Cuộc chiến đối phó với bệnh lạ ở châu Phi

02/04/2024 - 06:24

PNO - Hội chứng gật đầu (hay bệnh gật gù) gây ra nhiều khổ sở cho người nhiễm, ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất, não bộ và thường xuyên dẫn tới những cơn co giật nguy hiểm. Nguyên nhân của chứng rối loạn thần kinh kỳ lạ này vẫn chưa được lý giải.

Khi cơn co giật của Tabo (17 tuổi) bắt đầu, nhóm trẻ nhỏ xung quanh sợ hãi, lùi xa. Tabo khó nhọc thở dốc một lúc rồi ngã xuống đất bất tỉnh. Mẹ em - bà Penina Monyo Gulu Biro - nhẹ nhàng ôm lấy con gái, chờ em dần tỉnh lại.

Tabo được mẹ đỡ ngồi dậy khoảng 2 phút sau đó. Nước mắt em giàn giụa. “Con bé khóc vì buồn. Nó không muốn phải sống thế này” - bà Biro nói. Năm 2016, Tabo được chẩn đoán mắc hội chứng gật đầu. Cũng chính chứng rối loạn thần kinh khó hiểu này đã khiến một người con gái khác của bà Biro tử vong khi mới 10 tuổi.

Tabo (trái) đứng cạnh mẹ. 8 năm qua, hội chứng gật đầu  đã khiến em bị cộng đồng xa lánh - Nguồn ảnh: The Guardian
Tabo (trái) đứng cạnh mẹ. 8 năm qua, hội chứng gật đầu đã khiến em bị cộng đồng xa lánh - Nguồn ảnh: The Guardian

Căn bệnh kỳ lạ này được phát hiện lần đầu ở Tanzania vào những năm 1960. Vài thập niên sau, nó lan đến Nam Sudan và Uganda trong cùng khu vực Đông Phi. 5 năm trở lại đây, các chuyên gia y tế đã xác nhận nhiều ca bệnh mới tại hàng loạt quốc gia khác thuộc Trung Phi.

Bang Tây Equatoria (miền nam Nam Sudan) hiện có tỉ lệ người nhiễm bệnh cao nhất thế giới, với hơn 6.000 trường hợp. “Số ca mắc mới đang gây hoang mang cho chúng tôi” - bác sĩ, nhà nghiên cứu Stephen Jada - cộng tác khám chữa bệnh cùng tổ chức viện trợ Amref Health Africa - chia sẻ. Đây là đơn vị tiên phong của Nam Sudan trong việc kiểm soát và điều trị hội chứng gật đầu. Amref thuộc Liên minh Phòng chống Hội chứng gật đầu (NSA), bao gồm nhiều tổ chức xã hội và trung tâm nghiên cứu uy tín, thành lập từ năm 2019.

Gần Mvolo, Tây Equatoria có một số trung tâm điều trị đặc biệt do NSA xây dựng. Thế nhưng ở đây vẫn thiếu cơ sở chữa trị cần thiết cho những bệnh nhân như Tabo, dù khu vực này là “điểm nóng” của căn bệnh.

Giới nghiên cứu đã nhận ra mối liên hệ giữa hội chứng gật đầu và những ca mù vì bệnh do nhiễm giun chỉ phát triển từ những ấu trùng từ ruồi đen vốn sinh sản ở nhiều con sông trong vùng (bệnh mù sông). Bác sĩ Jada - tổ chức Amref - tiết lộ: “Chúng tôi quan sát thấy trong những cộng đồng dân cư sống bên sông, khi số ca mắc bệnh mù sông tăng cao, hội chứng gật đầu gần như tăng theo cùng lúc. Ngược lại, càng cách xa sông ngòi, số người nhiễm bệnh càng giảm dần”. Bác sĩ này nhận định chứng rối loạn đó có thể là một hình thái khác, liên quan trực tiếp đến bệnh mù sông: “Chúng tôi vẫn đang điều tra về cách giun chỉ ký sinh làm thế nào để gây ra cả 2 trạng thái bệnh lý”.

Để phòng ngừa cả 2 căn bệnh, đã có những chiến dịch điều trị chứng mù sông bằng thuốc chống ký sinh trùng. Người dân địa phương cũng được khuyến khích thường xuyên phát quang cây cỏ, bụi rậm ven sông - nơi ruồi đen thường đẻ trứng - để giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh.

Ở một số vùng thuộc Uganda và Nam Sudan, nỗ lực của cộng đồng đã tạo được bước tiến tích cực: số ca bệnh gật gù mắc mới giảm thấy rõ khi ruồi đen và bệnh mù sông bị đẩy lùi.

Như Ý (theo The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI