Cuộc chiến chống COVID-19 và bài học cho Việt Nam

12/03/2020 - 06:00

PNO - Có người ví cuộc chiến chống vi-rút Corona giống như chơi golf, đòi hỏi người chơi phải thắng chính mình. Ví von như vậy hơi khập khiễng, nhưng để nói cuộc chiến này không giống chiến tranh thông thường.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói “chống dịch như chống giặc”, nhưng đây là giặc vô hình định chui vào tận tế bào con người để hủy diệt. 

Cuộc chiến không biên giới

Đây là cuộc chiến không biên giới, các loại vũ khí tối tân đều vô nghĩa, nhưng nó có thể làm suy yếu thị trường chứng khoán và đảo lộn bàn cờ địa chính trị. Đối phó với dịch COVID-19 còn khó hơn cả với ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Đó là cuộc chiến cam go, đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách phải quyết liệt và đổi mới hệ quy chiếu.  

Các tổ chức quốc tế như World Bank, WHO, CDC của Mỹ đánh giá cao về công tác phòng chống dịch của Việt Nam
Các tổ chức quốc tế như World Bank, WHO, CDC của Mỹ đánh giá cao về công tác phòng chống dịch của Việt Nam

Vì vậy người Trung Quốc vẫn chưa học được bài học kinh nghiệm về dịch SARS (năm 2003) để đối phó với dịch COVID-19 (năm 2020). Chiến tranh thế giới thứ 3 đáng lo nhưng nguy cơ không cao vì loài người đã quen với xung đột truyền thống (giữa người với người), trong khi chưa quen với nguy cơ xung đột phi truyền thống (con người với giới tự nhiên). 

Khi dịch COVID-19 bùng phát tại Vũ Hán, người Trung Quốc chưa sẵn sàng đối phó với dịch mới vì “gót chân A-sin” làm cho họ “bị mù lòa”. Lúc đó họ chỉ chú trọng đến tổ chức đại tiệc trước tết cho hàng vạn người, và sau đó hàng triệu người có nguy cơ lây nhiễm đã rời Vũ Hán đi khắp Trung Quốc và các nước. 

Khi dịch cúm khủng khiếp xảy ra tại Tây Ban Nha (1918-1919) làm hàng chục triệu người chết, loài người còn chưa hiểu biết mấy về vi-rút và thế giới vi sinh. Nay loài người tuy hiểu biết nhiều hơn, nhưng họ tàn phá môi trường nhiều hơn, làm đảo lộn hệ sinh thái tự nhiên. Toàn cầu hóa càng cao thì vận tốc lây lan dịch bệnh do vi-rút càng nhanh.

Có thể coi thảm họa COVID-19 tại Vũ Hán như “một vụ nổ phi hạt nhân” có sức công phá (hữu hình và vô hình) không thua kém, thậm chí còn lớn hơn cả thảm họa hạt nhân Chernobyl (tại Nga) hay Fukushima (tại Nhật). Người ta có thể khoanh vùng để hạn chế thảm họa hạt nhân dễ hơn khoanh vùng và hạn chế thảm họa do vi-rút Corona. 

Vũ Hán là tâm điểm của dịch COVID-19, nhưng một khi nó đã bùng phát và vượt ra khỏi tầm kiểm soát của chính quyền Trung Quốc thì “cơ hội vàng” đã mất. Chỉ cần vài người “siêu lây nhiễm” là có thể biến thành phố Daegu (tại Hàn Quốc) hay thành phố Qom (tại Iran) thành tâm điểm bùng phát dịch COVID-19 bên ngoài Vũ Hán (Trung Quốc). 

Ngoài thể chế và lễ hội tại Trung Quốc, thì tôn giáo tại Hàn Quốc và Iran là nguyên nhân chủ yếu làm chính quyền bất lực trước nguy cơ bùng phát dịch. Đó là bi kịch khi giáo phái Tân Thiên Địa tại Hàn Quốc hay các tín đồ đạo Hồi tại Iran biến đất nước thành tâm điểm lây nhiễm mới. Nói cách khác, thể chế và tôn giáo cực đoan đều nguy hiểm. 

Không được chủ quan 

Theo cập nhật của Worldometer, số người bị lây nhiễm tại Việt Nam đã được duy trì ở con số 16 trong ba tuần liền. Trong khi đó, tại một số nước khác (như Hàn Quốc, Iran và Ý) số người bị lây nhiễm đã tăng lên rất nhanh (trên 7.000). Việt Nam có thành tích đáng khâm phục, nhưng không được chủ quan vì đó có thể là “khoảng lặng trước cơn bão”. 

Việt Nam tự hào là có mạng lưới y tế cộng đồng khá tốt, được các tổ chức quốc tế (như World Bank, WHO, CDC của Mỹ) đánh giá cao về công tác phòng chống dịch. Chính phủ Việt Nam, từ thủ tướng đến phó thủ tướng đặc trách chống dịch đã chỉ đạo quyết liệt. Có lẽ vì vậy mà Việt Nam đã thành công trong việc kiểm soát dịch (trong giai đoạn đầu). 

Nhưng rồi “người thứ 17 và 21” đã bất ngờ xuất hiện (ngày 7/3/2020), chọc thủng “phòng tuyến 16” mà Việt Nam đã cố cầm cự trong ba tuần. Không phải chỉ có “người thứ 17” hay “người thứ 21”, mà trong vòng vài ngày, con số lây nhiễm đã tăng vọt lên 34 (vẫn chưa dừng). 

Có thể nói, ngày 8/3 đánh dấu một bước ngoặt mới buộc Việt Nam phải chuyển sang “giai đoạn hai” trước nguy cơ dịch COVID-19 có thể bùng phát như một số nước. Có mấy nguy cơ tiềm ẩn: 

Một là Việt Nam liền kề với Trung Quốc, có đường biên giới chung khó kiểm soát, và có mối quan hệ đặc biệt làm Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc. 

Hai là cộng đồng người Hàn ở Việt Nam rất đông (ước tính hơn 250.000 người). Trong khi đó, cộng đồng người Việt ở Hàn Quốc cũng không kém (trên 200.000 người). Hàn Quốc là một đối tác đầu tư (FDI) và thương mại quan trọng bậc nhất của Việt Nam. Nay Hàn Quốc trở thành tâm điểm lớn nhất về dịch COVID-19 (sau Trung Quốc) nên rủi ro rất cao. 

Ba là mạng lưới y tế cộng đồng và công tác phòng chống dịch của Việt Nam tuy khá tốt (trong giai đoạn đầu), nhưng nay bộc lộ một số bất cập qua sự lây lan của “người thứ 17”  và “người thứ 21”, làm dư luận hốt hoảng. Trước nguy cơ COVID-19 có thể lây lan từ nhiều hướng khác ngoài Trung Quốc, hệ thống y tế của Việt Nam có thể quá tải. 

Trong bối cảnh đó, nguy cơ bùng phát dịch COVID-19 tại Việt Nam vẫn còn lớn, đe dọa chuỗi cung ứng toàn cầu và nguy cơ khủng hoảng kép về y tế và kinh tế. Đồng thời, sự lan truyền thông tin thất thiệt có thể làm người dân hốt hoảng. Đó là “con quỷ ba đầu” khó kiểm soát, đang góp phần gây tâm trạng bất an trong cộng đồng. 

Nguyễn Quang Dy

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Hoàng Sang 12-03-2020 17:12:31

    Cách tốt nhất là tất cả những người từ nước ngoài về Việt Nam đều phải chịu cách ly theo dõi để khỏi phải xãy ra tình trạng như người thứ 17.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI