Cuộc chiến đòi quyền lợi của các bà mẹ đơn thân Trung Quốc

31/03/2021 - 17:55

PNO - Phụ nữ Trung Quốc bắt đầu vận động công khai cho quyền lợi thai sản của mình và chia sẻ rằng sự kỳ thị văn hóa xung quanh việc làm mẹ đơn thân vẫn còn rất gay gắt.

Zou Xiaoqi - bà mẹ đơn thân trở thành nhà hoạt động ở Thượng Hải
Zou Xiaoqi - bà mẹ đơn thân trở thành nhà hoạt động ở Thượng Hải

Trước khi sinh con, Sarah Gao có một công việc bận rộn. Là người đứng đầu một quỹ đầu tư 500 triệu nhân dân tệ (76,8 triệu USD), cô đi công tác liên tục khắp cả nước. Sau đó, cô phát hiện mình có thai. Việc này không nằm trong kế hoạch của cô và bạn trai, nhưng vì đã 40 tuổi nên Gao quyết định giữ lại đứa bé. Tuy nhiên, điều Gao không nhận ra là quyết định đó sẽ dẫn đến một cuộc chiến pháp lý kéo dài gần bốn năm về quyền lợi thai sản.

Sau một thời gian mang thai khó khăn, Gao sinh con gái vào tháng 11/2016. Cô trở lại làm việc sau bảy tháng nghỉ ốm và nghỉ sinh. Trong suốt thời gian nghỉ ốm, công ty chỉ trả cho cô mức lương tối thiểu khoảng 1.000 nhân dân tệ (153 USD)/tháng so với mức lương 30.000 nhân dân tệ (4.606 USD)/tháng của cô. Ngoài ra, công ty không trả lương cho cô trong thời gian nghỉ thai sản.

Không chấp nhận sự bất công này, Gao đòi công ty phải trả toàn bộ lương và trợ cấp nghỉ thai sản theo đúng bảo hiểm xã hội mà công ty đóng theo luật. Nhưng công ty của Gao cho rằng, họ từ chối đóng cho cô do hồ sơ của cô thiếu… giấy đăng ký kết hôn. 

Khi Gao quyết đòi quyền lợi, công ty đã yêu cầu cô từ chức. Ban đầu, Gao từ chối nghỉ việc, nhưng cuối cùng cô đã bị sa thải. Sau đó, Gao đi kiện công ty đòi bồi thường 1 triệu nhân dân tệ (153.645 USD), nhưng cô đã hai lần thua trước tòa kể từ tháng 7/2017 và đang kháng cáo lần thứ ba. Nguyên nhân Gao thua kiện vì “tình trạng không kết hôn mà sinh con là không phù hợp với chính sách quốc gia, do đó thiếu cơ sở pháp lý để cô nhận lương trong thời gian nghỉ thai sản”.

Cuộc chiến pháp lý kéo dài của Gao là những hậu quả mà phụ nữ Trung Quốc phải đối mặt khi họ nuôi con ngoài hôn nhân. Đa số bà mẹ đơn thân không thể tiếp cận các phúc lợi công cộng, từ nghỉ thai sản được trả lương đến bảo hiểm khám tiền sản, vì tình trạng của họ nằm trong vùng xám hợp pháp. Một số thậm chí phải đối mặt với tiền phạt.

phụ nữ có thai độc thân ở Trung Quốc đối mặt với một vùng xám pháp lý nơi họ không thể với các dịch vụ truy cập công cộng cho bản thân và con cái
Bà mẹ đơn thân ở Trung Quốc đối mặt với một vùng xám pháp lý nơi họ không thể  tiếp cận các phúc lợi công cộng cho bản thân và con cái - Ảnh: Getty Images

Dân số Trung Quốc đang già đi và chính phủ nước này muốn thúc đẩy tỷ lệ sinh cao hơn bằng cách nới lỏng luật kế hoạch hóa gia đình vào năm 2015 để mỗi gia đình có thể sinh hai con. Tuy nhiên, luật không thay đổi liên quan đến các ông bố, bà mẹ đơn thân. Không có số liệu thống kê chính thức về số lượng các hộ gia đình đơn thân ở Trung Quốc, nhưng cuộc khảo sát của Ủy ban Y tế quốc gia năm 2014 ước tính có gần 20 triệu bà mẹ đơn thân vào năm 2020.

Nhiều người trong số họ là đơn thân sau ly hôn. Tỷ lệ ly hôn ở nước này tăng gần gấp đôi từ năm 2009 đến 2018. Bên cạnh đó, chính sách Trung Quốc không cấm phụ nữ chưa kết hôn sinh con một cách rõ ràng, nhưng nói rằng “nhà nước khuyến khích vợ chồng sinh hai con” và điều này được hiểu là, chỉ vợ chồng hợp pháp mới có thể sinh con. 

Trước những bất công này, Gao và một số bà mẹ đơn thân đã lập một nhóm nhỏ kiến nghị với Ủy ban Các vấn đề pháp lý để đòi quyền lợi của mình. Gao nói, cô không kỳ vọng sẽ có kết quả ngay lập tức, nhưng hy vọng yêu cầu của mình sẽ được “ngó đến” trong tương lai. 

Mới đây, tỉnh Quảng Đông và Thượng Hải đã thay đổi quy định để phụ nữ không phải cung cấp bằng chứng kết hôn khi nhận trợ cấp. Điển hình là Zou Xiaoqi, một bà mẹ đơn thân đã kiện một quan chức ở Thượng Hải vào năm 2017 để đòi tiền lương nghỉ thai sản và các quyền lợi bảo hiểm công cộng. Sau nhiều năm hầu tòa và đấu tranh không mệt mỏi, Zou đã nhận được trợ cấp của mình hồi đầu tháng Ba.

Zou tin rằng, luật pháp phải thay đổi vì sự kỳ thị văn hóa vẫn còn rất gay gắt. “Tác động trực tiếp là các bà mẹ đơn thân ngoài việc chăm con nhỏ lại rơi vào những khó khăn về kinh tế. Tác động gián tiếp là có người ngại lên tiếng, ngại đối mặt với xã hội và sợ sẽ bị trù dập”, Zou nói.

 Lệ Chi (theo AP, SMCP)

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI