Cuộc chiến chống quân Trung Quốc xâm lược: Những vết thương không thể tả bằng lời

18/02/2019 - 06:49

PNO - Những ngày này, “ký ức tháng Hai” của bốn mươi năm trước dội về. Biết bao trận đánh, biết bao xương máu của những người lính trẻ măng lẫn thường dân vô tội đã thấm đỏ dọc dải biên cương phía Bắc.

Ngoài những câu chuyện bi thương trên chiến trường chống quân Trung Quốc xâm lược, còn rất nhiều vết thương trong lòng nhiều người dân - những vết thương không thể tả bằng lời.

Tuổi thơ chạy giặc Tàu

Thuộc thế hệ sinh sau, chưa từng được cầm súng chiến đấu trong những ngày tháng ấy, nhưng ông Nguyễn Thanh Sơn - sinh năm 1969, ngụ tại TP.Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn - đã trải qua những tháng ngày sống trong không khí căng thẳng, lo sợ, phải cùng gia đình sơ tán, trốn chạy giặc Tàu.

Cuoc chien chong quan Trung Quoc xam luoc: Nhung vet thuong khong the ta bang loi
Sư đoàn Sao Vàng tri ân đồng đội đã ngã xuống tại Lạng Sơn - Ảnh: Lê Phong

Ngày 17/2/1979, sáng sớm, đã nghe tiếng ùng oàng từ biên giới vọng về thị xã Lạng Sơn (cũ). Những đứa trẻ chín, mười tuổi như Sơn chạy ra phố bám theo các chú, các bác để hóng chuyện, lo sợ xen lẫn thích thú. Trẻ con mà! Những bác vừa trải qua cuộc chiến chống Mỹ bàn tán sôi nổi nhất: tiếng pháo nào của quân ta, tiếng pháo nào của quân Tàu, tiếng nổ nào là của đại bác 130 li...

Gần trưa, có chú bộ đội là người quen của gia đình Sơn đến nhà bảo, đó là tiếng pháo của mình chiếm lại cái chốt bị Tàu cướp: “Gia đình đừng lo! Quân ta một tấc không đi, một li không dời”. Nghe chú nói vậy, mọi người cũng thấy yên tâm hơn. Từ trưa đến chiều, tiếng pháo lúc dồn dập, lúc thưa, nhưng dường như đang dịch gần hơn về phía thị xã. Người lớn lo lắng ra mặt, một số nhà dọn dẹp lại hầm trú ẩn đã được đào từ trước.

Sáng 18/2, vẫn là chú bộ đội quen chạy đến nhà hốt hoảng: “Tình hình không ổn rồi, anh chị cho các cháu đi sơ tán ngay đi”. Thế là tất cả nháo nhào bê nồi niêu, xoong chảo, quần áo, chăn màn, gạo, lợn, gà ầm ĩ cả khu phố. Họ cùng sơ tán về bản Loỏng, xuôi theo Quốc lộ 1, cách thị xã Lạng Sơn chừng 4 - 5km.

Từng đoàn xe ô tô, xe ngựa, xe trâu, rồi cả đoàn người đi bộ, gồng gánh, bồng bế nhau lếch thếch đầy đường. Những người đàn ông quay về thị xã nghe ngóng rồi trở lại bản Loỏng hò hét bảo mọi người lên xe, chạy một mạch về Đồng Mỏ, cách thị xã 32km. Bắt đầu từ đây, gia đình Sơn trải qua những tháng ngày sơ tán.

Đói và mệt. Nét căng thẳng, lo sợ hiện rõ trên từng gương mặt. Gần như tất cả cùng đổ ra đường hỏi từng đoàn người đang chạy giặc: “Tàu đến đâu rồi? Mình có đánh được nó không? Nó có vào thị xã không?”. Chiều ngược lại, những đoàn xe quân sự chạy ầm ầm lên thị xã Lạng Sơn. Không khí lo sợ, căng thẳng bao trùm. Chiều 18/2, bắt đầu thấy bộ đội bị thương, quấn băng trắng ở tay, ở đầu, quần áo nhếch nhác đi lẫn trong đoàn người sơ tán.

Những ngày sau, một bên đường là các chuyến xe quân sự chở bộ đội lên, còn bên kia là những chuyến xe xuôi về, chở theo thương binh, tử sĩ. Có lúc, vài chiếc dừng lại chỗ sơ tán, bà con chạy ra hỏi han, nhìn những túi ni-lông, tăng võng nằm bất động dưới sàn xe bê bết máu, những người lính cởi trần, bị thương ngồi la liệt trên thùng xe, ánh mắt thất thần… Có chú lính mất một tay, nằm trên cáng khóc gọi mẹ, có người động viên, có người nhảy lên thùng xe nâng đầu cho uống nước. Một lúc sau, thấy chú nằm im, đồng đội lấy áo kéo lên che mặt chú lại, mắt đỏ hoe. “Hình ảnh ấy, tôi còn nhớ mãi đến bây giờ. Chiến tranh tàn khốc quá” - ông Sơn lặng đi.

Cuoc chien chong quan Trung Quoc xam luoc: Nhung vet thuong khong the ta bang loi
Chiến sĩ Việt Nam trên trận địa trong chiến tranh biên giới phía Bắc

Ngày tiếp theo, bắt đầu thấy bộ đội của đơn vị thu dung đeo băng đỏ đi dọc đường gom bộ đội chạy về tập hợp lại để phân loại, ai còn khỏe thì giao vũ khí, tiếp tục trở lại chiến đấu. Lúc này, xe chở bộ đội lên tiếp viện rất đông, chạy suốt đêm ngày. Có những đơn vị hành quân, pháo lớn pháo nhỏ sầm sập, tất cả thẳng hướng Lạng Sơn. Những chiếc xe chạy về thì bịt bạt kín mít.

Không ai bảo ai, mọi người đều hiểu đó là xe chở thương binh, tử sĩ. Rồi những thông tin chiến sự dồn dập về, nào là Trung Quốc đánh chỗ này, đánh chỗ kia, lính nó đông lắm, bộ đội mình bắn đạn đỏ nòng mà không xuể, rồi nó đã chiếm thị xã. Ai nghe cũng sợ.

Bố Sơn là lái xe của sở y tế. Một hôm, ông bảo phải chở cán bộ y tế từ nơi sơ tán về thị xã để tẩy trùng. Ông cho Sơn đi theo. Đến thị xã, tất cả phải xuống đi bộ. Bố con Sơn qua nhà trước, các cán bộ y tế thì chuẩn bị xăng bột, thuốc men cho vào cái bình đeo trên lưng và đi theo hướng dẫn của các chú bộ đội.

Lính Trung Quốc vừa rút nên thị xã còn nguy hiểm, thám báo gài lại, đạn cối cắm đầy đường, thò cái đuôi xòe như bông hoa. Dọc đường, nhà cửa bị phá tan hoang, hố đạn pháo chi chít. Lạng Sơn trước chiến tranh là một thị xã đẹp với những hàng phượng vĩ, nhội, những cây dã hương to cỡ một, hai người ôm. Giờ cây thì bật gốc, cây bị đạn pháo phạt ngang phạt dọc, nhựa cây tứa ra thâm đen, đổ ngổn ngang đầy đường.

Về đến nhà, hai bố con thấy mái ngói bị bay hết, chình ình giữa nhà là quả đạn B40; tủ, rương, hòm đều bị cạy phá; trong hầm toàn đạn AK vàng chóe. Ra đến đầu chợ tỉnh (bây giờ là chợ Chi Lăng), bố Sơn chỉ tay bảo: “Người chết kìa”. Sơn thấy một cái xác trương to, cắm đầu vào góc phố, ruồi nhặng bay vo vo. Đi tiếp ra phía UBND tỉnh, biệt thự thời Pháp với hai khẩu thần công ngoài cổng chỉ còn là đống gạch vụn.

Đến gần UBND, thấy có cái biển to cắm giữa đường, chèn bằng mấy hòn gạch. Bố Sơn lại gần đọc: “Nhà báo Nhật Isao Takano chết ở đây”. Ra phía bờ sông Kỳ Cùng, đứng được một lúc, bố Sơn chỉ xuống sông, có một đám xanh xanh đen đen dập dềnh trôi ra rồi lại trôi vào. Ông bảo: “Người đấy”.

Cuoc chien chong quan Trung Quoc xam luoc: Nhung vet thuong khong the ta bang loi
Nhà báo Nhật Isao Takano trong chiến tranh biên giới

Sau khi quân Trung Quốc rút, mọi người tiếp tục ở lại nơi sơ tán. Những túp lều dựng vội bằng tranh tre, nứa lá. Cuộc sống nhiều khó khăn, trong khi từ thị xã lên biên giới, chính quyền chưa cho dân về ở vì tình hình vẫn chưa ổn định. Nó rút về bên kia biên giới nhưng bộ đội ta và nó vẫn xảy ra va chạm, súng đạn vẫn nổ liên miên.

Gia đình Sơn dựng cái lán nhỏ bán dăm điếu thuốc, chén nước chè và Sơn được đi học lại, nhưng không khí vẫn sặc mùi chiến tranh, từng đoàn tàu chở thiết bị quân sự vẫn ngược lên phía Bắc. Trên Quốc lộ 1, những đoàn xe tải, xe tăng, thiết giáp chở người, chở đạn vẫn nối đuôi nhau. Năm 1982, gia đình Sơn mới được trở lại thị xã, kết thúc ba năm “chạy giặc Tàu”.

Tình bạn thiếu thời bị giết chết

Nông Văn Ngàn - người Nùng - từng là sĩ quan của trạm cơ công (trạm sửa chữa thông tin, thuộc Phòng Thông tin của Bộ tham mưu Quân đoàn 26, đóng tại H.Hòa An, tỉnh Cao Bằng). Tháng 9/1978, ông Ngàn là học sinh lớp 9/10 của Trường cấp III thị xã Cao Bằng. Thông thường, đầu năm học, luôn có một tuần học quân sự, nhưng năm đó, ở vùng biên, học sinh cấp III phải học quân sự hơn hai tuần.

Học sinh cả trường được làm quen và sử dụng thành thạo các loại vũ khí gọi là hiện đại bấy giờ như AK47, RPD, RPK, B40, B41, sau khóa học, được bắn đạn thật. Những đứa choai choai này cũng phải học thêm cách cứu thương, giao liên, dẫn đường và các công việc hậu cần khác.

Hồi đó, phương tiện thông tin đại chúng duy nhất ở Cao Bằng là đài phát thanh. Ông Ngàn đã nghe nhiều về việc xô xát giữa người Việt Nam và Trung Quốc ở vành đai biên giới, người Hoa phải di tản về nước hoặc sang nước thứ ba, báo hiệu xa gần về cuộc chiến tranh sẽ nổ ra, chỉ là sớm hay muộn.

Ông và học sinh trường cấp III thị xã cũng đã ý thức được trách nhiệm và nghĩa vụ của một công dân ở tỉnh phên giậu của Tổ quốc. Họ học các chiến thuật của bộ binh như lăn, lê, đi khom, vừa tiến vừa dò mìn, xạ kích ban đêm… Sau đợt học đó, nếu chiến tranh có nổ ra, trường cấp III của ông được trang bị vũ khí thì đó sẽ là một trung đoàn thép.

Với ông, ngoài việc sẵn sàng trở thành chiến sĩ vệ quốc khi mới 14 - 15 tuổi đầu, cuộc chiến chống quân bành trướng Trung Quốc xâm lược, để lại câu chuyện buồn về tình cảm thuở thiếu thời bị giết chết vì âm mưu “vẽ lại đường biên giới” của Bắc Kinh. Lớp ông có ba bạn người Hoa, ông nhớ rất rõ họ tên của cả ba bạn đó là Hoàng Cắm Choóng, Vương Kinh và cô bạn gái Dương Lệ Mẫn. Khi đó, ông đã thắc mắc vì sao ba bạn này và gia đình lại không chạy về Trung Quốc như các gia đình người Hoa khác. Sau này, khi chiến tranh xảy ra, ông mới hiểu việc họ ở lại cũng là nằm trong “kế hoạch”.

Cuoc chien chong quan Trung Quoc xam luoc: Nhung vet thuong khong the ta bang loi
Nữ chiến sĩ dẫn giải tù binh.

Suốt học kỳ I năm đó, cả ba người bạn của ông đều ít nói, thường trầm tư và hay xa lánh các bạn trong lớp dù trước đó, ông Ngàn và họ là những người bạn rất thân. Bạn Mẫn của ông còn thường ngồi khóc một mình. Càng về cuối năm, Mẫn càng hay khóc.

Ông Ngàn nhớ như in, vào buổi học gần cuối trước kỳ nghỉ tết, Mẫn vừa khóc vừa nói với ông rằng: “Tôi với bạn chia tay, tôi nghỉ học, tối nay tôi sẽ đi và biết đâu trong những ngày tới, tôi và bạn sẽ ở hai chiến tuyến”. Vừa dứt, Mẫn nghẹn lời, chạy ào đi. “Lúc đó, tôi rất thương Mẫn nhưng không biết nói gì, tôi chỉ biết đứng nhìn bạn ấy khuất sau cổng trường. Từ hôm sau, cả ba bạn người Hoa không đến lớp nữa. Mà cũng lạ, không một ai trong lớp bàn tán việc này, kể cả thầy cô. Ai cũng coi việc đó như là đương nhiên vậy”.

Cả thị xã Cao Bằng vẫn ăn tết bình thường, nhưng có điều bất thường là năm đó cấm đốt pháo đêm giao thừa, có lẽ ta sợ bọn gián điệp nhân lúc pháo nổ sẽ phá hoại. Ngay sau ba ngày tết, cuộc sống đã trở lại bình thường. Học sinh cấp III thị xã một buổi đi học, một buổi đào giao thông hào quanh trường, trên giao thông hào lại mở các hầm chữ A sang hai bên.

Tình hình lúc đó rất khẩn trương, người lớn cứ thầm thì về một cuộc chiến tranh sẽ xảy ra nay mai. Những đứa 14 - 15 tuổi cũng rất quan tâm đến những chuyện như: ăn tết xong là Tàu sẽ đánh ta, bọn bành trướng đã cho quân áp sát biên giới rồi, quân của ta hiện tại ở các huyện rất mỏng... Chỉ huy trưởng thị đội, trung tá Loòng tuyên bố, nếu Tàu thò tay đánh ta thì ta không những chống trả mà sẽ kéo luôn cả người của nó sang để giần cho một mẻ. Nói vậy, nhưng không ai tin là Tàu sẽ đánh.

Thấy bộ đội bị thương, mới tin chiến tranh đã xảy ra

Ông Ngàn nhớ rõ, ngày 16/2/1979 là thứ Bảy, rạp ngoài trời của thị xã chiếu bộ phim Giải phóng của Liên Xô (cũ), phim chiếu liền ba tập nên dân toàn thị xã đi xem rất đông. 23g, phim mới chiếu xong. Trên đường về, mọi người nhìn lên phía biên giới, thấy cả một vùng có rất nhiều ánh chớp lóe lên, lắng tai còn nghe thấy tiếng ì ầm như sấm. Ai cũng thấy lạ, bảo nhau không có mưa, mà mùa mưa chưa đến, sao lại có sấm chớp. Thắc mắc vậy chứ không ai nghĩ điều tồi tệ nhất đã xảy ra.

Sáng sớm hôm sau, ngày 17/2/1979, đài truyền thanh thị xã vẫn phát đi những tin tức bình thường. Nhưng đến khoảng 9g sáng, mọi người nhao nhao cả lên vì những người từ trung tâm thị xã về kể, gặp rất nhiều xe ô tô chở bộ đội bị thương, bông băng quấn đầy đầu. Ông Ngàn chạy ra xem thì thấy những chiếc xe hối hả chạy qua cầu Bằng Giang hướng về Trà Lĩnh, phía đó có bệnh viện đa khoa tỉnh.

Trên xe, những chiến sĩ bị thương, mặt tái mét vì mất máu nhưng tuyệt không một tiếng rên la. Đến lúc đó, mọi người mới tin chiến tranh đã xảy ra trên quê mình. Cả buổi chiều, không một ai ra khỏi nhà. 17g, các gia đình đang nấu cơm thì đài phát đi một chỉ thị ngắn ngủi: “Yêu cầu bà con sơ tán ra khỏi phạm vi thị xã 5km và chờ thông báo tiếp theo”. Mọi nhà bỏ dở nồi cơm với khói bếp, nháo nhào đi sơ tán.

Hôm sau, bà con trên cao xuống các chợ huyện, thấy bộ đội và xe tăng của ta, còn chạy lại xem và tung hô. Khi súng lia đạn, xe tăng bắn vào thị trấn, bà con mới biết là giặc Tàu đã tràn vào. Ai nấy vội vàng bỏ chạy, cắt rừng về báo cho bản làng trốn lên núi, vào hang. Phía biên giới, súng nổ ầm ì, thỉnh thoảng vẫn lóe lên những tia chớp. Bấy giờ trời giá buốt, mưa phùn gió bấc thổi vù vù, rét thấu xương. Bà con sơ tán không nhà cửa, không chăn màn. Ông Ngàn và các bạn bắt đầu đi tìm nhau, bàn nhau nếu ngày mai có hiệu lệnh của nhà trường hay chính quyền, họ nhất định sẽ cùng nhau trốn gia đình để quay về thị xã chiến đấu.

Vết thương bị phản bội

Đêm 18/2/1979, cậu bé Ngàn 14 tuổi đã gần như chết đứng. Cả khu sơ tán đang ngủ thì bị dựng dậy vì có tin bọn chỉ điểm đang dẫn đường cho thám báo tới. Không ai dám ngủ lại. Hơn 1g sáng, một loạt súng vang lên chừng mươi phút rồi im bặt. Toàn khu sơ tán nín thở chờ đợi. Rất may, bọn thám báo đã bị quân ta tiêu diệt, chỉ riêng tên chỉ điểm là suýt trốn thoát.

Ông Ngàn nhớ lại chuyện đã 40 năm mà vẫn phảng phất hoang mang: “Tôi đã kinh ngạc đến há hốc mồm. Sững sờ đến mức suýt “cháu chào bác ạ” khi tên chỉ điểm bị bộ đội dẫn giải đi qua trước mặt tôi. Tên chỉ điểm đó là Hoàng Cắm Hoáng - bố đẻ của Hoàng Cắm Choóng. Mấy hôm sau, tôi lại nghe tin kẻ đã dẫn chiếc xe tăng của địch từ Đông Khê về tận dốc Nà Toòng chính là bố đẻ của Dương Lệ Mẫn”.

Bốn mươi năm qua, ông luôn muốn gặp lại ba bạn người Hoa từng thân thiết của mình, bởi vết thương bị phản bội trong tâm hồn đứa trẻ 14 tuổi vẫn còn đau nhói: Tại sao vừa hôm trước còn là hàng xóm láng giềng, còn là bạn thân chia đôi nắm cơm, mà hôm sau đã trở mặt “bán sống” nhau được?

Uông Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI