Cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung ngày càng căng thẳng

28/06/2020 - 13:18

PNO - Chính quyền Mỹ liệt kê Huawei và công ty giám sát video Hikvision vào nhóm 20 doanh nghiệp do quân đội Trung Quốc sở hữu hoặc kiểm soát.

Theo hãng Reuters hôm 25/6, chính quyền Mỹ liệt kê gã khổng lồ công nghệ Huawei và công ty giám sát video Hikvision vào nhóm 20 doanh nghiệp do quân đội Trung Quốc sở hữu hoặc kiểm soát, đặt nền móng cho các biện pháp trừng phạt tài chính mới của Mỹ.

Danh sách đen của Mỹ

Washington đưa Huawei và Hikvision vào danh sách đen thương mại năm 2019 vì những lo ngại về an ninh quốc gia và đã dẫn đầu một chiến dịch quốc tế để thuyết phục các đồng minh loại trừ Huawei khỏi mạng 5G. Bên cạnh Huawei và Hikvision, tài liệu vừa được tiết lộ của Bộ Quốc phòng Mỹ (DOD) còn liệt kê 18 công ty khác hoạt động tại Mỹ mà Washington cáo buộc có sự hậu thuẫn từ quân đội Trung Quốc, bao gồm Tập đoàn Truyền thông di động Trung Quốc, Tập đoàn Viễn thông Trung Quốc cũng như nhà sản xuất máy bay Aviation Industry Corp.

Mẫu chip do Công ty HiSilicon thiết kế, được trưng bày tại hội nghị đối tác của Huawei tại tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc ngày 21/3/2019 - Ảnh: Reuters
Mẫu chip do Công ty HiSilicon thiết kế, được trưng bày tại hội nghị đối tác của Huawei tại tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc ngày 21/3/2019 - Ảnh: Reuters

Danh sách do Bộ Quốc phòng Mỹ lập ra dựa trên điều luật năm 1999, trong đó yêu cầu công bố các công ty Trung Quốc có yếu tố quân sự hoạt động tại Mỹ trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ thương mại, sản xuất, lắp ráp hoặc xuất khẩu. Lầu Năm Góc không trực tiếp đưa ra các hình phạt, nhưng luật nói rằng, Tổng thống có thể áp dụng các biện pháp trừng phạt, chẳng hạn như phong tỏa tất cả tài sản của các bên được liệt kê.

Hiện Nhà Trắng chưa đưa ra bình luận thêm, nhưng một quan chức chính quyền cấp cao cho biết, danh sách từ DOD có thể được xem là công cụ hữu ích cho chính phủ, các công ty, nhà đầu tư, tổ chức học thuật và các đối tác tương tự để xem xét mối quan hệ đối tác với các thực thể này, đặc biệt là khi danh sách còn có thể tăng thêm.

Căng thẳng leo thang

Danh sách trên dự báo làm gia tăng căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, vốn đang đối đầu về việc xử lý đại dịch COVID-19 và nhiều vấn đề khác. Một số nhà cung cấp ở Mỹ của Huawei và Hikvision buộc phải xin giấy phép trước khi bán linh kiện theo quy tắc mới phát hành tháng Năm, trong đó mở rộng quyền hạn của Mỹ trong việc yêu cầu giấy phép vận chuyển một số chip sản xuất ở nước ngoài. Nhưng các luật sư trong ngành và một số nhà lập pháp cho rằng, quy tắc này quá phức tạp, không rõ ràng và mang tính đánh đố khi tồn tại những lỗ hổng cho phép giao dịch nằm ngoài tầm kiểm soát.

Trước luồng ý kiến trên, Bộ Thương mại Mỹ gửi thư cho một số nhà thiết kế, sản xuất chất bán dẫn quốc tế và nội địa trong tháng Sáu để làm sáng tỏ hơn về quy tắc.

Đến ngày 22/6, phía Đài Loan cho biết, Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) đã thay thế toàn bộ các đơn đặt hàng từ bộ phận chip HiSilicon của Huawei. Trước đó, tháng Năm, công ty tiết lộ kế hoạch xây dựng nhà máy trị giá 12 tỷ USD tại Mỹ chỉ vài giờ trước khi Bộ Thương mại nước này đưa ra đề xuất sửa đổi quy tắc xuất khẩu chip.

Tuy nhiên, Eric Tseng - Giám đốc điều hành Công ty Nghiên cứu bán dẫn Isaiah Capital & Research (Đài Loan) - tiết lộ, có những dấu hiệu cho thấy Huawei dự trữ đủ số chip trạm gốc 5G để tồn tại đến nửa đầu năm 2021.

Châu Âu đứng giữa hai chiến tuyến

Jörg Wuttke - Chủ tịch Phòng châu Âu tại Bắc Kinh và Đại diện trưởng của công ty hóa dầu khổng lồ Đức BASF tại Trung Quốc - nhận định: "Đại dịch là thách thức mà tôi nghĩ châu Âu có thể xử lý, nhưng khi hai cường quốc đối đầu, bạn khó có thể đứng sang một bên và không bị ảnh hưởng". Lý do là, một khía cạnh quan trọng của quy trình sản xuất chất bán dẫn không do công ty Mỹ kiểm soát. Thị trường máy in thiết kế chip lên các tấm đế (wafer) bị chi phối bởi Công ty ASML có trụ sở tại châu Âu, với hơn 60% thị phần, trong khi các nhà cung cấp Canon và Nikon của Nhật Bản chiếm phần lớn còn lại. Riêng trong phân khúc tấm đế cực tím tiên tiến (EUV), ASML là nhà cung cấp duy nhất cho Samsung, TSMC và Intel.

Các công ty châu Âu hiện đang “dò đường trong bóng tối” do sự không chắc chắn từ đại dịch và nguy cơ bị cuốn vào cuộc chiến lâu dài giữa Mỹ - Trung Quốc. Ông Wuttke cho biết: “Khi nói đến cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, cuộc chiến công nghệ đang là điểm nóng cùng với khả năng xảy ra chiến tranh tài chính. Điều này được dự đoán gây thiệt hại nghiêm trọng và chắc chắn mang lại sự lo lắng cao, bởi chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc ngành bán dẫn của Mỹ, đồng thời có một thị trường tiêu thụ khổng lồ ở Trung Quốc”.

Tuy các doanh nghiệp châu Âu phải tiếp tục đối mặt với một sân chơi không công bằng ở Trung Quốc, 88% doanh nghiệp được hỏi vẫn nói rằng, họ không có kế hoạch chuyển dịch đầu tư khỏi Trung Quốc do vẫn tự tin về các cơ hội tăng trưởng của
nước này.

 Tấn Vĩ (theo Reuters, SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI