Cuộc chiến dai dẳng của phụ nữ mang “nỗi đau da cam”

08/05/2024 - 06:10

PNO - Ngày 7/5, phiên tòa phúc thẩm tại Pháp xem xét vụ kiện của bà Trần Tố Nga (82 tuổi) chống lại 14 công ty đa quốc gia sản xuất và tiếp thị “chất độc màu da cam” mà quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Phiên tòa lịch sử này là cơ hội quan trọng để đòi lại công lý cho các nạn nhân sau gần 50 năm kết thúc chiến tranh.

Hy vọng đảo ngược phán quyết bất lợi

Vào ngày 10/5/2021, Tòa đại hình Evry (Pháp) tuyên bố không chấp nhận yêu cầu của bà Trần Tố Nga - một nhà báo và nhà hoạt động người Pháp gốc Việt - trong vụ kiện 14 công ty Mỹ bị cáo buộc liên quan đến quá trình sản xuất “Chất độc màu da cam”.

Năm 1961, trong chiến tranh Việt Nam, Mỹ đã phát động một chiến dịch trên không kéo dài 10 năm mang tên Ranch Hand nhằm mục đích phát quang thảm thực vật và giảm độ che phủ rừng tại miền Bắc Việt Nam. Vào thời điểm chiến dịch kết thúc năm 1971, khoảng 75 triệu lít thuốc diệt cỏ đã được rải trên gần 15% lãnh thổ Việt Nam. Tổng cộng có 6 chất làm rụng lá được sử dụng và 4 trong số đó có chứa dioxin.

Vì chất độc màu da cam là chất diệt cỏ được phun rộng rãi nhất (45,6 triệu lít), nó đã gắn liền với nỗi đau của các nạn nhân dioxin tại Việt Nam - ước tính vào khoảng 4,8 triệu người theo dữ liệu từ Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam (VAVA).

Bà Trần Tố Nga trong buổi phỏng vấn tại Hà Nội vào tháng 4/2023 - Nguồn ảnh: AFP/JIJI
Bà Trần Tố Nga trong buổi phỏng vấn tại Hà Nội vào tháng 4/2023 - Nguồn ảnh: AFP/JIJI

Nhiều lần tiếp xúc với chất độc da cam khi làm báo ở Việt Nam từ tuổi 24, bà Trần Tố Nga mắc nhiều bệnh lý nghiêm trọng như ung thư vú, tiểu đường type 2, các vấn đề về tim và phổi, dị ứng insulin hiếm gặp và các bệnh hiểm nghèo khác. 3 cô con gái của bà cũng là nạn nhân gián tiếp của chất độc này, trong đó 1 người đã qua đời do dị tật tim. Để được tòa án Pháp xem xét yêu cầu bồi thường thiệt hại, bà Trần Tố Nga lập luận: các công ty bị đơn không thể dựa vào nguyên tắc tập quán về quyền miễn trừ tài phán của nhà nước, vốn được áp dụng theo Công ước của Liên hiệp quốc ngày 2/12/2004 về quyền miễn trừ pháp lý của các quốc gia. Nguyên tắc này ngụ ý rằng bất kỳ quốc gia có chủ quyền nào đều không phải chịu trách nhiệm về hành động của mình trước thẩm quyền tài phán của quốc gia khác. Quyền miễn trừ cũng áp dụng cho các cá nhân khi họ hành động theo lệnh hoặc thay mặt cho một nhà nước và diễn ra trong khuôn khổ hành động có chủ quyền của nhà nước.

Trong trường hợp của mình, để buộc 14 công ty Mỹ phải chịu trách nhiệm về “những sai sót trong sản xuất và cung cấp chất độc da cam”, bà Nga đặc biệt lập luận rằng các công ty được đề cập đã tự đặt ra các phương pháp sản xuất chất độc dioxin và có đầy đủ kiến thức về độc tính của sản phẩm nhưng không báo cáo cho Chính phủ Mỹ. Theo nghĩa này, họ không thể được coi là đã hành động dưới sự ép buộc thay mặt cho Nhà nước Mỹ và không thể áp dụng nguyên tắc miễn trừ quyền tài phán. Đáp lại, 14 công ty đa quốc gia lập luận rằng đơn hàng chất độc da cam là do Chính phủ Mỹ ra lệnh thực hiện, các quan chức Mỹ biết mức độ nguy hiểm thực sự của sản phẩm. Do đó, họ đã hành động theo lệnh và được hưởng quyền miễn trừ pháp lý.

Bà Trần Tố Nga (thứ hai từ phải sang) và những người ủng hộ trong cuộc biểu tình phản đối các công ty hóa chất chịu trách nhiệm về chất độc màu da cam tại quảng trường Cộng Hòa  ở Paris, ngày 4/5/2024 - Nguồn ảnh: TTXVN
Bà Trần Tố Nga (thứ hai từ phải sang) và những người ủng hộ trong cuộc biểu tình phản đối các công ty hóa chất chịu trách nhiệm về chất độc màu da cam tại quảng trường Cộng Hòa ở Paris, ngày 4/5/2024 - Nguồn ảnh: TTXVN

Phiên tòa tháng 5/2021 ra phán quyết có lợi cho các công ty bị đơn. Tòa cho rằng việc sản xuất và phân phối chất độc màu da cam là một phần trong “yêu cầu mà các công ty bị kiện không thể phản đối” của chính quyền Mỹ.

“Chúng tôi sẽ đi đến cùng”

Dù bị tòa án Pháp bác đơn kiện, bà Nga vẫn kiên quyết tham gia “trận chiến cuối cùng của đời mình” trong phiên điều trần phúc thẩm ngày 7/5. Bà tin bản thân có trách nhiệm đứng lên bảo vệ các nạn nhân với vai trò là một nhân chứng sống, nếu không thì thảm kịch chất độc da cam sẽ dần trôi vào quên lãng. Hơn nữa, bà hy vọng phiên tòa sẽ tạo tiền lệ và thúc đẩy sự công nhận của quốc tế đối với tội “diệt chủng sinh thái” (ecocide). Hoạt động tích cực của bà đã thu hút được một làn sóng đoàn kết xuyên quốc gia, đặc biệt là ở châu Âu - nơi đang dấy lên phong trào yêu cầu xem xét tội diệt chủng sinh thái như một tội ác quốc tế.

Trong ngày 4/5, tại quảng trường Cộng Hòa ở thủ đô Paris (Pháp), hơn 200 Việt kiều và bạn bè Pháp đã tụ họp để bày tỏ sự ủng hộ vụ kiện của bà Nga. Đối mặt với những “gã khổng lồ” trong ngành hóa chất, luật sư William Bourdon và Bertrand Repolt sẽ bào chữa cho bà Nga cũng như hàng triệu nạn nhân của chất độc màu da cam Việt Nam. Sandrine Rousseau - nghị sĩ Pháp và là thành viên của Tổ chức Sinh thái châu Âu - The Greens (EELV) - nhấn mạnh: những hậu quả từ việc Monsanto - một trong những công ty liên quan đến sản xuất chất độc màu da cam - sản xuất và phân phối hóa chất độc hại vẫn tồn tại liên tục cho đến ngày hôm nay. Bà Rousseau cho rằng, không chỉ tập đoàn này mà toàn bộ ngành thuốc trừ sâu, hóa chất nông nghiệp đã làm ảnh hưởng đến sức khỏe của nhiều thế hệ.

Chia sẻ với Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM (VOH), bà Nga cho biết, cuộc họp báo trước phiên tòa chủ yếu để đánh động dư luận xã hội, dư luận quốc tế. Thừa nhận đây là cuộc chiến “không cân sức”, bà nói thêm: “Tại phiên tòa này, nếu gọi là thắng thì chỉ là tòa sẽ chấp nhận điều chúng ta tranh luận về việc đưa ra xét xử vụ kiện, còn việc các công ty Mỹ có tội hay không thì còn lâu dài lắm. Mục tiêu của chúng tôi là muốn cho thế giới biết về thảm họa da cam và một vấn đề lớn của hiện nay đó là ô nhiễm môi trường”.

Tấn Vĩ (theo RFI, VOH, Le Monde, Al Jazeera)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI