Cuộc chiến chống Covid-19 và đôi điều “thầm lặng”

17/02/2020 - 07:37

PNO - Những gì TPHCM đang nỗ lực nhằm kiểm soát chống dịch Covid-19 đã cho thấy một sự chủ động và toàn diện, tạo nên một lá chắn phòng vệ từ nhận thức cộng đồng đến trách nhiệm điều hành của chính quyền thành phố.

Ngày 31/1, trong cuộc họp với UBND TPHCM, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, sẽ làm tất cả để người dân được bình yên, đảm bảo an toàn sức khỏe, kể cả chấp nhận thiệt hại kinh tế. Ông chỉ đạo, chậm nhất là ngày 15/2, phải công bố phương án thành lập các bệnh viện dã chiến trong trường hợp dịch lan rộng. 

Ngày 10/2, bệnh viện dã chiến đầu tiên của TPHCM đã chính thức vận hành với công suất 100 giường tại khu nhà 1-2 của Trường Quân sự TPHCM (xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi) và ngày 15/2, tiếp tục đưa 200 giường tại khu nhà 3-4-5-6 vào sử dụng. 

Nghĩa là, chỉ hơn một tuần, ngoài việc hoàn thành cơ sở hạ tầng, đảm bảo môi trường xung quanh bệnh viện được kiểm soát an toàn - trong đó đầu tư hệ thống xử lý nước thải y tế theo công nghệ tiên tiến - thì cả dây chuyền từ tiếp nhận, sàng lọc đến cấp cứu, cách ly, điều trị đều đã hoàn thiện và đi vào vận hành bài bản. Đó là một khối lượng công việc khổng lồ, không chỉ đòi hỏi vật lực mà còn là nguồn nhân lực triển khai, thực hiện, điều hành liên tục, áp lực. 

Diễn tập cấp cứu bênh nhân nhiễm Covid-19 tạ Bệnh viện dã chiến ở Củ Chi, sẵn sàng.... trong trường hợp dịch lan rộng
Diễn tập cấp cứu bệnh nhân tại Bệnh viện dã chiến ở Củ Chi, sẵn sàng chống và kiểm soát dịch Covid-19

Trước dịch bệnh, lại là đại dịch, không có thời gian cho cái gọi là “rút bài học kinh nghiệm”, càng không thể phó mặc cho sự may rủi “khách quan” hay hạn chế “chủ quan”. Từ tâm dịch Vũ Hán của tỉnh Hồ Bắc, thảm họa đến từ trong phản xạ vô tri một cách “quen thuộc” ấy! 

Chính vì vậy, những gì TPHCM đang nỗ lực nhằm kiểm soát chống dịch Covid-19 đã cho thấy một sự chủ động và toàn diện, tạo nên một lá chắn phòng vệ từ nhận thức cộng đồng đến trách nhiệm điều hành của chính quyền thành phố; từ cơ sở hạ tầng và hệ thống quản lý hạ tầng đến khả năng và nguồn lực đã được đầu tư nền tảng, đang được phát huy hiệu quả trong nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng và đạt kết quả điều trị tích cực. 

Trở lại trường hợp hai cha con người Trung Quốc được chữa khỏi Covid-19, với tất cả sự cẩn trọng cần thiết, nhóm bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy, Viện Pasteur TPHCM đã cho thấy kinh nghiệm vàng trong chẩn đoán, điều trị lâm sàng kết hợp cùng quy trình thực nghiệm khá hoàn hảo, trong đó áp dụng các xét nghiệm theo kỹ thuật sinh học phân tử. 

Rõ ràng, một khi thế giới chỉ mới dừng lại ở những “tuyên bố” và “hứa hẹn” mà chưa thể đưa ra một chủng vắc-xin đặc trị thì phác đồ chữa trị trên triệu chứng để cho ra kết quả khả quan, tích cực (như hai trường hợp cha con bệnh nhân người Trung Quốc) là một thành quả. 

Ông Li Ding, đến từ Vũ Hán, Trung Quốc - bệnh nhân nhiễm Covid đầu tiên ở Việt Nam - đã được các bác sĩ Bệnh viện Chờ Rẫy chữa khỏi và xuất viện vào ngày
Ông Li Ding, đến từ Vũ Hán, Trung Quốc - bệnh nhân nhiễm Covid-19 đầu tiên ở Việt Nam - đã được các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy chữa khỏi và xuất viện vào ngày 12/2

Ngày 11/2, TPHCM cùng lúc khánh thành Trung tâm Điều hành y tế thông minh và Trung tâm Điều hành giáo dục thông minh. Ngày 14/2, trong quyết định kéo dài thời gian tạm nghỉ học của học sinh, sinh viên do dịch bệnh Covid-19 đến hết tháng Hai, lãnh đạo UBND TPHCM cũng cho biết sẽ kiến nghị Chính phủ cho học sinh, sinh viên nghỉ học hết tháng Ba. Đặt trong thời điểm chính thức vận hành hai trung tâm nói trên thì quyết định ấy càng xác tín rằng, trong điều kiện kỹ thuật công nghệ càng cao, càng thông minh thì tư duy, cảm xúc con người - cụ thể ở đây là trách nhiệm của những người điều hành “thành phố thông minh” - lại càng cần phải thấu thị hơn bao giờ hết. Nó cho thấy cam kết “làm tất cả để người dân được bình yên” là rất thật. 

Giữa những ngày thành phố vắng-lặng-không-bình-thường, đó lại là một sự bình thường bởi ý thức bảo vệ sức khỏe cho chính mình, cho cộng đồng quanh mình của người dân thành phố. Giữa những giờ trong ngày, cả bộ máy chính quyền thành phố hoạt-động-không bình-thường khi phải “mở” hết công suất để đảm bảo “trận đồ” chống dịch Covid-19, không được chậm trễ, không được sơ suất, không được sai sót, kể cả việc phải “tai nghe mắt thấy” mà xử phạt những kẻ trục lợi, ký sinh lên con vi-rút Corona để quảng cáo xét nghiệm Covid-19 sai phép, nâng giá khẩu trang… 

Tôi lật lại bản thảo của M. Tullius Cicero - chính trị gia lỗi lạc của thành Rome, một nhà hùng biện cách chúng ta hơn 2.000 năm. Ông viết: “Chức năng của một quan chức nhà nước là điều hành cũng như ban hành các chỉ thị công bằng, hữu ích và đúng pháp luật. Quả thật, có thể nói một cách đúng đắn là: quan chức là luật pháp biết nói, còn luật pháp là quan chức thầm lặng”. 

Cuộc chiến chống dịch Covid-19 đã nói lên được đôi điều hết sức “thầm lặng” như thế! 

Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI