Nghi thức Sati được mô tả vào năm 400 sau Công nguyên, thời đế chế Gupta. Từ thế kỷ XIX, Tây Bengal thuộc miền Đông Ấn Độ là nơi thực hành hủ tục Sati nhiều nhất so với các vùng miền khác ở Ấn Độ trong thế kỷ XIX. Số liệu thống kê của Công ty thương mại Đông Ấn Anh Quốc cho biết, từ năm 1813 đến 1828, có 8.135 vụ tự thiêu chết theo chồng. Có năm xảy ra đến 420 vụ.
Thần Sati trong truyền thuyết - Ảnh: Internet
Truyền thuyết Sati
Sati, theo đạo Hindu, là tên một nữ thần. Sati cũng là nghi thức nhảy vào lửa tự thiêu chết theo chồng. Nữ thần Sati (còn có tên khác là Dakshayani) là hiện thân của hôn nhân hạnh phúc và sống trường thọ. Phụ nữ theo đạo Hindu thờ phụng nữ thần Sati với mong muốn chồng mình trường thọ.
Theo truyền thuyết Hindu, Sati vâng lệnh thần Brama - một trong ba vị thần của đạo Hindu, được coi là linh hồn của vũ trụ - xuống trần làm con gái của Daksha, một ông vua giàu có và quyền uy bậc nhất. Sati có sứ mệnh tôn thờ và làm vợ của Shiva, thần của các vị thần. Lớn lên, công chúa Sati được vua chúa các nước đến hỏi làm vợ nhưng nàng từ chối tất cả. Sati nguyện không lấy bất cứ người đàn ông nào khác theo ý cha, ngoài thần Shiva.
Để chinh phục thần Shiva, một người có cuộc sống khổ hạnh, Sati từ bỏ cung vàng điện ngọc vào sống trong rừng. Mỗi ngày nàng ăn một lá cây Bilva, suốt ngày cầu nguyện được làm vợ thần Shiva. Lòng thành của công chúa cuối cùng đã lay động được trái tim vị thần hiện thân của sự hủy diệt.
Con tim tràn đầy hạnh phúc, Sati trở về cung điện đợi thần Shiva đến hỏi cưới. Lễ cưới diễn ra không trọn vẹn vì vua Daksha “bằng mặt nhưng không bằng lòng” với con rể. Thậm chí nhà vua, theo truyền thuyết, vốn là một ông vua kiêu căng, không xem con gái là thành viên trong gia đình. Sau lễ cưới, công chúa Sati theo chồng về Kailasa.
Một hôm, vua Daksha tổ chức nghi lễ tế đàn thật lớn. Tất cả các vị thần đều được mời tới dự, trừ Sati và Shiva. Dù vậy, Sati vẫn muốn gặp lại cha mẹ, anh chị em và bạn bè. Nàng đến dự lễ, bất chấp lời can gián của thần Shiva. Vua Daksha tiếp con gái với vẻ mặt lạnh lùng. Sau đó, cả hai tranh luận gay gắt về đức hạnh của Shiva.
Từ đó, nàng Sati hiểu rõ cha mình không thể hòa hợp với chồng, nguyên nhân là do Shiva đã hỏi cưới nàng. Nói cách khác, nàng đã làm mất danh dự chồng. Uất ức vì thái độ của cha, công chúa Sati tự thiêu để bảo vệ danh dự của chồng. Hay tin, thần Shiva nổi cơn thịnh nộ, sai Virabhadra và Bhadrakali là hai quái thú tàn sát hết những người có mặt trong buổi lễ. Vua Daksha cũng bị chém đầu. Còn thần Shiva thì vác xác vợ trên vai chạy khắp trần gian, miệng không ngớt than khóc.
Khi bình tâm, Shiva hồi sinh cho tất cả những người đã chết, kể cả người gây họa là vua Daksha nhưng đầu của Daksha được thay bằng đầu dê. Từ đó về sau, Daksha trở thành đệ tử trung thành của thần Shiva.
Vợ chồng Roop Kanwar
Tiến hành Sati ở Ấn Độ
Sati mata - “Mẹ Sati thuần khiết”
Xã hội Ấn Độ ngày nay đã tiến bộ nhiều. Ở các đô thị lớn nhỏ, lễ Sati không còn nữa, nhưng ở nông thôn, do dân trí chưa cao, phụ nữ không có điều kiện học hành, nên hủ tục Sati vẫn tồn tại.
Năm 2002, một góa phụ 65 tuổi tên Kutta đã tự thiêu trên giàn hỏa thiêu chồng mình tại hạt Panna. Ngày 18/5/2006, một góa phụ 35 tuổi nhảy vào giàn hỏa thiêu chồng tại làng Rari-Bujurg, hạt Fatehpur, bang Uttar Pradesh. Ngày 11/10/2008 ở làng Checher, hạt Rajpur, một bà cụ 75 tuổi tự thiêu theo chồng 80 tuổi trong nghi thức Sati.
Sự kiện làm chính quyền đau đầu nhất là nàng Roop Kanwar, mới 18 tuổi, tự thiêu ngày 4/9/1987 tại làng Deorala, hạt Sikar thuộc Rajasthan, bang lớn nhất Ấn Độ.
Nàng Roop xinh đẹp mới lấy Maal Singh Sekhawat làm chồng được tám tháng thì góa bụa. Lễ Sati được dân làng tổ chức trọng thể với sự tham gia của cả ngàn tín đồ Hindu. Sự kiện bi thảm này xảy ra cách thủ đô New Dehli 160km, làm chấn động cả nước. Phản ứng của người dân lẫn lộn giữa sốc và ngưỡng mộ, căm phẫn và tôn kính.
Roop Kanwar có phải là một tín đồ cuồng nhiệt của đạo Hindu? Nàng tự nguyện chết theo chồng hay bị gia đình và họ hàng ép buộc? Những câu hỏi được đặt ra, trong khi các bài báo thì đưa tin trái ngược nhau.
Một tờ báo địa phương ghi lời “tai nghe mắt thấy” của người hàng xóm Meenakshi Khandelwal: “Roop không hề khóc. Cô ấy nói “em không để anh đi một mình, em cũng theo anh đây”. Khi bà con thân thuộc khuyên nàng từ bỏ ý định thì Roop đe dọa họ bằng lời nguyền Sati shraap rằng ai cản trở nghi lễ Sati sẽ bị “trời tru đất diệt”. Người hàng xóm còn kể, cách đây 69 năm, một người đàn ông đã bị lời nguyền làm cho tán gia bại sản. Vẫn theo nhân chứng Meenakshi Khandelwal, nàng Roop đã thông báo quyết định chết theo chồng cho các già làng và chức sắc trong giáo hội. Tin rằng người vợ trẻ đã nhận được sức mạnh của thần linh để tự nguyện trở thành Sati, các già làng và gia đình bên chồng đồng ý cho Roop thực hiện nguyện vọng của mình. Một số tờ báo tường thuật nàng Roop đứng như pho tượng, miệng không ngớt cầu nguyện. Khi giàn hỏa đã sẵn sàng, Roop ngồi bên cạnh, đặt đầu chồng vào lòng, ra hiệu cho em chồng 15 tuổi mồi lửa. Chìm trong đống lửa, Roop bình thản nói chuyện với người thân, không lộ vẻ đau đớn, cho tới khi chết trong tư thế ngã ngửa ra sau.
Một số bài báo lại nói khác, đưa ra một số dấu hiệu cho thấy Roop bị ép buộc. Chuyện này đã từng xảy ra. Gia đình bên chồng “thuốc” nàng dâu bằng cần sa hoặc á phiện rồi đưa lên giàn hỏa. Thậm chí, có trường hợp nàng dâu bị trói chung với xác chồng, chết thiêu trên giàn hỏa.
Nửa tháng sau, Hãng thông tấn Ấn Độ UNI, đưa tin cha chồng và ba người thân bên chồng Roop bị bắt và truy tố về tội giết người và xúi giục tự tử. Báo Indian Express cũng cho biết, quan tòa, cảnh sát trưởng và ba viên cảnh sát hạt Sikar bị thuyên chuyển đi nơi khác. Ngoài ra, 11 người khác, trong đó có một số chính khách cấp bang, cũng bị bắt và truy tố vì tham gia tổ chức nghi lễ Sati. Tất cả đều theo đạo Hindu.
Dân làng đã phản đối kịch liệt những biện pháp của chính quyền bang Rajasthan. Phụ nữ Rajput xuống đường biểu tình đòi thả người. Họ quyên góp được một số tiền tương đương 230.000 USD để xây đền thờ tại chỗ đặt giàn hỏa. Roop được dân làng ca tụng là Sati mata tức “mẹ Sati thuần khiết”. Họ tin rằng, Roop sẽ đoàn tụ với chồng ở thế giới bên kia và sống bên nhau hạnh phúc trọn đời trọn kiếp. Làng Deorala cũng biến thành điểm hành hương của người Hindu từ đó.
TRỌNG NGHĨA