, lại có một đứa con sớm bỏ học, rong chơi… Môi trường sống, cũng như điều kiện kinh tế này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển một cách bình thường của các con, không riêng cháu T. Ngược lại, anh D. là bác sĩ công tác tại một BV lớn, có nhà cửa, học thức, công việc ổn định. Theo chủ quan của tôi, xét về điều kiện, anh D. có nhiều thuận lợi hơn chị H. (dù bản án vẫn ghi “cả hai đều có điều kiện ngang nhau”!). Tòa đã xem xét khía cạnh này để chuyển giao quyền nuôi con cho anh D. (điều 92 và 93 Luật Hôn nhân và gia đình) cũng là để bảo đảm cho cháu T. có một cuộc sống và phát triển bình thường. Như vậy tòa không vi phạm về tố tụng khi đưa ra quyết định giao con cho anh D.

Việc cháu T. tố cáo chị H. bằng những lá thư do chính cháu viết (thư được UBND P.10, TP. Vũng Tàu chứng thực từ tháng 6/2011 và tháng 10/2012) tại tòa, những lá thư này có thể xem là một trong những chứng cứ. Song, cần xem xét một cách toàn diện vì có thể đứa trẻ bị tác động của người cha hay những người khác trong gia đình mà có thái độ như vậy với mẹ. Trong trường hợp đó đúng là nguyện vọng của cháu T., cần phải tôn trọng. Dù vậy, không ai có quyền cấm chị H. thăm, gặp gỡ và chăm sóc con. Cho nên việc anh D. tuyên bố: “Tôi không cung cấp cho ai nơi ở và học tập của con trai tôi, kể cả tòa án, vì tôi thấy không an toàn cho cháu, mẹ cháu sẽ làm hại cháu!” là vi phạm quy định của điều 94, Luật Hôn nhân và gia đình. Căn cứ điều 15, Nghị định số 87/2001/NĐ-CP của Chính phủ, chị H. có quyền yêu cầu chủ tịch UBND phường, xã phạt vi phạm hành chính anh D. và yêu cầu cơ quan thi hành án can thiệp buộc anh D. phải cho chị thăm cháu T., đồng thời thỏa thuận việc thăm nuôi cháu sao cho phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của hai bên.

Tóm lại, dù bất kỳ ai đó nhân danh tình thương yêu con cái mà có những hành vi giành giật, “tẩu tán” con như vậy, dù đúng dù sai, cũng cần phải xem xét lại bản thân mình. Qua cả hai câu chuyện, theo tôi không phải cha hay mẹ mà chính các cháu là những người gánh chịu hậu quả của sự ích kỷ đến nhẫn tâm này...

LS Phạm Lĩnh Sơn
(Phó văn phòng Trợ giúp pháp lý cho Phụ nữ số 6)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI