Cuộc chiến dai dẳng chống “hóa chất vĩnh cửu” PFAS

30/12/2023 - 13:47

PNO - PFAS là nhóm hóa chất nhân tạo không phân hủy tự nhiên. Chúng xuất hiện khắp mọi nơi, từ vật dụng gia đình, bao bì sản phẩm đến quần áo. Nghiên cứu cho thấy, PFAS có khả năng kích thích ung thư phát triển và di căn, đe dọa sức khỏe mọi người.

PFAS là nhóm hóa chất nhân tạo không phân hủy tự nhiên. Chúng xuất hiện khắp mọi nơi, từ vật dụng gia đình, bao bì sản phẩm đến quần áo. Nghiên cứu cho thấy, PFAS có khả năng kích thích ung thư phát triển và di căn, đe dọa sức khỏe mọi người.

Chất gây ung thư nguy hiểm

Nghiên cứu mới công bố trên Tạp chí Environmental Science & Technology đã phân tích mức độ phơi nhiễm thường xuyên với PFAS. Theo dữ liệu, nồng độ PFAS trong máu của lính cứu hỏa có xu hướng cao hơn so với dân số nói chung, do họ thường xuyên tiếp xúc với bọt chữa cháy chứa PFAS. Đồng thời, họ cũng có nhiều khả năng mắc và tử vong do ung thư hơn trung bình dân số nói chung, bao gồm ung thư đại trực tràng (CRC).

 

Gia đình và bạn bè của Amara Strande trong một cuộc vận động các nhà lập pháp thông qua luật ngăn chặn hóa chất PFAS - Nguồn ảnh: Deena Winter/Minnesota Reformer
Gia đình và bạn bè của Amara Strande trong một cuộc vận động các nhà lập pháp thông qua luật ngăn chặn hóa chất PFAS - Nguồn ảnh: Deena Winter/Minnesota Reformer

Trong nghiên cứu, quá trình tiếp xúc với PFAS trong phòng thí nghiệm đã khiến các tế bào ung thư CRC di chuyển đến vị trí mới, cho thấy nguy cơ tiềm tàng trong việc thúc đẩy ung thư di căn ở các sinh vật sống. PFAS là các hóa chất do con người tạo ra dựa trên liên kết carbon-flo. Ứng với biệt danh “hóa chất vĩnh viễn”, các liên kết này rất bền và khó phân hủy, khiến PFAS được sử dụng phổ biến trong nhiều loại sản phẩm. Thật không may, đặc tính ấy cũng cho phép chúng tồn tại trong môi trường suốt nhiều năm với nồng độ tích lũy ngày càng tăng.

Nhiều loại “hóa chất vĩnh viễn” được sử dụng làm lớp phủ chống dính, thiết bị chống cháy, quần áo chống thấm và vẫn còn hiện diện trong các vật dụng hằng ngày. Dù mối nguy hiểm của PFAS phần lớn vẫn chưa rõ ràng do chúng bao gồm hàng ngàn hợp chất khác nhau; nghiên cứu chỉ ra rằng, việc tiếp xúc với PFAS ở mức độ cao có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe ở người và động vật. Hợp chất PFAS phổ biến - perfluorooctanoic acid (PFOA) được Cơ quan Nghiên cứu Ung thư quốc tế phân loại là chất gây ung thư cho con người vào tháng 11/2023 và perfluorooctanesulfonic acid (PFOS) được phân loại là có thể gây ung thư cho con người.

Cuộc chiến dai dẳng

Trong lần cuối cùng Amara Strande làm chứng trước các nhà lập pháp bang Minnesota (Mỹ) vào tháng 3/2023, giọng cô run rẩy do tác dụng phụ của khối u đè lên cổ họng và căn bệnh ung thư di căn qua phổi. Đây là lần thứ năm Strande nói chuyện với các nhà lập pháp tiểu bang để vận động cho luật cấm nhóm hóa chất độc hại PFAS mà cô cho là nguyên nhân gây ra dạng ung thư gan hiếm gặp của mình.

Cô gái trẻ mặc chiếc áo khoác màu hạt dẻ, che đi vô số vết sẹo trên cơ thể - hậu quả của 20 cuộc phẫu thuật kể từ khi được chẩn đoán mắc bệnh năm 15 tuổi. Vào ngày 14/4, Strande qua đời ở tuổi 20, chỉ vài tuần trước khi các nhà lập pháp thông qua đạo luật hiện được gọi là “Luật Amara” - cấm sử dụng PFAS ở bang Minnesota.

Cái chết của Strande làm chấn động vùng ngoại ô phía đông khu đô thị Twin Cities, nơi gia đình cô sinh sống và cũng là nơi tập đoàn 3M - công ty tiên phong về PFAS - đặt trụ sở chính cùng nhà máy sản xuất nhiều sản phẩm chứa PFAS. Để tôn vinh Strande, bạn bè và gia đình đã tiếp tục cuộc chiến của cô. Stephanie Stohler - phát ngôn viên của tổ chức nghiên cứu, vận động vì sức khỏe Toxic Free Future - cho biết, Strande đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy luật cấm PFAS. 

Xa hơn, ở thành phố Worcester, bang Massachusetts (Mỹ), Diane Cotter vẫn đang tham gia một cuộc chiến lâu dài ngay từ phòng đan len của mình. Cô chia sẻ: “Đây là nơi tôi nghiên cứu luật pháp và các chiến lược đấu tranh". Cuộc chiến của gia đình Cotter bắt đầu vào một đêm muộn năm 2014, khi chồng cô - Paul Cotter - một lính cứu hỏa lâu năm ở Worcester, được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt. Các biến chứng do điều trị buộc Paul phải từ bỏ sự nghiệp lính cứu hỏa. Chẳng bao lâu sau, chứng trầm cảm tiếp tục ập đến với Paul.

Thao thức đêm này qua đêm khác, Cotter tìm kiếm manh mối về việc liệu điều gì đó trong công việc của chồng cô có thể gây ra bệnh ung thư hay không. Sau cuộc trò chuyện với nhà hoạt động môi trường Erin Brockovich, cô tập trung vào hóa chất PFAS. Thiết bị bảo hộ cá nhân của lính cứu hỏa được xử lý bằng PFAS, giúp hạn chế khả năng chúng bị dính chất lỏng dễ cháy trong trường hợp hỏa hoạn.

Gần một thập niên trôi qua, Diane Cotter đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các nhà khoa học, lính cứu hỏa và chính trị gia cân nhắc sự hiện diện của PFAS trong thiết bị bảo hộ của lính cứu hỏa. Giờ đây, lính cứu hỏa được khuyến khích chỉ mặc đồ bảo hộ khi cần thiết để giảm thiểu tiếp xúc với PFAS. Điều đó nghĩa là họ phải cởi chúng ra ngay lập tức sau khi chữa cháy và không mặc trang phục này trong các cuộc diễu hành, thuyết trình tại trường học cũng như các sự kiện khác.

 Tấn Vĩ (theo NC Health News, Science Alert, Washington Post)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI