Cách nay chỉ hơn một năm, tại Malawi vẫn còn nhiều người - phần lớn là phụ nữ, trẻ em và người già - phải ở tù vì “nhắm mắt” thú nhận mình là PT sau khi không chịu nổi những trận đòn. Họ có là PT hay không thì chẳng ai có thể chứng minh được. Tuy nhiên, người dân tại nhiều nước ở vùng Hạ Sahara này vẫn tin là PT có thể gây hại đến họ và gia đình họ bằng bùa chú và ma thuật. Mỗi khi có những cái chết không rõ nguyên nhân hay một dịch bệnh xảy ra thì những người bị xem là PT phải “giơ đầu chịu báng”.
Việc những nạn nhân vô tội bị hành hình theo cách của thời trung cổ (treo cổ hoặc thiêu sống) vẫn còn diễn ra thường xuyên ở các nước Kenya, Gabon, Malawi… thậm chí ở tận quần đảo Papua New Guinea, một đảo quốc nhỏ ở Thái Bình Dương. Cho đến giờ, người ta vẫn còn kinh hoàng khi nhớ lại vụ 11 người bị thiêu chết chỉ vì bị nghi là PT tại Kenya hồi năm 2008. Lần đó, hơn 300 thanh niên đã săn lùng khắp ngôi làng mang tên Nyakeo, miền Tây Kenya, để tìm cho ra những người có tên trong danh sách PT. Lần đó, sau khi nhiều đứa trẻ chết liên tiếp không rõ nguyên nhân, dân làng Nyakeo đã sục tìm những người họ cho là PT để trả thù. Có tám người đàn bà và ba người đàn ông - tất cả đều từ 70 đến 90 tuổi - bị cáo buộc là PT. Dân làng lôi họ ra khỏi nhà, đánh đập và cắt cổ rồi ném xác vào nhà họ trở lại, nổi lửa đốt cháy cả căn nhà lẫn xác nạn nhân.
Cảnh Kepari Laniata bị thiêu đến chết (ảnh: internet)
Nơi nào cũng có Phù Thủy!
Không chỉ những người dân được cho là quá mê tín hoặc dân trí thấp tin vào chuyện PT và bùa chú, ngay cả quan chức chính quyền tại một số nơi cũng tin vào điều này. Không ít lần cảnh sát Malawi bắt giam những người bị tố cáo là PT, dùng nhục hình để buộc họ phải công nhận mình là PT. Dù cảnh sát Malawi cực lực bác bỏ việc “ép cung” này, nhưng có lần Kelvin Maigwa, một quan chức cảnh sát cao cấp, thừa nhận: “Cảnh sát đã bắt những PT sau khi nhận được lời tố cáo của người khác. Một số thừa nhận mình là PT, một số khác không thừa nhận. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, nếu không tìm ra chứng cứ cho thấy người đó đã dùng bùa chú để hại người thì chúng tôi thả ngay”.
Ông Maigwa không tiết lộ bằng cách nào mà cảnh sát có thể xác định được ai là PT hoặc không. Tuy nhiên, điều này cho thấy vẫn còn nhiều người tin rằng PT và bùa chú là những điều có thật. Hồi tháng 2/2013, Kepari Laniata, một bà mẹ 20 tuổi, đã bị cáo buộc là dùng bùa chú hại chết một đứa trẻ sáu tuổi, vốn là họ hàng của cô. Laniata bị nhiều dân làng ở vùng cao nguyên Hagen (không quá xa thủ đô Port Moresby), đánh đập bằng roi sắt trước khi tẩm dầu vào người cô rồi thiêu sống trong đống vỏ xe phế thải.
Khi cảnh sát đến nơi thì cái xác của Laniata đã cháy đen và không thể tìm ra manh mối nào vì những người có mặt trong cuộc hành hình đều tỏ ra bất hợp tác. Khi cuộc hành hình diễn ra, nhiều người dân địa phương chen lấn để xem nhưng chẳng ai có hành động nào nhằm cứu sống Laniata. Thậm chí, chồng của cô cũng có mặt, nhưng theo điều tra sau này của cảnh sát, hắn ta bị nghi là một trong những người “chủ trò” trong việc hành hình Laniata.
Cảnh tượng kinh hoàng này, đối với người Papua New Guinea là điều bình thường. Tại đảo quốc này, bất cứ cái chết hay tai họa bất ngờ nào cũng bị đổ lỗi cho bùa chú của PT. Hình ảnh cuộc thiêu sống Laniata xuất hiện trên các tờ báo xuất bản tại Port Moresby ngay sáng hôm sau đã tạo ra cơn sóng phẫn nộ trong dư luận, đặc biệt là trong giới ngoại giao đang công tác tại Papua New Guinea.
Ông George Thindwa bên cạnh nạn nhân bị xem là phù thủy (ảnh: internet)
Những hiệu ứng tích cực
Theo con số chính thức, tại Malawi, cho đến giữa năm 2011 vẫn còn hơn 60 người đang ở tù vì bị cho là PT hoặc có dùng các hình thức bùa chú để gây tổn hại người khác. Những người này đã rất may mắn khi được sự giúp đỡ của Tổ chức Nhân đạo thế tục, một tổ chức từ thiện được thành lập trước đó không lâu ở Malawi, người điều hành là ông George Thindwa.
George Thindwa là người đứng đầu Tổ chức Nhân đạo thế tục, ông luôn làm đủ mọi cách để người dân Malawi không còn tin vào chuyện PT hay bùa chú. Ông từng thách thức những ai tự nhận mình là PT bằng cách treo thưởng một triệu kwacha (tiền Malawi, trị giá 2.500 USD) cho bất cứ ai có thể ám hại ông bằng bùa chú hay tài PT. Từ đó đến giờ đã ba năm mà vẫn chưa ai lấy được giải thưởng này. Hành động của ông Thindwa nhanh chóng nhận được phản hồi. Chính phủ Na Uy đã tài trợ 206.980.200 đồng kwacha cho tổ chức của ông, trong một chiến dịch kéo dài ba năm nhằm tìm lại công bằng cho những người đang bị giam giữ vì bị nghi là PT. Sâu xa hơn, mọi người muốn tìm cách chấm dứt hẳn việc tìm diệt những người bị xem là PT tại nước này.
Tổ chức Nhân đạo thế tục đã khiếu nại những trường hợp giam giữ này đến ông Bingu wa Mutharika, Tổng thống Malawi lúc đó. Kết quả thật đáng hài lòng, các phạm nhân được xét xử lại và lần lượt được phóng thích. Hai người cuối cùng trong nhóm này đã được trả tự do vào ngày 21/12/2012. Tuy nhiên, khi ra khỏi trại giam, những người này cũng khó tìm lại được cuộc sống bình thường. Khi họ bị bắt vì cáo buộc này, thường thì những người thân của họ đều phải trốn biệt xứ, tài sản của họ bị cướp bóc và nhà cửa thì bị thiêu rụi.
Trong thời gian ở tù, những người bị cho là PT thường xuyên bị cả cảnh sát lẫn các tù nhân khác đánh đập. Do vậy, dù trên thực tế là đã được tự do nhưng cả tinh thần lẫn thể lực của họ đều kiệt quệ. Không ít người đã chết sau khi ra khỏi trại giam, vì thiếu ăn và suy sụp tinh thần.
Dù vậy, việc làm của George Thindwa cũng phần nào tạo ra hiệu ứng tích cực. Một tòa án tại Gabon vừa ra lệnh phóng thích 23 người, phần lớn là phụ nữ và người già, bị bỏ tù vì cáo buộc PT. “Không có chứng cứ xác thực để kết tội những người này đã dùng ma thuật gây tổn hại đến tính mạng người khác”, phán quyết của tòa án Gabon ghi rõ.
Tuy nhiên, xóa bỏ triệt để việc săn tìm rồi hành hình những người bị cho là PT không phải là điều có thể làm được trong vài năm, thậm chí vài thế hệ. Sự mê tín đã ăn sâu vào tâm trí của nhiều người và chỉ một tổ chức của ông George Thindwa là không đủ.
THIỆN NGA