Phụ nữ TPHCM và hành trình bền bỉ mang hạnh phúc cho cộng đồng - Bài 1:

"Cuộc chiến" chống thực phẩm bẩn

26/12/2022 - 07:31

PNO - Vai trò của phụ nữ trong giải quyết nhiều vấn đề xã hội, mang lại sự bình yên, hạnh phúc cho các gia đình, từ lâu đã được chứng minh. Và để động viên, khuyến khích, hỗ trợ chị em phát huy tốt hơn nữa vai trò ấy, ngày 30/6/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 938/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027” (còn gọi là đề án 938). Đến nay, sau 5 năm triển khai, tại TPHCM đã ghi nhận nhiều kết quả khả quan.

Việc chống thực phẩm bẩn được Hội LHPN các cấp ở TPHCM xem như một “cuộc chiến” nhằm đem lại sức khỏe cho mỗi gia đình. Trong “cuộc chiến” ấy, các cấp hội đã triển khai nhiều cách làm hiệu quả, sáng tạo. 

Xây dựng thương hiệu chợ từ sản phẩm an toàn

Mỗi sáng sớm, cô Lê Thị Ngọc Thúy - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 1 (phường 4, quận 10), thành viên Ban quản lý chợ Nhật Tảo - tranh thủ đi một vòng khắp các ngóc ngách của chợ. Thấy hàng nào có nước đọng, rác tồn đọng hoặc bày hàng lấn ra đường… là cô nhắc nhở để chủ hàng khắc phục. Đã hơn 10 năm phụ trách công việc này nên cô Ngọc Thúy có thể hiểu rõ từng tiểu thương trong hơn 400 gian hàng đang kinh doanh tại chợ. Nếu xuất hiện người mới đến bán các mặt hàng thực phẩm tươi sống hoặc thức ăn đường phố mà chưa đăng ký, cô Ngọc Thúy chủ động có giải pháp giải quyết. “Mình mời họ về sớm để không phải mất tiền trả mặt bằng, nếu họ thực sự muốn bán hàng thì phải đăng ký thuê chỗ, xuất trình giấy tờ đảm bảo nguồn gốc cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) của mặt hàng. Còn nếu bà con nào bán các mặt hàng gia dụng, quần áo thì mình sẽ cho phép” - cô Ngọc Thúy giải thích. Nhiều năm qua, chợ Nhật Tảo chưa lần nào gặp sự cố liên quan đến ATVSTP, kết quả này có vai trò đóng góp tích cực của cô.

Hội viên phụ nữ tham gia phiên chợ xanh tại phường 14, quận 10, TPHCM
Hội viên phụ nữ tham gia phiên chợ xanh tại phường 14, quận 10, TPHCM

Trong vai trò chi hội trưởng, cô Ngọc Thúy rất chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của tiểu thương và người dân về ATVSTP. Ít nhất mỗi tuần 1 lần, cô cùng các hội viên phụ nữ đi phát tờ rơi để vận động bà con chấp hành tốt các biện pháp bảo đảm ATVSTP như sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc rõ ràng, giữ vệ sinh khu vực bếp và các vật dụng nấu, bảo quản thực phẩm cẩn thận… Để tạo dựng lòng tin, đồng thời thuận tiện cho việc xử lý nếu xảy ra vấn đề, cô Ngọc Thúy và chị em hội viên đều sử dụng thực phẩm tại chợ cho bữa ăn trong gia đình. “Mình phải ăn thì mới biết có đảm bảo hay không. Nếu xảy ra chuyện gì thì cứ tới tận nơi mà xử lý” - cô Ngọc Thúy chia sẻ.

Kết nối sản phẩm sạch

Trong 5 năm, từ 2017-2022, Hội LHPN quận 6 đã tổ chức 30 hội thi như: Hội viên phụ nữ với ATVSTP, Người nội trợ

Tin cậy và đồng hành cùng hội 

Dù có rất nhiều nỗ lực, nhưng ai trong chúng ta cũng đều trăn trở về ATVSTP. Bởi như nhiều chị em tâm sự, việc đảm bảo 100% các món ăn trên mâm cơm gia đình hằng ngày đều đảm bảo ATVSTP tuyệt đối là vô cùng khó khăn, vì thỉnh thoảng báo chí vẫn thông tin: rau chỗ này chưa sạch, thịt chỗ kia chưa an toàn, hàng hóa chỗ nọ bị thay nhãn mác, điều chỉnh hạn sử dụng… Bà Phan Thị Thúy Phượng - Giám đốc Công ty Tổng Hợp II - nói: “Cái lợi trước mắt đã khiến nhiều người quên đi vấn đề an toàn, sức khỏe của chính mình và cộng đồng. Chúng tôi nghĩ, hội sẽ phải tiếp tục kiên trì trong cuộc chiến chống thực phẩm bẩn, bảo vệ môi trường. Cuộc chiến này sẽ còn dài và cam go, nhưng chúng tôi tin cậy và đồng hành cùng hội”.

với ATVSTP, Tìm hiểu ATVSTP vì sức khỏe cộng đồng… thu hút gần 4.000 người tham gia. Thế nhưng, theo chị Lương Thị Kim Vân - Phó chủ tịch Hội LHPN quận 6: “Việc chống thực phẩm bẩn và đảm bảo an toàn thực phẩm không chỉ có tuyên truyền mà còn hành động”. Trên thực tế, từ năm 2018, Hội LHPN quận đã chủ động phối hợp ký liên tịch cùng phòng y tế tổ chức hoạt động tuyên truyền chăm sóc sức khỏe, ATVSTP, giám sát, phát hiện và phản ánh kịp thời những vụ vi phạm ATVSTP trong trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, kinh doanh, tiêu thụ thực phẩm… Bên cạnh các buổi truyền thông, nói chuyện chuyên đề, làm tờ rơi, nhãn dán hướng dẫn an toàn thực phẩm… hội còn tổ chức kết nối cho chị em sản xuất kinh doanh thực phẩm sạch, an toàn với người nội trợ qua việc xây dựng các cửa hàng xanh, phiên chợ rau sạch, bách hóa online, giúp cho các gia đình luôn có nguồn thực phẩm sạch, tươi sống và an toàn. Bên cạnh đó, Quận hội còn thực hiện mô hình “Khu phố ẩm thực 3 có, 4 đảm bảo”. Trong đó, “3 có” gồm có giấy đăng ký kinh doanh, có giấy chứng nhận ATVSTP, có giấy xác nhận kiến thức ATVSTP; “4 đảm bảo” là đảm bảo vệ sinh, đảm bảo an toàn, đảm bảo nguồn gốc, đảm bảo chất lượng và sức khỏe.

Chị em hội viên phụ nữ tham quan và học hỏi  kinh nghiệm trồng rau tại một vườn rau thủy canh
Chị em hội viên phụ nữ tham quan và học hỏi kinh nghiệm trồng rau tại một vườn rau thủy canh

Tham dự các chương trình kết nối sản phẩm của hội, chị Vĩ Lê Anh Trúc - Giám đốc Công ty TNHH Nông sản Thạch Anh - cho biết: “Các phiên chợ xanh do hội phụ nữ phối hợp phòng kinh tế và các đơn vị tổ chức hỗ trợ chúng tôi bán hàng không được nhiều, nhưng cái được là sản phẩm của các đơn vị được giới thiệu một cách trân trọng đến với mọi người, tăng thêm uy tín cho thương hiệu. Niềm vui của người sản xuất chính là bắt gặp được người ủng hộ, cùng hướng đến tiêu dùng sản phẩm sạch, an toàn. Hội đã làm cầu nối hiệu quả cho hai phía”. 

Bà Phạm Khánh Phương Lan - Trưởng ban An toàn thực phẩm TPHCM:

Người sản xuất, người kinh doanh thực phẩm cần được đánh thức lương tâm  

Chúng ta chưa bao giờ hết lo lắng về ATVSTP, bởi chúng ta vẫn chưa quản được khâu sản xuất, văn hóa đạo đức kinh doanh và thói quen tiêu dùng... Dù lực lượng thanh tra có đông hơn, phát hiện và xử lý vi phạm nhiều hơn thì cũng vẫn chưa đủ sức ngăn thực phẩm bẩn nếu ý thức của người dân, cộng đồng không được nâng cao. Thiết nghĩ, người sản xuất, người kinh doanh thực phẩm cần được đánh thức lương tâm để làm ăn chính đáng chứ không thể bất chấp vì lợi nhuận. 

Đối với người tiêu dùng, tôi muốn nhấn mạnh vai trò của phụ nữ. Một số lượng rất lớn thực phẩm đang được tiêu thụ tại các bếp ăn gia đình thường do người nội trợ quán xuyến. Họ quyết định lựa chọn thực phẩm nào. Ngay từ ngày đầu thành lập Ban An toàn thực phẩm TPHCM, chúng tôi đã ký kết liên tịch và tổ chức những lớp tập huấn, tuyên truyền nâng cao kiến thức cho hội viên về bảo đảm ATVSTP đến tận quận huyện, phường xã với Hội LHPN TPHCM. Nếu quan tâm cho gia đình, thì chị em sẽ tìm được những thực phẩm sạch với giá cả hợp lý. Nói như vậy để thấy, phụ nữ đóng vai trò rất lớn trong tuyên truyền về thức ăn sạch, nguồn thực phẩm sạch cho nhau để góp phần bảo đảm ATVSTP, nâng cao ý thức cộng đồng.

 Quốc Ngọc (ghi)


 

Diễm Chi - Trang Thư

Bài 2: Qua đoạn đời sóng gió có bàn tay dìu đỡ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI