Báo cáo tại hội thảo, ông Nguyễn Chấn - Trưởng phòng Quản lý dịch vụ Cục Phát thanh Truyền hình & Thông tin điện tử (Cục PTTH&TTĐT - Bộ TT&TT) cho biết, hiện cả nước có 35 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền với 13,8 triệu thuê bao.
|
Ông Nguyễn Chấn báo cáo về tình hình hoạt động của truyền hình trả tiền tại Việt Nam |
Hiện tại Việt Nam có 5 loại hình dịch vụ truyền hình trả tiền là truyền hình cáp (10 triệu thuê bao), truyền hình kỹ thuật số mặt đất (200.000 thuê bao), truyền hình số vệ tinh (1 triệu thuê bao), truyền hình di động (480.000 thuê bao) và phát thanh truyền hình trên mạng internet (1 triệu thuê bao).
Tại Việt Nam hiện có 87 kênh phát thanh trong nước, 199 kênh truyền hình trong nước và 70 kênh truyền hình nước ngoài đang phát sóng. Doanh thu năm 2019 của toàn thị trường truyền hình trả tiền tại Việt Nam ước đạt 8.600 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm nay, doanh thu của thị trường truyền hình trả tiền tại Việt Nam hiện đạt 4.400 tỷ, tăng 5,7% so với con số 4.160 tỷ đồng ở thời điểm cùng kỳ năm ngoái. Số lượng thuê bao sử dụng dịch vụ tăng trưởng 27% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo đánh giá của Cục PTTH&TTĐT, cơ bản thị trường truyền hình tại Việt Nam hoạt động ổn định. Tuy nhiên, các doanh nghiệp quy mô nhỏ đang gặp nhiều khó khăn do sự tác động của COVID-19. Do vậy, trong thời gian tới, một số doanh nghiệp có quy mô nhỏ không vượt qua được khó khăn sẽ phải rút lui khỏi thị trường.
Ngoài ra, sự ảnh hưởng đó còn đến từ các dịch vụ mới đang phát triển mạnh, điển hình như thuê bao của truyền hình internet đang ngày một tăng. Tính đến tháng 8/2020, đã có tổng cộng 30 triệu lượt tải và đăng ký ứng dụng xem truyền hình của các doanh nghiệp trong nước.
Để bắt kịp thị trường, 20/35 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền tại Việt Nam đang triển khai cung cấp thêm dịch vụ truyền hình internet, đáp ứng nhu cầu xem truyền hình trên các thiết bị di động và xu hướng cá nhân hóa nội dung của người dùng.
Doanh thu của dịch vụ truyền hình internet đã tăng gấp 5 lần trong khoảng thời gian từ năm 2017-2019. Tuy vậy, về tỷ trọng doanh thu giữa truyền hình internet (khoảng 120 tỷ) và truyền hình truyền thống (gần 8.600 tỷ) vẫn còn một khoảng cách rất lớn.
Ngoài ra, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền trong nước đang phải chịu sức ép không nhỏ từ các nền tảng truyền hình xuyên biên giới như iQIYI, iFlix, Netflix.
|
Ông Lê Đình Cường - Phó chủ tịch Hiệp hội Truyền hình Trả tiền Việt Nam |
Về vấn đề này, ông Lê Đình Cường - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Truyền hình Trả tiền Việt Nam cho rằng, Việt Nam đang phải chịu không ít áp lực từ giới truyền thông nước ngoài đối với việc thắt chặt quản lý các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền xuyên biên giới.
"Chúng ta vẫn cần phải có biện pháp quản lý quảng cáo và doanh thu để yêu cầu các doanh nghiệp truyền hình xuyên biên giới đóng góp bình đẳng như các doanh nghiệp Việt Nam", ông Cường nói.
Tại hội thảo, các điểm mới trong Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 06/2016 cũng được đưa ra thảo luận. Đáng chú ý trong đó là việc sửa đổi, bổ sung Khoản 4, Điều 5 (Chính sách quản lý dịch vụ phát thanh, truyền hình) của Nghị định 06/2016 đã bao trùm cả đối tượng là hoạt động cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trên mạng internet cung cấp xuyên biên giới tới người sử dụng trên lãnh thổ Việt Nam.
"Quản lý việc cung cấp nội dung thông tin trên dịch vụ phát thanh, truyền hình theo quy định của pháp luật về báo chí, điện ảnh; quản lý hạ tầng kỹ thuật truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình theo quy định của pháp luật về viễn thông; quản lý hoạt động cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình tại Việt Nam, bao gồm cả dịch vụ phát thanh, truyền hình trên mạng internet cung cấp xuyên biên giới tới người sử dụng trên lãnh thổ Việt Nam phải tuân thủ theo quy định tại Nghị định này và quy định của pháp luật liên quan", nội dung sửa đổi, bổ sung Khoản 4, Điều 5 nêu rõ.
|
Toàn cảnh buổi hội thảo |
Ngoài ra, việc bổ sung Điều 20a về việc biên tập, biên dịch nội dung phát thanh truyền hình theo yêu cầu cũng được đánh giá có tính cởi mở hơn với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khi cho phép cung cấp dịch vụ căn cứ quy định của pháp luật, chủ động triển khai biên tập nội dung trước khi cung cấp.
Với nội dung phát thanh truyền hình nước ngoài, việc biên dịch được thực hiện theo nhu cầu thị trường, đảm bảo tôn trọng, bảo tồn sự trong sáng của tiếng Việt.
Trước đó, trao đổi với báo Phụ Nữ TPHCM, ông Lê Đình Cường cho biết, Hiệp hội Truyền hình Trả tiền Việt Nam đã văn bản gửi Thủ tướng yêu cầu khẩn thiết đề nghị cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là Bộ TT&TT, Bộ Tư pháp, cơ quan quản lý khác liên quan kiến nghị sớm hoàn thiện văn bản pháp lý là Nghị định 06 sửa đổi bổ sung để quản lý và xử phạt các vi phạm về nội dung chương trình, các kênh phát thanh truyền hình xuyên biên giới.
Đồng thời việc sửa quản lý, cấp phép cho tất cả các đối tượng trong và ngoài nước theo đúng quy định của pháp luật khi thực hiện cung cấp dịch vụ THTT trên lãnh thổ Việt Nam.
Trong kiến nghị của hiệp hội cũng nêu rõ, nếu khối lượng nội dung chương trình từ nước ngoài quá lớn, chưa có công cụ quản lý hữu hiệu thì cần tạm thời chưa cấp phép cung cấp dịch vụ OTT trực tuyến xuyên biên giới của các đơn vị nước ngoài tại Việt Nam như: Netflix, iFlix, Amazon, Facebook (Mỹ), WeTV, iQIYI (Trung Quốc)…
|
An Vũ